Bắc cực- Ván bài Vĩ đại trên xứ Tuyết


Phần tin tức trên điểm tin sáng phiên 27/12 tôi có đề cập đến cuộc xung đột mới giữa 2 cường quốc khu vực phía bắc. Hôm nay xin phép phân tích sâu hơn về vấn đề này!

Những ảnh hưởng của hiệu ứng ấm lên toàn cầu hiện nay đang diễn ra ở Bắc cực là rõ ràng hơn bất cứ nơi nào khác: băng tan chảy, cho phép con người dễ dàng tiếp cận khu vực này hơn, cùng với việc phát hiện những vỉa năng lượng và sự phát triển công nghệ để khai thác chúng, ngoài ra tuyến đường biển được khai thông xuyên qua vùng đất này cũng là mối bận tâm của nhiều quốc gia– tất cả đều khiến các quốc gia vùng Bắc cực tập trung chú ý đến những được và mất tiềm năng có thể có từ môi trường khó khăn nhất thế giới này. Nhiều quốc gia trong khu vực có những tuyên bố lãnh thổ cạnh tranh nhau nhưng đã không bận tâm đến việc theo đuổi chúng, nhưng giờ đây họ phải nhìn nhận lại vấn đề!

Cực Bắc băng tan

Sơ lược về đặc điểm địa lý của xứ tuyết Bắc cực


Vị trí khu vực Bắc cực trên địa cầu

Bắc cực bao gồm các phần đất thuộc về Canada, Phần Lan, Greenland, Iceland, Nauy, Nga, Thụy Điển và Hoa Kỳ (Alaska). Đó là một vùng đất của các thái cực: trong một thời gian ngắn vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 26 độ C ở một số nơi, nhưng trong một thời gian dài vào mùa đông, nó giảm xuống dưới âm 45 độ C.


Bản đồ hành chính khu vực Bắc cực

Băng tan do nóng lên toàn cầu

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình ở Bắc Cực trong năm vừa qua là mức ấm thứ sáu kể từ năm 1900. Phạm vi băng biển năm nay là mức thấp thứ sáu trong kỷ lục vệ tinh, bắt đầu từ năm 1979. 17 phạm vi băng biển Bắc Cực thấp nhất được ghi nhận đã xảy ra trong 17 năm qua. Nhiều khu vực Bắc Băng Dương tiếp tục cho thấy sự nở hoa của thực vật phù du đại dương ngày càng tăng. Dải băng Greenland tiếp tục mất khối lượng mặc dù lượng tuyết tích tụ vào mùa đông trên mức trung bình. Lượng mưa ở Bắc Cực đạt kỷ lục cao thứ sáu, tiếp tục xu hướng Bắc Cực ẩm ướt hơn.


Bản đồ thay đổi nhiệt độ cho thấy Bắc cực là khu vực ấm lên nhiều nhất so với những khu vực còn lại trên trái đất

Hình ảnh vệ tinh trong thập niên qua cho thấy rõ ràng diện tích băng đang thu hẹp, Năm 1979: Băng biển Bắc Cực trải rộng hơn 13 triệu km2 vào tháng 9, tháng có ít băng nhất trong năm nhưng sau đó vào Năm 2023: Băng biển Bắc Cực co lại xuống còn 3,2 triệu km2, tiếp tục phá vỡ kỷ lục thấp nhất từng được ghi nhận. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng không chỉ các chu kỳ khí hậu tự nhiên, mà con người cũng phải chịu trách nhiệm, và việc khai thác sắp tới những gì mới được phát hiện sẽ làm tăng tốc độ nóng lên của Bắc cực. Các làng mạc dọc theo vùng duyên hải Bering và Chukchi đã phải di dời vì bờ biển bị xói lở và đất săn bắn bị mất.


