Dưới đây là góc nhìn hoàn toàn theo phân tích cơ bản về AST – 1 siêu cổ phiếu bị lãng quên.
1. Background
AST là một trong những siêu cổ phiếu trước khi dịch Covid xảy ra. Các chỉ số tài chính đều quá đẹp, Doanh thu và Lợi nhuận tăng đều đặn 30% hàng năm; Biên LN (50%+) và ROE (30%+) duy trì qua các năm thuộc mức cao nhất trên sàn nhờ tính đặc thù của ngành kinh doanh phi hàng không. Các bác ra sân bay thấy các quầy bách hoá lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ thương gia, quầy miễn thuế,… thì phần lớn là của AST. Một số thương hiệu của AST gồm có: Lucky Fastfood, Sky Cofee, cửa hàng miễn thuế JDV,…
AST liên tục mở rộng số điểm kinh doanh, tăng từ 43 điểm năm 2016 lên đến 120 vào năm 2022, có mặt tại 8 sân bay trên cả nước, chiếm đến 90% lượng khách tới VN. Đặc biệt trong thời điểm giãn cách, nhờ cơ cấu tài chính tốt nên AST không ngừng mở rộng và mua lại các đối thủ cạnh tranh, gom được gần 30 điểm kinh doanh mới trong 3 năm đại dịch.
Tuy vậy nhưng khi giá tất cả các cp dịch vụ hàng không khác (ACV, NCT, SKG, SGN,…) đều đã quay về và vượt mức trước khi dịch bùng nổ vào t12/2019 thì giá AST vẫn lẹt đẹt ở loanh quanh 55-60k, lí do chính là vì sự quay đầu khá chậm chạp của Lợi nhuận. Q1 vừa rồi ghi nhận mức LN ở mức 34 tỉ, mới bằng 65% cùng kỳ 2019.
2. Tương quan Lợi Nhuận và lượng khách du lịch quốc tế
Lý do cho sự phục hồi chậm của LN là bởi sự phụ thuộc của AST vào lượng khách du lịch quốc tế. Biểu đồ dưới đây chỉ ra sự tương quan này.
Doanh thu của AST gần như đồng pha với số lượng du khách quốc tế, do có đến 63% doanh thu đến từ Bách hoá lưu niệm và cửa hàng miễn thuế, trong khi ~60% điểm kinh doanh của AST nằm ở ga quốc tế.
Tuy du lịch đã mở cửa từ 2022 nhưng lượng khách quốc tế đến VN mới chỉ bằng 60% cùng kỳ năm 2019. Du lịch VN đang vắng bóng khách du lịch Trung Quốc, chiếm đến 32% lượng khách quốc tế trong năm 2019, trong khách TQ lại là loại khách chi tiêu du lịch nhiều nhất.
Vậy nên khi TQ mở lại tour du lịch đến VN từ 15/3 thì AST mới là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất chứ ko phải SKG, SCS hay ACV.
Lượng khách du lịch quốc tế được dự báo sẽ quay trở lại ngưỡng trước dịch từ Q3-Q4 2023, điều này cũng khẳng định sự tăng trưởng lợi nhuận cho AST cho 3 quý tới.
3. Định giá.
Với mức giá cp hiện tại ~60,000 VND, nếu sử dụng mức LN của 2019 thì AST đang được trading với mức PE ~13. Thực tế thì AST đã tăng số điểm kinh doanh thêm 30% từ thời điểm 2019, nên nếu tính dựa trên mức LN dự tính khi lượng khách trở lại bình thường thì AST đang được trading ở mức PE ~10.
Còn dưới đây là PE trong lịch sử của AST:
Có thể thấy là khi Vnindex ở mốc 936 thì AST đã giao dịch ở mức PE 20. Loại trừ 3 năm dịch thì AST luôn được giao dịch với mức PE 15-20. Mức PE này thể hiện kỳ vọng về tăng trưởng rất lớn đến từ 2 yếu tố: a. Tăng trưởng của ngành & b. Tăng trưởng của doanh nghiệp.
a. Ngành hàng không và du lịch của VN luôn được đánh giá rất cao do dư địa tăng trưởng lớn: Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA) và thứ 3 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng hàng không.
