Áp lực lạm phát lên chính sách chưa cao và sẽ giảm dần

Mức tăng CPI tuy gần chạm mốc 4,5% mục tiêu, nhưng không quá tiêu cực và áp lực đối với chính sách, bao gồm chính sách tiền tệ, sẽ giảm dần từ quý III/2024.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 được công bố đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Năng lượng - giá xăng dầu là một trong những yếu tố tác động lên CPI/ lạm phát; và có thể tác động vào nguồn cầu USD trong thời gian qua

Trong rổ tính CPI, có 8/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 1,95% (đóng góp 0,19% cho mức tăng CPI chung) chủ yếu do giá xăng dầu tăng theo nguyên liệu thế giới.

Mức tăng CPI tuy gần chạm mốc 4,5% mục tiêu, nhưng chúng tôi đánh giá không quá tiêu cực do mức nền từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2023 thấp nên có thể chứng kiến số liệu CPI trong quý II tăng cao.

Theo đó, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng từ lạm phát lên chính sách hiện tại là chưa có và áp lực sẽ giảm dần trong quý III khi mức nền thấp dần biến mất.

Đáng chú ý, diễn biến chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố ghi nhận PMI Việt Nam tăng lên 50,3 trong tháng 4/2024 từ mức 49,9 trong tháng 3. Đây là đợt tăng trưởng thứ 3 kể từ đầu năm khi các đơn đặt hàng mới tăng mạnh khiến sản lượng tăng trở lại, với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2022.

Theo đó, phản ánh số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu phục hồi trở lại, mặc dù mức tăng nhẹ so với đơn đặt hàng mới.

Việc làm giảm lần đầu tiên trong 3 tháng do tình trạng nhu cầu yếu, dẫn đến công việc tồn đọng tăng tốc sau khi giảm trong 2 tháng trước đó. Ngoài ra, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, phản ánh diễn biến thất thường của đơn hàng mới.

Điều đó cho thấy rằng đà phục hồi sản xuất kinh doanh đã trở nên tích cực hơn song vẫn còn mong manh. Các yếu tố gây tăng giá đầu vào sản xuất có thể sẽ vừa ảnh hưởng đến cơ hội phục hồi của các doanh nghiệp, vừa tác động kép lên CPI/ lạm phát.

Đối với chính sách tiền tệ, ngoại hối trong tháng 4 và diễn biến 4 tháng đầu năm 2024, tâm điểm chú ý vẫn dồn vào câu chuyện tỷ giá.

Tính đến 03/05/2024, tỷ giá VND/USD đang giao dịch ở mức 25.453 VND/USD (theo giá VCB bán). Tính từ đầu năm, VND đã mất giá 4,6% so với USD, chủ yếu do: (1) DXY tăng vọt lên mốc 106, từ thông điệp “diều hâu” của Fed; (2) Giá vàng tăng và khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN, SBV) có thể nhập khẩu vàng để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, dẫn đến nhu cầu USD cao hơn. (3) Nhu cầu ngoại tệ lớn từ hoạt động xuất nhập khẩu và phía doanh nghiệp FDI, đồng thời nhà máy Dung Quất (BSR) bảo dưỡng 48 ngày cũng gia tăng nhu cầu USD để nhập khẩu xăng dầu.

NHNN đã có động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá, bao gồm (1) Bán ngoại tệ giao ngay tại mức giá can thiệp là 25.450VND; (2) Tổ chức đấu thầu vàng với mục đích tăng cung vàng và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, việc can thiệp tỏ ra rất hạn chế, khi tổ chức 4 phiên đấu thầu nhưng phải hủy 3 phiên do không đủ đơn vị tham gia, và khối lượng bán giao ngay USD chỉ đạt 350 – 370 triệu USD, tương đương lượng tiền NHNN hút về chưa đến 10 nghìn tỷ VND.

Với dự trữ ngoại hối mỏng (hơn 100 tỷ USD chưa gồm khoản đã bán spot), dư địa để NHNN can thiệp theo chúng tôi là không nhiều.

Đối mặt với áp lực mất giá của đồng nội tệ và dư địa để can thiệp qua việc bán USD không nhiều, có thể nhà điều hành sẽ phải xem xét đến nâng lãi suất điều hành để có thể ứng phó với áp lực tỷ giá, tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi vẫn cần phải theo dõi thêm để kết luận.

Chúng tôi cho rằng một số yếu tố có thể giúp đồng VND phục hồi trong quý II và giảm bớt áp lực lên chính sách điều hành gồm: Thứ nhất, thông tin tích cực từ chính sách tiền tệ của Fed; Thứ hai, Dòng vốn ngoại hối ròng tiếp tục mạnh mẽ chảy vào Việt Nam từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và kiều hối.

Huỳnh Hoàng Phương

Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/ap-luc-lam-phat-len-chinh-sach-chua-cao-va-se-giam-dan-262903.html