Gấu Bắc cực phải tìm thức ăn trong bãi rác

Vùng lãnh nguyên ấm dần sẽ cho phép thực vật tăng trưởng tự nhiên và cây trồng nông nghiệp phát triển mạnh hơn, giúp người dân địa phương tìm được những nguồn thực phẩm mới. Mặc dù vậy, không có cách nào thoát khỏi viễn cảnh rằng một trong những vùng hoang sơ vĩ đại cuối cùng của thế giới sắp sửa thay đổi. Một số mô hình dự đoán khí hậu cho biết rằng đến cuối thế kỷ này, Bắc cực sẽ không đóng băng vào mùa hè; có một vài dự đoán rằng việc đó có thể xảy ra sớm hơn nhiều.

Mở ra các tuyến đường biển mới

Có thể thấy rõ ràng từ những hình ảnh vệ tinh là băng ở Bắc cực đang lùi xa dần, khiến cho các tuyến đường biển qua khu vực này dễ dàng hơn trong khoảng thời gian dài hơn của năm. Có 3 tuyến đường biển quan trọng nhất được mở ra bao gồm:

  • Tuyến đường biển phía Bắc (NSR): Tuyến đường biển này chạy dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga, từ Murmansk đến eo biển Bering. Đây là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, và nó có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho các tàu vận tải.

  • Tuyến đường biển xuyên Bắc Cực (Transpolar Drift Route): Tuyến đường biển này chạy từ biển Barents đến biển Beaufort. Tuyến đường này ngắn hơn NSR, nhưng nó cũng nguy hiểm hơn do băng dày hơn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn.

  • Tuyến đường biển Bắc Cực (Arctic Ocean Route): Tuyến đường biển này bao gồm NSR và Tuyến đường biển xuyên Bắc Cực. Đây là tuyến đường biển dài nhất, nhưng nó cũng có thể là tuyến đường nhanh nhất và tiết kiệm nhất.

Sự tan chảy của chóp băng đã cho phép tàu chỗ hàng thực hiện hành trình xuyên qua Hành lang Tây Bắc của quần đảo thuộc phần Canada trong vài tuần mùa hè mỗi năm, do đó rút ngắn thời gian ít nhất một tuần cho việc vận chuyển từ châu Âu sang Trung Quốc. Tuyến đường Bắc cực ngắn hơn 40% và đi qua vũng nước sâu hơn tuyến kênh đào Panama. Điều này cho phép tàu bè chở hàng hóa nhiều hơn, tiết kiệm được hàng chục ngàn đô la chỉ phí nhiên liệu và giảm một ngàn ba trăm tấn lượng khí thải nhà kính của tàu bè. Đến năm 2040, tuyến đường này dự kiến sẽ mở hai tháng mỗi năm, làm biến đổi các tuyến liên kết thương mại trên khắp “Vùng cận Cực Bắc” và gây ra các hiệu ứng dây chuyền với các tuyến đường ở xa như Ai Cập và Panama, cụ thể là ảnh hưởng đến doanh thu mà các nước này được hưởng từ kênh đào Suez và Panama.

Tài nguyên

Băng tan chảy làm lộ ra những nguồn của cải tiềm tàng khác. Người ta cho rằng số lượng lớn khí đốt tự nhiên và trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác hẳn là nằm tại Bắc cực trong các khu vực hiện nay có thể tiếp cận được. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng 42 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên, 44 tỷ thùng khí đốt hóa lỏng tự nhiên và 90 tỷ thùng dầu thô có tại Bắc cực, phần lớn nằm ngoài khơi. Trữ lượng này ước tính chiếm khoảng 22% trữ lượng dầu và khí chưa phát hiện trên thế giới.

Ngoài dầu và khí đốt, Bắc Cực còn là nơi có trữ lượng kim loại lớn. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính trữ lượng kim loại ở Bắc Cực trị giá hơn 1.000 tỷ USD.

