Doanh thu 2021 của công ty có bước tăng trưởng ấn tượng nhờ vào 3 mảng: sản xuất bao bì, mảng thương mại và BĐS KCN.
• Mảng sản xuất bao bì có sự phục hồi nhờ vào tăng trường xuất khẩu trở lại vào thị trường Châu Âu sau khi các nước này mở cửa trở lại với các hoạt động kinh tế và nới lỏng giãn cách. Đặc biệt, các sản phẩm tự hủy ngày càng được sử dụng rộng rãi cùng với bao bì công nghiệp FIBC giúp cho công ty có tỷ suất sinh lời tốt trong năm 2021. Bên cạnh đó, giá bán trung bình tại các thị trường đều tăng và công ty thay đổi phương thức tính giá, dẫn đến giá bán của công ty cao hơn 10%-15% so với năm 2020.
• Mảng thương mại đóng góp vào phần lớn tăng trưởng doanh thu, chiếm khoảng 69% tăng trưởng tổng doanh thu. Với doanh thu thương mại đạt 7.746 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2020, công ty tiếp tục nằm trong nhóm các doanh nghiệp thương mại hạt nhựa lớn nhất cả nước. Để có được tăng trưởng này công ty tiếp tục chiến lược bán hàng theo đơn hàng. Lợi nhuận gộp mảng thương mại của công ty năm 2021 đạt 361 tỷ đồng (+160% yoy) và biên gộp tăng thêm 0,6 điểm phần trăm lên 4,7%.
• Mảng BĐS KCN ghi nhận phần còn lại từ An Phát Complex sau khi hoàn thiện xong các thủ tục bàn giao đất đã ký với khách hàng bị ảnh hưởng của giãn cách xã hội từ năm trước. Doanh thu BDS KCN đạt 413 tỷ đồng (gấp 5,7 lần 2020), lợi nhuận gộp đạt 120 tỷ đồng (gấp 2,7 lần). Trong năm 2021, công ty đã bắt đầu nhận đặt chỗ dự án tại An Phát 1, lũy kế diện tích đạt gần 15%.
• Cơ cấu nguồn vốn tiếp tục dịch chuyển tích cực sau khi công ty huy động thành công 557 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ nợ vay giảm dần, tính đến 31/12/2021 tỷ lệ nợ vay/VCSH giảm xuống dưới 1, còn khoảng 0,83 lần, tỷ lệ nợ phải trả/VCSH giảm từ 2,38 lần xuống còn 2,07 lần. Chi phí lãi vay trung bình giảm từ 0,3 điểm phần trăm còn 5,3%. Tính thời điểm cuối năm 2021, công ty huy động được nguồn tiền dồi dào lên đến 2.612 tỷ để thực hiện dự án PBAT, dự án BĐS KCN và kế hoạch kinh doanh trong năm 2022.
• Hàng tồn kho và phải thu tăng tuy nhiên vòng quay tồn kho, phải thu cải thiện đáng kể. Tồn kho và phải thu lần lượt tăng 13% và 37% so với đầu năm 2021, vòng quay tồn kho và phải thu lần lượt tăng từ 6 lên 10,6 và 3,5 lên 6, phần lớn mức tăng đến từ phải thu khách hàng và hàng tồn kho.
An Phát Holdings thường được nhắc đến như một doanh nghiệp nhựa đầu ngành, hoạt động đa lĩnh vực trong hệ sinh thái ngành nhựa. Với lịch sử hình thành và phát triển 20 năm, Công ty đang khép kín hệ sinh thái ngành của mình bằng nút thắt cuối cùng là Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT với mức đầu tư là 120 triệu USD.
Chiến lược của An Phát thời gian gần đây:
• Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm: Năm 2018, An Phát Holdings thực hiện mua lại CTCP Nhựa Hà Nội – doanh nghiệp đầu ngành nhựa công nghiệp phụ trợ, mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới cho Công ty. Công ty cũng mua An Trung Industries (sản xuất linh kiện nhựa điện thoại, điện tử) và An Cường (sản xuất nhựa nội thất) để gia tăng số lượng mặt hàng trong nhánh này.
• Chiến lược hoàn thiện chuỗi giá trị: Khi đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu, An Phát Holdings bắt đầu chiếm lấy các mắt xích khác trong chuỗi giá trị ngành nhựa. Chuỗi giá trị ngành nhựa bao gồm: (1) Sản xuất nguyên liệu – (2) Nhập nguyên liệu – (3) Sản xuất thành phẩm – (4) Phân phối. Cơ cấu hoạt động của công ty gồm công ty AAA (sản xuất bao bì), công ty HII (sản xuất nguyên liệu phụ gia), An Thành (nhập khẩu hạt nhựa PE, PP) và An Tín Logistics (dịch vụ vận chuyển đường bộ). An Phát Holdings đã có được mắt xích số (3), số (4), 1 phần trong số (1), số (2). và đang hướng đến kiện toàn nốt chuỗi giá trị này.
o Hoàn thiện mắt xích số (2) Hoạt động đầu vào bổ trợ: Một trong số các chi phí khá lớn trong sản xuất đó là tiền thuê đất làm nhà máy. Nhận thấy điều đó, năm 2018, An Phát Holdings bắt đầu đầu tư phát triển Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, vừa để cung cấp nhà xưởng cho nội bộ Tập đoàn, vừa để thu hút các nhà đầu tư khác trong khu vực. Năm 2021, Tập đoàntiếp tục đầu tư cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp, hoàn thiện chuỗi giá trị dịch vụ khu công nghiệp. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư vào Bao bì An Vinh, sản xuất bao bì công nghiệp, phục vụ cho việc đóng gói, vận chuyển hàng hóa, sử dụng nội bộ và xuất khẩu. Tại nhánh Nhựa Hà Nội, Công ty cũng đầu tư làm nhà máy sản xuất khuôn – một trong những phần khá lớn cấu thành nên giá thành sản phẩm nhựa kỹ thuật.
o Hoàn thiện mắt xích số (1) Sản xuất nguyên liệu: Đây là mắt xích thượng nguồn của ngành nhựa, đòi hỏi năng lực sản xuất, tài chính và trình độ công nghệ cao hơn so với các mắt xích còn lại, nhưng nếu thành công sẽ đem lại một nguồn lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp. Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT vừa khởi công đầu năm 2022 là mắt xích quan trọng nhất. Dự án không những hỗ trợ cho việc sản xuất các sản phẩm tự hủy của nội bộ, mà còn đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu này tại thị trường nước ngoài. Khi xã hội càng phát triển, nhu cầu “sống xanh” của con người ngày càng lớn, xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm tự hủy sinh học, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu. An Phát Holdings là doanh nghiệp tiên phong đón đầu xu hướng, cung cấp nguyên liệu cho nhu cầu này.
An Phát Holdings đã hoàn thiện chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào, nhập nguyên liệu, sản xuất hàng hóa, cuối cùng là kho vận. Hiện công ty đã trở thành 1 một đầu mối cung cấp tất cả các sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị ngành nên công ty giữ 1 sức mạnh đàm phán ( bargaining power) rất lớn so với từng doanh nghiệp riêng lẻ. Việc sở hữu gần như cả chuỗi giá trị dọc từ sản xuất đến phân phối khiến An Phát Holdings giữ được lợi nhuận cho mình và tránh phải chia sẻ cho các đối tác như khi chỉ là 1 mắt xích trong cả chuỗi giá trị đó.
Đáy chưa anh em???