Ấn Độ và ASEAN thăng hạng trong vị trí ưu tiên về chuỗi cung ứng

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đang ngày càng tìm đến Ấn Độ và Đông Nam Á như những điểm đến thay thế cho chuỗi cung ứng, trong bối cảnh quan hệ thương mại Trung Quốc và Mỹ có sự trầm lắng.

Một cuộc thăm dò của công ty kiểm toán PwC công bố hôm 9/5 cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đang ngày càng tìm đến Ấn Độ và Đông Nam Á như những điểm đến thay thế cho chuỗi cung ứng, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có sự trầm lắng.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát - dựa trên ý kiến của 150 giám đốc điều hành cấp cao trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ- cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này sẽ không tách rời hoàn toàn khỏi hai cường quốc trong những năm tới. Cuộc thăm dò ý kiến do công ty quản lý tài sản Eastspring Investments ủy quyền thực hiện vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024 cho thấy trong thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ trở thành "mắt xích" quan trọng thứ ba trong chuỗi cung ứng của các công ty, tăng từ vị trí thứ tư hiện tại.

Đông Nam Á cũng sẽ dịch chuyển lên một bậc trong thứ hạng chuỗi cung ứng quan trọng toàn cầu, lên vị trí thứ năm. Ngược lại, Đức sẽ tụt xuống một bậc, xuống vị trí thứ tư, và Nhật Bản cũng chịu chung cảnh ngộ, rơi xuống vị trí thứ sáu.

Kết quả khảo sát cho biết: "Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tái cân bằng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, trong khi Ấn Độ sẽ được hưởng lợi trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, dược phẩm và thiết bị y tế".

Ngay cả khi vẫn còn những tranh luận về việc "giảm thiểu rủi ro" từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc đa dạng hóa nguồn cung ứng nhằm tách khỏi thị trường lớn nhất châu Á trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và xung đột thương mại với Mỹ leo thang, những người được hỏi chỉ ra rằng cả hai nước vẫn có vị thế quan trọng. Do vậy, các công ty của họ trong tương lai gần sẽ không giảm mức ưu tiên cũng như không tăng cường tập trung vào cả hai cường quốc này.

Ngay cả khi những lo ngại về việc "giảm rủi ro" phụ thuộc vào Trung Quốc gia tăng, hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh xa thị trường lớn nhất của châu Á do nền kinh tế suy yếu và căng thẳng thương mại với Mỹ, những người tham gia khảo sát cho biết cả hai nước vẫn đóng vai trò quan trọng. Các công ty của họ trong tương lai gần sẽ không giảm hoặc tăng cường tập trung vào hai quốc gia này.

Báo cáo từ cuộc khảo sát cho hay: "Sự trầm lắng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là một trong những động lực chính thúc đẩy tái cân bằng. Tuy nhiên, cuộc khảo sát toàn cầu của chúng tôi với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy Trung Quốc có khả năng duy trì vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Cuộc thăm dò cũng cho thấy, mặc dù các công ty tái cân bằng hoạt động của họ để nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất, các giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là hai quốc gia hàng đầu về chuỗi cung ứng trong tương lai gần.

Với việc các công ty đang tìm kiếm những điểm đến thay thế cho chuỗi cung ứng, các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ được hưởng lợi.

Nam Á và ASEAN là nơi sinh sống của dân số đông đảo và các nền kinh tế đang phát triển, có thể mang lại những cơ hội béo bở cho các công ty đa quốc gia. Ấn Độ có hơn 1,4 tỷ dân, trong khi Đông Nam Á có hơn 650 triệu dân.

Theo nghiên cứu, 47% số nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết việc tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng là ưu tiên kinh doanh then chốt, với 75% tin rằng tái cân bằng sẽ tốn ít chi phí hơn so với những rủi ro lợi nhuận tiềm năng nếu không tái cân bằng.

Những người tham gia khảo sát ước tính rằng việc không tái cân bằng chuỗi cung ứng sẽ khiến 19%-24% lợi nhuận của họ gặp rủi ro trong 10 năm tới, tùy thuộc vào lĩnh vực. Ngoài ra, 29% số người được khảo sát cho biết tái cân bằng sẽ mang lại cơ hội để tận dụng lợi thế từ việc tiếp cận chi phí thấp hơn.

Ông Sidharta Sircar, đối tác của PwC Singapore (Xin-ga-po), chuyên về tăng trưởng quốc tế, cho biết: "Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rõ ràng đang ưu tiên nhu cầu tái cân bằng chuỗi cung ứng và giúp các công ty của họ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những áp lực bên ngoài. Điều này cũng mang lại cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các thị trường trọng điểm bằng cách thu hút đầu tư và tăng cường sự tham gia vào những chuỗi giá trị toàn cầu".

Minh Trang (Theo Nikkei Asia)

https://bnews.vn/an-do-va-asean-thang-hang-trong-vi-tri-uu-tien-ve-chuoi-cung-ung/332566.html