Gấu xin gửi lời chào đến bạn của @hoaithuong_pham nha. Vì bạn ấy là một Phật tử nên Gấu sẽ trả lời theo hướng này. Xin tri ân vì sự đóng góp và câu hỏi rất hay
“Lúc trẻ không phẩm hạnh,
Không tìm kiếm tiền bạc,
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không bắt cá.”
“Lúc trẻ không phạm hạnh,
Không tìm kiếm tiền bạc,
Như cây cung bị ngã,
Thở than những ngày qua.”
(Kinh Pháp cú 155-156)
Bài kệ đơn giản trên xuất phát từ một câu chuyện.
Chuyện là ở Isipatane có một nhà rất giàu. Ông bá hộ tên là Đại Phú và có một người con trai. Đến lúc chọn vợ cho con, ông cũng chọn một gia đình cực kỳ giàu có để làm thông gia.
Do hai bên gia đình quá giàu, họ không phải lo lắng gì cho đời sống con cái và cũng không dạy chúng phải tu dưỡng, phải làm ăn. Vì nghĩ rằng, với số tiền để lại như vậy thì cũng đủ sống đến hết đời con tới đời cháu. Và hai vợ chồng bắt đầu ăn chơi. Với gia tài lớn đến mức độ như vậy, mỗi ngày họ “vung tay” xài mấy đồng tiền vàng mà không hề tiếc.
Nhưng ông bà xưa có câu, “ngồi khi ngồi không mà ăn, núi cũng phải lở”. Chỉ 20 năm sau, hai vợ chồng đã tiêu hết tài sản và đi ăn xin.
Thế rồi một hôm, Đức Phật đi khất thực, Ngài đang đi chợt Ngài mỉm cười. Ngài A-nan thấy vậy mới hỏi: “Bạch Thế Tôn, có duyên cớ gì mà Thế Tôn mỉm cười?”
Thế Tôn mới nói: “Này A-nan, ngươi có thấy hai vợ chồng ăn xin ngồi đằng kia không?”
“Dạ Bạch Thế Tôn con thấy”, A-nan trả lời.
Đức Phật mới nói: “Hai vợ chồng đó là hai người giàu nhất ở vùng này, gia tài hưởng là vô tận. Vậy mà chưa đầy hai mươi năm, bây giờ hai người đó đã trở thành kẻ ăn xin. Phước của hai người này rất lớn. Nếu hai người này ngay từ đầu đem cái Phước đó để xuất gia tu tập thì có thể đã chứng quả A-La-Hán. Nếu không xuất gia, ở gia đình tu tập có thể chứng quả A-Na-Hàm. Nếu sau một thời gian sống ở thế gian rồi mới bắt đầu phát tâm tu hành thì cũng có thể chứng được nhị quả Tư-Đà-Hàm hoặc là Tu-Đà-Hoàn. Nhưng bởi vì hai người không biết tu tập, hưởng hết những cái phước của mình nên bây giờ tất cả Phước đều không còn. Cả Phước vô lậu cũng hết, Phước hữu lậu cũng hết và trở thành kẻ ăn xin.”
Rồi Đức Phật nói bài kệ ở trên.
Câu chuyện mang lại một hiểu biết rằng: Phước không cố định vô lậu hay hữu lậu.
Phước hữu lậu là gì? Phước vô lậu là gì?
Phước hữu lậu là loại phước mà khiến cho ta hưởng thụ được những cái sung sướng của thế gian ở cõi trời, ở cõi người, ví dụ như: sắc đẹp, sức khỏe, tiền bạc, tài sản, danh dự, địa vị, quyền lực,…
Những điều đó gọi là phước hữu lậu mà cái hữu lậu này còn có những “sơ hở”. Phước này là hữu hạn, đến lúc nào đó nó sẽ hết, hưởng hết rồi nó sẽ hết và hết luôn. Trừ khi ta tạo phước trở lại thì có lại. Mà cái nguy hiểm của Phước hữu lậu là nó làm tăng Bản Ngã. Khi bản ngã ta tăng lên thì tham sân si tăng lên, ích kỷ tăng lên. Lúc đó, Phước hết rất nhanh. Chẳng những vậy, nó còn khiến ta bị đọa đày, trả quả báo khổ sở.
