Nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ chịu áp lực rung lắc giằng co trong những phiên tới khi thời điểm đáo hạn phái sinh đến gần trước khi sóng tăng mới xuất hiện.
Nhà đầu tư thận trọng trước thời điểm đáo hạn phái sinh. Ảnh: Lê Toàn
VN-Index có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp, tuy nhiên biên độ giảm không lớn và thanh khoản không tăng cao nên xu hướng hồi phục đã thiết lập trước đó vẫn chưa bị bẻ gãy. Thị trường gặp phải áp lực cung tương đối lớn tại vùng kháng cự mạnh, liên tục phủ định khả năng tăng điểm tại vượt đường MA50 ngày.
Tuần này dự kiến là tuần đầy ắp những sự kiện quan trọng trên thị trường tài chính quốc tế, trong đó có bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại sự kiện ngân hàng ở Hà Lan và Mỹ công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4. Các sự kiện này có thể tác động đến diễn biến trên thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là khi các chỉ số như S&P 500, Kospi đang quay về gần vùng đỉnh cũ.
Trong khi đó, thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 5.2024 trên thị trường phái sinh đang đến gần ngày càng thể hiện mạnh hơn tầm ảnh hưởng đối với diễn biến chung của thị trường cơ sở. Sự khó lường trong sự dịch chuyển của VN-Index cũng đang bị chi phối từ biến động của nhóm vốn hóa lớn, nhất là rổ cổ phiếu VN30.
Sự điều chỉnh của VN-Index trong những phiên gần đây được đánh giá là không bất ngờ và phù hợp trong giai đoạn đáo hạn phái sinh hiện tại. Đây được cho là bài kiểm tra cần thiết đối với kỳ vọng sóng tăng mới sẽ trở lại và mục tiêu tiến xa hơn nữa, trở về vùng đỉnh ngắn hạn cũ gần nhất là 1.300 điểm, nếu như trong quá trình hiệu chỉnh cấu trúc hồi phục ngắn hạn không bị vi phạm. Theo đó, ngưỡng hỗ trợ mạnh gần nhất cần được củng cố sẽ tập trung ở 1.230 điểm và rất mạnh tại 1.200 điểm để duy trì kịch bản VN-Index đang tích lũy cho một nhịp hồi phục mới.
Bên cạnh đó, dù áp lực bán xuất hiện nhưng được đánh giá là chưa mạnh và sức mua vẫn đang làm chủ thế trận vận động ngắn hạn. Đây là tín hiệu tốt đối với vận động của thị trường trong bối cảnh hiện tại và nếu được duy trì trong các nhịp điều chỉnh, rung lắc (nếu có) trong tuần này thì đó là tín hiệu củng cố cho xu thế thị trường bền vững và có độ tin cậy hơn.
Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán HSC, một điểm cần lưu ý đó là thay vì đà hồi phục đến từ các động lực quan trọng và có độ tin cậy điển hình như tín hiệu dẫn dắt tạo đáy từ nhóm trụ cột VN30, ngân hàng và điểm bùng nổ giải ngân trên diện rộng đều chưa được ghi nhận. Nói một cách khác, trạng thái giao dịch hiện tại không dành cho số đông khi chỉ có một số lượng ít cổ phiếu có động lượng tăng tốt hơn thị trường, trong khi phần lớn cổ phiếu mang dáng dấp của nhịp hồi phục kỹ thuật không đi kèm thanh khoản cải thiện.
Theo đó, diễn biến rung giật trong các phiên tới có khả năng xảy ra và là cần thiết để đánh giá sự bền vững của nhịp hồi phục hiện tại. Đối với các vị thế ngắn hạn, điểm mua mới chưa tối ưu, nhưng có thể tiếp tục nắm giữ đối với các nhà đầu tư đang có vị thế, đồng thời cần quan sát kỹ các biến động rung lắc của thị trường, đặc biệt là sự dẫn dắt của diễn biến thị trường phái sinh trong các phiên tới để kịp thời bảo vệ thành quả giao dịch ngắn hạn. Còn các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn có thể canh nhịp điều chỉnh, rung lắc để tích lũy vị thế đối với cổ phiếu có cơ bản tốt và nhiều tiềm năng tăng trưởng, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán HSC nhận định.
GIA MIÊU