  • Niken: Bắc Cực có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 30 triệu tấn. Nickel là một kim loại quan trọng được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ, pin và các sản phẩm điện tử.
  • Bạch kim: Bắc Cực cũng có trữ lượng bạch kim lớn thứ hai thế giới, ước tính khoảng 100 triệu ounce. Bạch kim là một kim loại quý được sử dụng trong sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và các sản phẩm khác.
  • Paladi: Bắc Cực có trữ lượng paladi lớn thứ ba thế giới, ước tính khoảng 80 triệu ounce. Paladi là một kim loại quý được sử dụng trong sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và các sản phẩm khác.
  • Thiếc: Bắc Cực có trữ lượng thiếc lớn thứ tư thế giới, ước tính khoảng 1,2 triệu tấn. Thiếc là một kim loại quan trọng được sử dụng trong sản xuất sơn, nhựa và các sản phẩm khác.
  • Cobalt: Bắc Cực có trữ lượng cobalt lớn thứ năm thế giới, ước tính khoảng 70 triệu tấn. Cobalt là một kim loại quan trọng được sử dụng trong sản xuất pin lithium-ion, được sử dụng trong ô tô điện và các thiết bị điện tử khác.

Phần trên chúng ta đã khái quát những đặc điểm địa lý và tình trạng băng tan xảy ra ở Bắc cực. Tuy nhiên bài viết này sẽ tập trung phân tích khía cạnh địa chính trị- sự cạnh tranh giữa các quốc gia có lợi ích tại khu vực này nhiều hơn là phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đến cấu trúc kinh tế toàn cầu.

Xung đột nhen nhóm giữa những gã khổng lồ phương Bắc

ExxonMobil, Shell và Rosneft thuộc nhóm những gã khổng lồ trong ngành năng lượng xin cấp giấy phép và bắt đầu khoan thăm dò. Các quốc gia và công ty chuẩn bị nỗ lực để khai thác được những tài nguyên sẽ phải đối phó với một bầu khí hậu cực kỳ khắc nghiệt khi họ phải trải qua nữa năm không nhìn thấy mặt trời trong nhiệt độ âm hàng chục độ C, lớp băng dày trên 2 m và những con sóng dữ cao đến chục mét khi băng tan. Đó sẽ là công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Công việc đó cũng đòi hỏi sự đầu tư lớn. Ở nhiều nơi sẽ không thể đặt các đường ống dẫn khí, và việc xây dựng cơ sở hạ tầng hóa lỏng khí đốt phức hợp trên mặt biển, đặc biệt trong điều kiện khó khăn, là rất tốn kém. Tuy nhiên, lợi ích tài chính và chiến lược đạt được đồng nghĩa với việc những tay chơi lớn sẽ cố gắng tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh thổ Bắc cực và bắt đầu khoan thăm dò, và những hậu quả tiềm ẩn về môi trường không thể cản trở họ.

Theo Đài Sputnik (Nga) ngày 26/12, Mỹ đã đơn phương xác định giới hạn bên ngoài thềm lục địa của mình, khiến Moskva lên tiếng quan ngại và kêu gọi Washington tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc tranh cãi mới này có làm bùng phát thêm những căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa hai nước hay không.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố tọa độ cập nhật về các yêu sách về thềm lục địa mở rộng (ECS) vượt quá 200 hải lý tính từ các bờ biển ở Bắc Cực, Đại Tây Dương, Biển Bering, Thái Bình Dương, Quần đảo Mariana và hai khu vực ở Vịnh Mexico.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ECS dự kiến ​​sẽ không tạo ra bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Nga nhưng sẽ chồng chéo với Canada, Bahamas và Nhật Bản. Những giới hạn mới này bao trùm khu vực có diện tích khoảng một triệu km2, phân bố ở bảy vùng.

Nga, quốc gia cũng có lợi ích ở Bắc Cực như Mỹ, bày tỏ sự phản đối động thái của Washington, cho rằng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế.

Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia về Bắc Cực Nikolai Kharitonov cho rằng việc mở rộng phần thềm lục địa của Mỹ ở Bắc Cực là không thể chấp nhận được và có thể làm leo thang căng thẳng.

