Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 5,66%, đây là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Nhiều chỉ số tăng trưởng kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu và thu hút vốn FDI đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Trước những thành quả đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kỳ vọng GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể cán mốc 6% và tăng lên 6,2% trong năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trong khu vực cùng với Ấn Độ, Bangladesh và Philippines,...
Liên quan tới vấn đề này, trả lời một số câu hỏi của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết: Triển vọng tổng thể của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là vừa lạc quan, vừa thận trọng nhờ có sự phục hồi tương đối toàn diện ở các ngành.
Toàn cảnh họp báo nhận định về kinh tế quý I/2024 diễn ra vào giữa tháng 4/2024. Ảnh: Định Trần
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức
+ Với những số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong quý I/2024?
- Nhìn vào báo cáo của Tổng cục Thống kê có thể thấy, các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam đều tăng trưởng tích cực. Đơn cử khi nhìn vào phần sản xuất, do động lực phục hồi xuất khẩu nên đầu năm 2023 rất khó khăn, từ nửa cuối 2023 đã phục hồi và tiếp tục duy trì tới quý đầu 2024.
Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Có thể thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch tương đối ổn định, được thúc đẩy và có thể kỳ vọng đạt bằng các năm trước. Chính phủ vừa qua cũng đã có những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công tốt hơn.
Bên cạnh đó, các đơn hàng mới đã dần trở lại và nhu cầu tiêu dùng đã vực dậy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào cuối năm 2023, thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2024.
Lãi suất thấp hơn, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và khung pháp lý liên quan tới đất đai được cải thiện gần đây sẽ hỗ trợ ngành xây dựng.
Với những kỳ vọng như vậy, hoàn toàn có thể trông đợi vào thành tích tốt hơn trong năm 2024, tạo ra lực đẩy tích cực cho tăng trưởng.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng vững chắc trong năm nay và có tốc độ cao hơn một chút trong năm tới, nhưng có một số rủi ro sụt giảm bên ngoài có thể cản trở đà tăng trưởng của Việt Nam.
Một trong những rủi ro đó là nhu cầu toàn cầu suy yếu do tốc độ phục hồi kinh tế chậm ở các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng địa chính trị quốc tế vẫn đang tiếp diễn. Cả 2 yếu tố này sẽ làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng chế biến xuất khẩu của Việt Nam.
Rủi ro tiếp theo là việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất tại thị trường Mỹ và các thị trường phát triển khác. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua đã bộc lộ những nguy cơ dễ đổ vỡ của cấu trúc trong nước. Chẳng hạn như sự phụ thuộc vào chế biến xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI làm đầu tàu, thị trường vốn còn non trẻ mà hiện tại rất cần thiết phải phát triển hơn nữa, sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng và các yếu tố khác…
Chính sách giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2024, giúp kích thích tiêu dùng nội địa.
Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời thì Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
+ Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, số lượng doanh nghiệp phá sản, rút lui khỏi thị trường đang “áp đảo” so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Theo ông, xu hướng này liệu có đáng quan ngại?
- Tôi cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế năng động. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp phá sản có xu hướng tăng từng năm là điều dễ hiểu.
Có thể thấy, trong năm 2023 và trong quý I/2024, số lượng doanh nghiệp phá sản, rút lui ra khỏi thị trường có xu hướng tăng, điều này thể hiện bản chất của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, xu hướng bình thường và không đáng quan ngại. Bởi, như tôi đã chia sẻ, Việt Nam là một nền kinh tế tăng động và có nhiều tiềm năng, có hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Nhẹ về tiền tệ, nặng về tài khóa, nhưng đầu tư công mới là trọng điểm của tăng trưởng kinh tế
+ Một số ý kiến cho rằng, các chính sách tài khóa là một trong những yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng kể từ năm 2023 cho tới nay. Ông đánh giá thế nào đối với ý kiến này?
- Năm 2023 là năm cuối của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Trong năm 2023, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế VAT, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế môi trường,... và nhiều chính sách tài khóa khác đã giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, GDP tăng 5,05% trong năm 2023.
Sang năm 2024, một số các chính sách tài khóa vẫn còn có hiệu lực và tiếp tục mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Đơn cử như chính sách giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2024, giúp kích thích tiêu dùng nội địa.
Có một số ý kiến cho rằng, để tạo đà mạnh hơn cho kinh tế tăng trưởng, bên cạnh các chính sách tài khóa, phải chăng nên có thêm các chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện nay, để nền kinh tế phục hồi mạnh hơn, các chính sách hỗ trợ nên nhẹ về tiền tệ, nặng về tài khóa. Thực tế cho thấy, lãi suất trong nước đang ở mức thấp, vì vậy không còn nhiều không gian để tiếp tục hạ thêm lãi suất nữa.
Dù vậy, cần phải lưu ý rằng, mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng việc triển khai các chính sách tài khóa là phải cân đối lợi ích giữa kích thích tiêu dùng nội địa với cân đối tài chính công. Bởi, nếu có thêm các chính sách tài khóa, đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách, nêu không sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách.
Với ý kiến của Bộ Tài chính, tôi cho rằng, đầu tư công nên là “trọng điểm” và quan trọng hơn, bởi nó có tính lan tỏa. Đầu tư công không chỉ tăng cầu nội địa để thực hiện các dự án đầu tư công, nó còn giúp nền kinh tế - xã hội ở khu vực phát triển đầu tư công hoạt động sôi động và hiệu quả hơn.
Với các chính sách tài khóa, hiện Chính phủ vẫn đang có nhiều giải pháp mang tính dài hơn hơn, ví dụ như chương trình phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Chương trình này cũng được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB. Ảnh: FS
+ Như ông đã chia sẻ, chính sách giảm 2% thuế VAT đã kích thích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có hiệu lực đến hết tháng 6/2024, tức là quá trình triển khai trong nửa năm. Vì vậy, một số ý kiến đề xuất tiếp tục gia hạn việc giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024. Theo ông, Việt Nam có nên gia hạn chính sách này?
- Chính phủ là cơ quan có nhiệm vụ đề xuất việc giảm 2% thuế VAT. Tuy nhiên, nên hay không nên tiếp tục gia hạn còn phụ thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội.
Trên thực tế, hiện nay, Chính phủ vẫn đang xem xét cân nhắc các chính sách tài khóa có còn cần thiết trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 hay không để đưa ra các đề xuất mới, trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
Trong bối cảnh tiêu dùng trong nước đang yếu, đầu tư đang yếu, có thể Chính phủ sẽ tiếp tục gia hạn chính sách này cho tới hết năm 2024. Bởi, trong các chính sách tài khóa đã và đang được triển khai, việc giảm 2% thuế VAT có tác động trực tiếp tới tiêu dùng nội địa, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ngược lại, nếu Chính phủ đánh giá diễn biến trong nước ổn định, không cần kích thích tiêu dùng nội địa nữa, có thể sẽ không gia hạn việc giảm thuế. Nói tóm lại, việc giảm hay không giảm phụ thuộc vào đánh giá của Chính phủ và cả Quốc hội.
+ Xin chân thành cảm ơn ông!
Định Trần (Thực hiện)