Ví như, một người đẹp là có phước hữu lậu, người đó có cái tự hào về sắc đẹp của mình. Người khỏe mạnh thì tự hào về sức khỏe. Người giàu tự hào về sự giàu sang của mình. Người có địa vị lớn, quyền lực lớn sẽ tự hào vì cái địa vị, quyền lực của mình. Những người có tài khéo cũng tự hào vì cái tài khéo của mình,… và vô số điều khác làm ta tự hào.
Ví như, một người đem một bó hoa lên cúng Phật và cầu nguyện: “Xin cho con được sắc đẹp”, đó là Phước hữu lậu. Hoặc là “cho con thi đậu” cũng là Phước hữu lậu,…
Cũng vậy, một người dâng hoa cúng Phật nhưng mà cầu nguyện: “Xin cho con là đắc đạo.” Người này lại hướng về Phước vô lậu.
Nghĩa là, Phước không có cố định là Hữu lậu hay Vô lậu, mà tùy Tâm hướng về.
Mỗi người đều có Phước, dù ít hay nhiều, đang cất giữ mà không nhận ra. Nếu có Phước nhiều mà thường ước mơ chuyện thế gian, Phước sẽ “chạy” ra chuyện thế gian.
Ví như, một người có Phước nhiều, suy nghĩ làm sao có một chiếc xe tốt để đi cho thoải mái, ít lâu sau, “sàng qua sàng lại” mua được chiếc xe. Hoặc mua vé số mà mong trúng số, ít bữa sau trúng liền,… Nhưng mà, nếu hướng về những kết quả thế gian như vậy thì phí cái Phước đó. Phước “chạy” vào những mục tiêu hữu hạn, tạm bợ như vậy rất là uổng.
Những người đã biết Đạo như bạn của @hoaithuong_pham , là đệ tử Phật rồi thì không nên khờ dại mà ước mơ nhiều chuyện thế gian. Bởi vì, có bao nhiêu Phước mà tiêu ra chuyện thế gian, mình phải tạo lại Phước rồi mới có thể tu tập thì rất vất vả. Chi bằng trong quá khứ, mình đã tạo được một số Phước rồi thì bây giờ cố gắng tạo thêm tích lũy, dành dụm, không phung phí, không hưởng thụ. Dồn hết Phước hướng về sự tu tập giác ngộ tâm linh. Đó là Phước vô lậu, là vô hạn.
Người bình thường khi trưởng thành đã bắt đầu nghĩ tới chuyện hôn nhân gia đình, đi làm lại mơ ước phải làm giàu, làm công việc gì cũng mơ ước “leo” chức lên chức này chức kia,… đó là những ước mơ chuyện thế gian.
Còn người mà đời xưa đã có hạt giống giác ngộ trong tâm rồi, bỗng nhiên thấy chuyện hôn nhân là tầm thường, vô nghĩa, tẻ nhạt, không thích. Rồi khi người ta ham làm giàu, mình lại không ham. Người ta thích tiền, mình lại thấy tiền bình thường.
Cũng vậy, một người không biết tu, thấy ai quyền cao chức trọng, trong lòng sẽ khởi lên sự thèm khát, cũng mong làm sao mình cũng làm chủ tịch, phó chủ tịch,… để “lấy le” người khác. Nhưng người có tu rồi thì không khởi ý nghĩ, không ham nữa.
Hoặc vì duyên cớ gì đó mà phải giữ một chức vụ thì chỉ làm tròn bổn phận chứ trong lòng không ham, không giữ lấy,… những hạt giống giác ngộ đó “phá” hết những ham muốn tầm thường của thế gian, thôi thúc mình đi tìm sự vô ngã. Bản thân Gấu, khi tu tập thì chỉ có một niềm vui thôi, đó là chia sẻ ước muốn, đạo lý với mọi người để mong có thêm một người nữa ở cạnh cũng biết tu, cũng ước mơ như vậy,… đó là Hạnh phúc rồi.
Một người có Hiểu Biết sẽ được nhận thấy ở ba điều:
- Một là, họ không tham muốn những điều của thế gian.
- Hai là, họ cố gắng tu tập, thực hành những điều tốt đẹp.