Về phần mình, Grigory Karasin, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga, cho biết Moskva đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích quốc gia của mình ở Bắc Cực trong bối cảnh những nỗ lực “không thể chấp nhận được” của Washington nhằm đơn phương mở rộng yêu sách thềm lục địa của mình.

Tất cả các vấn đề chủ quyền đều bắt nguồn từ lòng tham và nỗi sợ hãi tương tự nhau ở tất cả các phe trong cuộc cạnh tranh mới này. Mong muốn đảm bảo các tuyến vận chuyển quân sự và thương mại, mong muốn sở hữu của cải thiên nhiên của khu vực, và lo sợ rằng những kẻ khác có thể đoạt được thứ mà mình có thể để mất.

Sự tan chảy của băng làm thay đổi địa lý và các khoản đặt cược. Các nước Bắc cực và các công ty năng lượng khổng lồ giờ đây phải quyết định về việc phải đối phó như thế nào với những thay đổi này và phải chú ý đến môi trường và người dân Bắc cực đến mức nào. Sự đói khát năng lượng cho thấy không thể tránh khỏi một cuộc chạy đua trong những diễn tiến mà một số chuyên gia Bắc cực gọi là “Ván bài Vĩ đại Mới”. Sẽ có nhiều con tàu hơn xuất hiện trong vùng cận Bắc cực, nhiều giàn khoan dầu và giàn khoan khí đốt hơn – thực tế, tất cả mọi thứ sẽ nhiều hơn.

Sự chuẩn bị của người Nga

Nga đang có ưu thế vượt trội.- Là quốc gia sở hữu 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc Cực, Nga xem vùng này là “sân nhà”. Đối với Moscow, đây là một khu vực chiến lược, có giá trị thiết yếu cả về chính trị và phát triển kinh tế, nên việc bảo vệ khu vực này đã được ghi trong học thuyết quân sự của Nga.

Nga đang xây dựng một Quân đội Bắc cực. Sáu căn cứ quân sự mới đang được xây dựng đồng thời mở cửa lại một số cơ sở được bảo tồn từ Chiến tranh Lạnh, như trên quần đảo Novosibirsk, và các đường băng đang được cải tạo. Một lực lượng ít nhất sáu ngàn binh sĩ chiến đấu được chuẩn bị sẵn sàng cho khu vực Murmansk và sẽ bao gồm hai lữ đoàn bộ binh cơ giới được trang bị xe trượt tuyết và tàu đệm hơi.


Căn cứ quân sự của Nga tại khu vực Bắc cực cho thấy quân đội Nga đang chiếm thế thượng phong và là tay chơi lớn nhất tại khu vực Bắc cực.

Lữ đoàn Murmansk sẽ là lực lượng Bắc cực thường trực tối thiểu của Moscow, nhưng Nga đã chứng minh khả năng chiến đấu trong thời tiết lạnh vào năm 2014 với một trận diễn tập bao gồm 155.000 binh sĩ và hàng ngàn xe tăng, máy bay phản lực và tàu chiến. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nó lớn hơn các cuộc diễn tập từng thực hiện trong Chiến tranh Lạnh.


Vị trí chiến lược của cảng Murmansk tại Bắc Bằng Dương

Không phải ngẫu nhiên mà Murmansk hiện nay được gọi là “cửa ngõ năng lượng phía bắc của Nga” và Tổng thống Putin đã có phát biểu liên quan đến nguồn năng lượng rằng, “Các mỏ ngoài khơi, đặc biệt là ở Bắc cực, sẽ chẳng quá lời khi nói rằng đây là nguồn dự trữ chiến lược của chúng ta cho thế kỷ 21.”

Trong những tháng gần đây, các máy bay ném bom của Nga đã tăng cường tuần tra ở Bắc Cực và thăm dò xa hơn về phía Nam. Cơ quan tình báo Na Uy cho biết, với việc các lực lượng thông thường của Nga bị phân tán do cuộc xung đột ở Ukraine, vũ khí chiến lược của nước này đang có tầm quan trọng lớn hơn, trong số đó có các tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc của Nga. Nhiều tàu thương mại và chính phủ mang cờ Nga đang hoạt động ở vùng biển Bắc Cực.