Trong giai đoạn từ 2010 – 2019, lượng khách du lịch quốc tế vào VN tăng trưởng đều đặn 15%/năm. Sự tăng trưởng này còn một phần bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng, điển hình là sân bay TSN hiện nay đang hoạt động ở mức vượt công suất thiết kế đến 70%, sân bay Đà Nẵng 32%, sân bay Cam Ranh 27%. Nhận thức được điều này, nhà nước đang tiến hành hàng loạt các khoản đầu tư mới để thay đổi bộ mặt và giảm chi phí cho ngành hàng không, trong đó có: sân bay Long Thành (2026), nhà ga T3 sân bay TSN (2024), nhà ga T2 sân bay Nội Bài (2025), sân bay Vân Đồn đã đi vào hoạt động, …
b. Nội tại doanh nghiệp: AST rất tham vọng trong kế hoạch chiếm lĩnh thị phần, liên tục mở mới các điểm kinh doanh qua việc mua lại đối thủ cạnh tranh và liên kết với các cảng hàng không mới. Với việc đa dạng hoá mạng lưới kinh doanh, bao gồm bách hoá, nhà hàng, hàng miễn thuế, …, khiến các điểm kinh doanh của AST không hề cho thấy dấu hiệu cannibalism (hiện tượng tự tước đoạt doanh thu) khi doanh thu/điểm kinh doanh không những không sụt giảm mà còn tăng trưởng khá mạnh trong giai đoạn 2016-2019, cho thấy sức mua của khách du lịch càng ngày càng tăng.
Nhìn chung, với dư địa từ cả ngành và nội tại doanh nghiệp thì AST có thể hướng tới tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 15 - 30%/năm trong vòng 10 năm tới.
4. Cơ cấu cổ đông
AST là cổ phiếu rất cô đặc và được ưa chuộng bởi quỹ đầu tư nước ngoài. Hiện nay nước ngoài đang nắm giữ đến 45% cổ phần và chỉ còn 5% room. Dưới đây là danh sách cổ đông lớn của AST:
Có thể thấy 2 quỹ đầu tư nước ngoài nắm chặt cổ phiếu xuyên cả đại dịch Covid. PENM là quỹ đầu tư có tổng vốn khoảng 520 triệu USD, trước đây đã đầu tư HPG, Masan, PAN, LTG. Đây là tập đoàn đầu tư có kinh nghiệm, bài bản nên có thể tương đối yên tâm về quản trị doanh nghiệp khi có sự tham gia của quỹ này.
Một điểm rất ưng ý là trước đây AST có đầu tư khoảng 230 tỷ để xây dựng khách sạn A la Carte Hạ Long cùng cty mẹ Taseco. Tuy nhiên vào 2020, AST đã thu hồi lại khoản đầu tư kém hiệu quả này để giảm nợ vay và tập trung thâu tóm các đối thủ không hoạt động được do dịch Covid. Rõ ràng hoạt động kinh doanh phi hàng không mới là con gà đẻ trứng vàng của AST.
Mình đánh giá đây là một hành động đẹp của ban lãnh đạo, và có thể một phần nhờ sự can thiệp của quỹ ngoại. Trong khi biết bao nhiêu công ty trên sàn thi nhau rút ruột cổ đông bằng những khoản đầu tư kém hiệu quả hay giao dịch bất chính với các công ty liên kết, thì các quyết định của AST đều cho thấy hướng đi dần hình thành của một siêu cổ phiếu.
Kỳ vọng: Một khi du lịch trở lại guồng quay cũ, PE của AST sẽ dần quay về mốc 20 hoặc thậm chí cao hơn tuỳ thuộc vào kỳ vọng về sự tăng trưởng của ngành du lịch. Sự tăng giá cổ phiếu dựa trên PE expansion (+100%) và Earning growth (+30%) dự kiến sẽ đem về mức LN +160% sau 1 năm.