- Ba là, nếu có duyên, họ chia sẻ đạo lý với người khác. Mà cách chia sẻ của họ cũng rất khiêm tốn, rất hiền lành, không nói nhiều, không khoe khoang.
Dấu hiệu của một người tu đúng là Trí Tuệ sanh ra. Mà dấu hiệu của trí tuệ sanh ra đầu tiên là Biết được lỗi của mình. Khi tu tập được vài tháng hoặc vài năm, tự nhiên phát hiện ra lỗi mình rất là nhiều, trước đây không thấy. Khi phát hiện ra lỗi mình nhiều như vậy, bỗng mình có sự hiền lành, khiêm tốn, không dám nói nhiều, không dám khoe khoang, không dám lên mặt với ai. Vậy nên, nhìn một người vào chùa tu tập một thời gian, thấy họ rụt rè lại, họ cẩn thận tế nhị, khiêm tốn, hiền lành lại là biết người này tu đúng hướng.
Ngược lại, những người tu tập thời gian rồi bỗng nhiên họ nói nhiều, khoe khoang, hay chê bai người khác, thấy mình giỏi,… là biết người này tu sai đường. Tu sai bởi vì không thấy lỗi mình.
Con đường của sự Hiểu Biết, quan trọng là thấy lỗi mình, mà thấy rồi thì khiêm tốn. Tuy vất vả nhưng khi đi đến cùng, mình sẽ “chạm” đến sự vô ngã, không còn cái Ta. Chính vì không còn cái Ta, mình sẽ nhận ra Hạnh Phúc.
Mình cứ tưởng hạnh phúc là được khen, là được ăn ngon, mặc đẹp, giàu sang phú quý,… nhưng cái hiểu như vậy là cái hiểu của người chưa có Trí tuệ. Còn người có Hiểu Biết sâu thẳm của Đạo, họ sẽ thấy “bực bội” vì cái bản ngã của bản thân mỗi khi nó sanh khởi.
Ví như, ngồi bên cạnh một người, bản ngã của họ khởi lên ý nghĩ: “Người này mặc đồ đẹp hơn mình hoặc chỗ ngồi của họ tốt hơn chỗ mình đang ngồi”. Rồi cứ nhìn thấy mấy người nhuộm tóc Hàn Quốc thì mình ghét. Rồi thấy người cạo trọc đầu, lại nghĩ “Làm như tu ngon lắm, vậy không tự nhiên cạo trọc đầu rồi vô chùa luôn đi.”… Tất cả những điều này là do bản ngã sanh khởi.
Khi nhận ra rồi, mình quay về “chăm sóc” lại cái Ta và nhận thấy đến khi nào giảm hết cái bản ngã ấy, đó mới là Hạnh phúc. Người nào làm được điều này, đó là người có Trí tuệ, có Thiện căn.
Qua bài viết, Gấu muốn gửi gắm rằng:
"Mỗi người chúng ta, dù ít dù nhiều, đều có Phước. Người nào trong ngân hàng hay trong két sắt có nhiều tiền thì biết mình có Phước nhiều. Người nào trong ngân hàng hay trong tủ mình ít tiền thì biết mình ít Phước.
Người ít Phước thì ráng lo làm Phước, rồi hướng cái Phước đó về sự tu tập, chứ đừng hưởng hết. Còn người biết mình Phước nhiều thì ráng mà lo tu, đem số tiền kiếm được làm những việc chính đáng cho đời, cho xã hội để tăng thêm Phước."
Hiểu Biết mang lại Hạnh Phúc theo cách như thế.
Đến đây chắc đã đủ để trả lời câu hỏi của bạn em rồi @hoaithuong_pham nhỉ? Em hãy mời bạn ấy tham gia buổi offline tới của nhóm nha. Gấu tin bạn em sẽ có những câu hỏi muốn được lắng nghe trực tiếp. Rất trân trọng và tri ân
+++ Bạn nào mới biết đến Gấu và lần đầu tham gia chủ đề này thì hãy truy cập vào Trang cá nhân của Gấu (bấm vào để xem) để xem lại Danh sách các bài viết trước đó nha.
+++ Hãy chia sẻ chủ đề này cho những ai đang cần và mất phương hướng mà bạn biết nha. Điều này có thể thay đổi phần nào cuộc đời của họ