Nga chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng tàu phá băng


Tàu phá băng vận hành bằng năng lượng hạt nhân của Nga

Người Nga không chỉ có các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, mà còn xem xét xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi có khả năng chịu được sức chèn ép của 3 mét băng tại Bắc cực.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc

Các nước Bắc cực biết rằng đó là một khu vực khó nhằn, không chỉ vì các phe phái giành giật, mà vì những thách thức mà địa lý của nó mang lại. Có 14.75 triệu km vuông đại dương tại Bắc cực, phần lớn trong phần diện tích này cực kỳ tăm tối, nguy hiểm đến chết người. => Đó không phải là nơi dễ chịu để có thể không cần đến đồng minh, bất kỳ nước nào để thành công trong khu vực cũng sẽ cần đến sự hợp tác.

Quan hệ đối tác an ninh Nga - Trung một phần được thúc đẩy bởi hoạt động thương mại trên tuyến đường thương mại giàu năng lượng. Nhiệt độ ấm hơn đang mở ra các tuyến vận chuyển mới giữa châu Á và châu Âu và cuối cùng có thể xuất hiện các tuyến vận chuyển hoàn toàn mới gần Bắc Cực. Theo một nghiên cứu hồi tháng 6 vừa qua trên tạp chí Nature Communications, ngay từ những năm 2030, Bắc Cực có thể gần như không còn băng vào tháng 9, tháng có lượng băng thấp nhất trong năm.

Các công ty vận chuyển đang nghiên cứu bờ biển phía Bắc của Nga như là tuyến đường ngắn nhất giữa các cảng biển của Đông Á và châu Âu, bỏ qua các đại dương phía Nam và kênh đào Suez. Hành trình của một tàu chở hàng từ Nhật Bản đến một cảng ở Hà Lan có thể được cắt giảm hơn một nửa, xuống còn dưới 10.000 km so với hơn 20.000 km hiện tại, bằng cách đi qua Bắc Băng Dương.

Tuyến đường biển phía Bắc, mà Nga khẳng định quyền điều chỉnh theo thỏa thuận Bắc Cực, cho phép các tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển hàng hóa qua eo biển Bering. Tuyến đường chạy dọc theo biên giới biển giữa vùng biển của Nga và Mỹ ở phía tây Alaska.

Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, khi tuần tra ở biển Bering vào mùa thu năm ngoái, tàu tuần duyên Kimball của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã phát hiện 7 tàu của Nga và Trung Quốc đang di chuyển qua vùng biển lạnh giá gần quần đảo Aleutian của Alaska.

Thủy thủ đoàn của Kimball xác định con tàu chính của Trung Quốc là Nanchang, một trong những lớp tàu chiến mới có thể phóng hơn 100 tên lửa dẫn đường. Theo các quan chức quân sự và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, các tàu Nga và Trung Quốc đang tập trận chung đã đi về phía Bắc và phía Đông vào vùng biển của Mỹ, gửi một thông điệp rõ ràng về giá trị chiến lược của khu vực đối với Moskva và Bắc Kinh.

Tàu chiến Nga và tàu nghiên cứu của Trung Quốc không phải là hiếm xuất hiện trong khu vực như gồm Aleutians, một chuỗi đảo núi lửa chiến lược phân chia Thái Bình Dương với Biển Bering và Bắc Băng Dương. Chúng là địa điểm giao tranh quyết liệt trong Thế chiến II. Một thành phố đảo nhỏ, Unalaska, nơi mang lại nguồn hải sản hơn bất kỳ cảng nào khác của Mỹ, có căn cứ của lực lượng bảo vệ bờ biển tại Cảng Hà Lan.


