Bài kiểm tra cho kỳ vọng sóng tăng

Yếu tố liên thị trường tích cực hỗ trợ VN-Index tăng điểm, nhưng sắc đỏ xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần qua trong bối cảnh thời điểm đáo hạn phái sinh đến gần báo hiệu chỉ số có thể rung lắc trước khi sóng tăng mới xuất hiện.

Thị trường chứng khoán Mỹ: Sự hứng khởi lan tỏa

Trái ngược với tâm lý thường thấy là “Sell in May and go away” (Bán trong tháng 5 và đi chơi), thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận sự hứng khởi và tâm lý đầu tư ổn định trong tuần qua, chỉ số chung đang trên đà kết thúc hai tuần đầu tháng 5/2024 trong sự tăng trưởng. Chỉ số Dow Jones liên tiếp tăng và ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 12/2023. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng trên đà hồi phục.

Động lực cho nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán được ghi nhận khi kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy, gần 90% các công ty thuộc chỉ số S&P 500 tốt hơn dự báo. Nhu cầu tăng trở lại và chi phí được kiểm soát đã thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. Xét về nhóm ngành, dịch vụ truyền thông, tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ tiếp tục tăng cao và các lĩnh vực khác dần lấy lại đà tăng. Điều này minh chứng cho đà mở rộng của nền kinh tế Mỹ, bất chấp bối cảnh được cho là khó khăn khi ngân hàng trung ương nước này duy trì lãi suất điều hành ở mức cao.

Dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới nhất tại Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, làm tăng kỳ vọng rằng, các ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Sự cân bằng cung cầu tốt hơn và một số áp lực làm giảm tốc độ tăng trưởng tiền lương có thể hỗ trợ cho lạm phát dịch vụ thấp hơn.

Ngoài ra, một cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ khiến lợi suất giảm. Gần đây nhất, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,45%/năm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm xuống 4,81%/năm. Nhìn rộng hơn, lợi suất trái phiếu giảm do thị trường một lần nữa phản ánh khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Việc lãi suất giảm trong vài tuần qua đã hỗ trợ cho cả thị trường vốn và trái phiếu.

Các thị trường châu Á cũng ghi nhận biến động tích cực với hiệu ứng đến từ thị trường Mỹ và các thị trường lớn khác đang có tác động lan tỏa. Trong đó, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục nằm trong vùng tăng mạnh trong tuần qua, đặc biệt là ngay sau khi dữ liệu lạc quan về thương mại được công bố.

Nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 8,4% trong tháng 4/2024, so với ước tính trong cuộc thăm dò của Reuters là tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu trong tháng 4/2024 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 292,5 tỷ USD.

Đáng lưu ý, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng 9% trong tháng 4/2024 so với một năm trước, trong khi xuất khẩu giảm gần 3%. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở một quốc gia, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở khu vực. Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng 8% trong tháng 4 vừa qua so với một năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 5%. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm khoảng 3,5%, còn nhập khẩu tăng gần 2,5%.

Giá dầu WTI đã tăng lên trên 79 USD/thùng sau đợt trượt giá kéo dài một tháng trước khiến giá xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2024. Đường trung bình động 100 ngày ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô, trong khi chỉ số sức mạnh tương đối trong 9 ngày cho thấy, đợt bán tháo đã quá mức. Bên cạnh đó, củng cố cho đợt phục hồi kỹ thuật của giá dầu là một báo cáo cho biết, tồn kho của Mỹ đã giảm 1,36 triệu thùng trong tuần trước.

Nguồn cung dầu của OPEC+ đang là tâm điểm chú ý, với việc Nga sản xuất vượt quá mục tiêu đã thỏa thuận, trước cuộc họp OPEC+ vào tháng 6 tới để xem xét quyết định tiếp tục hạn chế sản lượng. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nâng mức giá mà Mỹ sẵn sàng trả để bổ sung vào kho dự trữ dầu chiến lược, vốn đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 4 thập kỷ. Bộ Năng lượng Mỹ chia sẻ trong một hồ sơ rằng, họ sẽ trả tới 79,99 USD/thùng, mức này cao hơn mức trần không chính thức trước đó là 79 USD/thùng và gần với giá thị trường.