Tàu phá băng Xue Long 2 của Trung Quốc

Hoa Kỳ- Kẻ đến sau

Kể từ cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ đã không còn coi Nga và Bắc Cực là tâm điểm an ninh nên đã tập trung nguồn lực đối phó với các mối đe dọa mới nổi. Thế nhưng, Mỹ bắt đầu phải thay đổi quan điểm, bởi Bắc Cực ngày càng dễ tiếp cận hơn trong khi Nga ngày càng chiếm ưu thế ở khu vực này.

Văn bản nền tảng cho chính sách Bắc Cực của Mỹ là Chỉ thị số 66 được Tổng thống Barack Obama ký ban hành năm 2009, tập trung vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bốn năm sau, vào tháng 5/2013, Mỹ công bố Chiến lược quốc gia đối với Bắc Cực, đề ra các ưu tiên chiến lược đối với khu vực này trong vòng 10 năm tiếp theo với các mục tiêu bảo vệ lợi ích an ninh, thúc đẩy vai trò quản lý của Mỹ ở Bắc Cực và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đến năm 2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ban hành Chiến lược An ninh quốc gia; trong đó, Bắc Cực được xếp trong nhóm không gian trên bộ, trên biển, vũ trụ, nơi Mỹ coi là có chủ quyền, là ưu tiên, lợi ích chiến lược, an ninh quan trọng cần phải bảo vệ và thúc đẩy.

Mỹ đang cạnh tranh với Nga (và Trung Quốc) ở Bắc Cực, nhưng có ít tàu phá băng và ít cảng hơn, cũng như ít kinh nghiệm hơn hơn Nga- tay chơi lớn nhất tại khu vực này.

Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Cực bằng cách bổ sung thêm các tàu phá băng - những con tàu có vai trò quan trọng đối với sự hiện diện ở vùng biển băng giá. Nhưng hiện Mỹ chỉ có một tàu phá băng trong khu vực so với 30 tàu thuộc sở hữu của Nga.


So sánh tàu phá băng lớn nhất của các ông lớn

Mỹ đang tụt hậu so với Nga về các tàu phá băng có thể phá vỡ lớp băng rắn dày hơn 1 m. Những con tàu khổng lồ này có thể mang thiết bị hạng nặng, nhiên liệu và nguồn cung cấp qua biển băng dày. Mỹ không có tàu phá băng nào hoạt động thường xuyên ở Bắc Cực.

Healy, một con tàu diesel khổng lồ 16.000 tấn, là con tàu dài nhất và lớn nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, nhưng nó sẽ được tái trang bị vào mỗi mùa đông ở bang Washington hoặc California.

Trong khi đó, công việc bảo trì rất tốn kém đối với Healy. Được hạ thủy và đưa vào hoạt động vào những năm 1990, tàu Healy hầu như không được chuẩn bị cho đối đầu quân sự. Con tàu chứa đầy thiết bị khoa học hạng nặng và phòng thí nghiệm, nhưng nó không có súng/pháo trên boong để tự vệ. Tàu Healy có hệ thống thông tin liên lạc công nghệ cao và nhà chứa máy bay trực thăng được sử dụng trong quân sự, nhưng trọng tâm của nó là khoa học trái đất, đặc biệt là nghiên cứu địa hóa học và khí hậu.

Tàu phá băng khác của của Mỹ, Polar Star, mạnh hơn Healy nhưng đã hết thời gian sử dụng và được giao nhiệm vụ tiếp tế hàng năm cho các nhà khoa học ở Nam Cực.

Kết luận

Mỹ đang tụt hậu về cuộc đua chiến lược ở Bắc Cực so với Nga. Nga đã có một lợi thế lâu dài ở Bắc Cực, với các cơ sở quân sự, kinh tế và khoa học được thiết lập ở khu vực này. Nga cũng có một lực lượng hải quân lớn và hiện đại, bao gồm nhiều tàu phá băng có thể hoạt động trong điều kiện băng dày.

Mỹ, mặt khác, đã không chú ý đến Bắc Cực trong nhiều thập kỷ. Lực lượng hải quân Mỹ chỉ có hai tàu phá băng, và chúng không đủ mạnh để hoạt động trong điều kiện băng dày. Mỹ cũng không có nhiều cơ sở quân sự hoặc kinh tế ở Bắc Cực.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Bắc Cực. Chính phủ Mỹ đã công bố một chiến lược Bắc Cực mới vào năm 2019, và Lầu Năm Góc đã tăng cường đầu tư vào các hoạt động ở khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm để bắt kịp Nga.

Rốt cuộc thì các cuộc chiến tranh được bắt đầu bởi nỗi sợ hãi đối với kẻ khác cũng như sự tham lam của của bản thân các quốc gia- Có lẽ Bắc cực hóa ra chỉ là một chiến trường khác cho các quốc gia?

Lịch sử của chúng ta đã cho thấy các cư xử tham tàn của trò Zero-sum game. Có thể lập luận rằng; niềm tin phần nào vào quyết định luận địa lý, cùng với bản tính con người, đã khiến cho bất kỳ cách ứng xử nào khác càng trở nên khó khăn hơn. Trong thế giới toàn cầu hóa đang lụi tàn chúng ta khó có thể vượt qua khía cạnh tham lam của bản tính con người, và chơi Ván bài Vĩ đại một cách đúng đắn vì lợi ích của cả thế giới!

Tham khảo

Bắc cực
Bắc Cực trở thành khu vực chiến lược quan trọng (bài khá cũ hồi 2009)

Biến đổi khí hậu- băng tan
Báo cáo Bắc Cực ghi lại bằng chứng về việc tăng tốc biến đổi khí hậu
Arctic amplification
Tuyến đường biển xuyên Bắc cực
Hàng hóa được vận chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc của Nga không ngừng tăng trưởng

Xung đột Mỹ- Nga tại Bắc cực
Căng thẳng mới giữa Mỹ và Nga ở Bắc Cực
Mỹ ‘tụt hậu’ so với Nga trong cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực?

Sách
Tù nhân của địa lý- Tim Marshall
Trật tự Thế giới- Henry Kissinger

Group Cộng đồng cho cộng đồng!

10 Likes

Rosatommmm

3 Likes

Đồng chí này chịu khó post bài với hàm lượng kiến thức cao phết nhỉ? Hay đấy, ủng hộ nhé!

2 Likes

Cám ơn anh nhiều khi thời gian qua đã ủng hộ ạ nhé ạ!

2 Likes

ủng hộ làm luôn series về các cuộc xung đột trên thế giới luôn nhé! hay quá

2 Likes

:slight_smile:

3 Likes

Cám ơn các bác!


Em viết vì đam mê thôi, các bác có hứng thú chuyện đầu tư hay chính trị tham gia cộng đồng em mới lập ta bàn luận ạ!

3 Likes

ván cờ trên bàn cờ băng à

3 Likes

tranh giành nhau đến từng tất đất nhỉ, xưa cứ nghĩ bắc cực chẳng có gì, ai ngờ là kho báu

2 Likes

nhiều kiến thức hay quá, thanks chủ thớt nhiều!

5 Likes

vài năm nữa sẽ đến Nam cực thôi, giờ đất chật người đông trong khi tài nguyên thì cạn kiệt

4 Likes

hi, mới đổi tên topic để nghe cho tuấn mượt

2 Likes

lâu lâu mới thấy ad lên bài nhỉ

1 Likes

Thôi, đừng đá xoáy cổ đông nhà anh ý.

2 Likes

Góc nhìn hay.

2 Likes

Cám ơn bác!

1 Likes

Dạ sorry, thực ra em lỡ tay chứ không có tà tâm gì ạ.

1 Likes
1 Likes

cuộc xung đột này không phải ngày 1 ngày 2. Các hãng tàu sẽ phải tìm đường khác mà đi thôi, hẳn tuyến đường băng tan sẽ bắt đầu đông đúc

1 Likes

Nga là thế lực mạnh nhất tại bắc cực mà còn được TQ hỗ trợ, khó khăn cho Mỹ trong cuộc chiến này đây

1 Likes