VN-Index: “Bài kiểm tra” trong tuần đáo hạn phái sinh

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, VN-Index ghi nhận tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, biến động giằng co mạnh bắt đầu xuất hiện trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, khi chỉ số kiểm định lại ngưỡng kháng cự tại MA50 (1.250 điểm).

Thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 5/2024 trên thị trường phái sinh đang đến gần ngày càng thể hiện mạnh hơn tầm ảnh hưởng đối với diễn biến chung của thị trường cở sở. Sự khó lường trong sự dịch chuyển của VN-Index cũng đang bị chi phối từ biến động của nhóm vốn hóa lớn, nhất là rổ cổ phiếu VN30.

Sự điều chỉnh của VN-Index trong 2 phiên cuối tuần được đánh giá là không bất ngờ và phù hợp trong giai đoạn đáo hạn phái sinh hiện tại. Đây được cho là bài kiểm tra cần thiết đối với kỳ vọng sóng tăng mới sẽ trở lại và mục tiêu tiến xa hơn nữa, trở về vùng đỉnh ngắn hạn cũ gần nhất là 1.300 điểm, nếu như trong quá trình hiệu chỉnh cấu trúc hồi phục ngắn hạn không bị vi phạm.

Cụ thể, ngưỡng hỗ trợ mạnh gần nhất cần được củng cố sẽ tập trung ở 1.230 điểm và rất mạnh tại 1.200 điểm để duy trì kịch bản VN-Index đang tích lũy cho một nhịp hồi phục mới.

Các chỉ báo định lượng dù trải qua sự rung lắc trong 2 phiên cuối tuần tuần nhưng vẫn được ghi nhận hồi phục và vận động tích cực. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt ở những nhóm có câu chuyện hỗ trợ riêng biệt trong thời gian gần đây như xuất khẩu và phụ trợ (dệt may, thủy sản, bất động sản công nghiệp), hàng không, du lịch, tiêu dùng, bán lẻ…

Bên cạnh đó, dù áp lực bán xuất hiện nhưng được đánh giá là chưa mạnh và sức mua vẫn đang làm chủ thế trận vận động ngắn hạn. Đây là tín hiệu tốt đối với vận động của thị trường trong bối cảnh hiện tại và nếu được duy trì trong các nhịp điều chỉnh, rung lắc (nếu có) trong tuần này thì đó là tín hiệu củng cố cho xu thế thị trường bền vững và có độ tin cậy hơn.

Mặc dù vậy, một điểm cần lưu ý đó là thay vì đà hồi phục đến từ các động lực quan trọng và có độ tin cậy điển hình như tín hiệu dẫn dắt tạo đáy từ nhóm trụ cột VN30, ngân hàng và điểm bùng nổ giải ngân trên diện rộng đều chưa được ghi nhận. Nói một cách khác, trạng thái giao dịch hiện tại không dành cho số đông khi chỉ có một số lượng ít cổ phiếu có động lượng tăng tốt hơn thị trường, trong khi phần lớn cổ phiếu mang dáng dấp của nhịp hồi phục kỹ thuật không đi kèm thanh khoản cải thiện.

Theo đó, diễn biến rung giật trong các phiên tới có khả năng xảy ra và là cần thiết để đánh giá sự bền vững của nhịp hồi phục hiện tại. Đối với các vị thế ngắn hạn, điểm mua mới chưa tối ưu, nhưng có thể tiếp tục nắm giữ đối với các nhà đầu tư đang có vị thế, đồng thời cần quan sát kỹ các biến động rung lắc của thị trường, đặc biệt là sự dẫn dắt của diễn biến thị trường phái sinh trong các phiên tới để kịp thời bảo vệ thành quả giao dịch ngắn hạn. Còn các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn có thể canh nhịp điều chỉnh, rung lắc để tích lũy vị thế đối với cổ phiếu có cơ bản tốt và nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bai-kiem-tra-cho-ky-vong-song-tang-post345055.html