Bán 1.000 lít xăng mới lãi 400 nghìn đồng, còn thua thu nhập lao động phổ thông

Giám đốc một công ty về bán lẻ xăng dầu cho biết, một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, do chiết khấu quá thấp nên mới lãi được 400.000 đồng. Với mức lãi này, vị lãnh đạo cho biết, còn thua thu nhập của một người lao động phổ thông, trong khi cây xăng phải đầu tư tiền tỉ.

Ngày 14.5 tới, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (thay thế cả 3 Nghị định trước đây là Nghị định 80, 95 và 83).

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ do thu không đủ bù chi

Góp ý sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát cho biết, nhiều thời điểm trong 2 năm qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị thương nhân đầu mối áp mức chiết khấu rất thấp, thậm chí có cả chiết khấu 0 đồng. Điều này dẫn đến việc càng bán càng lỗ do thu không đủ bù chi.

Thực trạng này đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong điều hành, kinh doanh xăng dầu ban hành hồi đầu năm 2024.

Theo đó, nghĩa vụ, trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết, nhưng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lại mua bán xăng dầu của nhau.

Điều này dẫn đến tình trạng thương nhân đầu mối lại trở thành các thương nhân phân phối, mua bán qua trung gian, làm tăng chi phí lưu thông.

"Trong 5 năm, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã mua bán xăng dầu với nhau để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá lên tới 9.770 tỉ đồng. Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu.

Điều này là một trong những nguyên nhân khiến đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung cho thị trưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế", ông Nguyễn Xuân Thắng dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Nhiều cây xăng đóng cửa vì chiết khấu thấp trong thời gian qua. Ảnh: Phùng Anh

Theo ông, chi phí cố định của doanh nghiệp bán lẻ hiện lên tới 700-800 đồng/lít nên dù được chiết khấu 1.100 đồng/lít cũng không giúp lợi nhuận tốt hơn. Một cây xăng mỗi ngày bán được 1.000 lít, mới lãi được 400.000 đồng, còn thua thu nhập của một người lao động phổ thông, trong khi cây xăng phải đầu tư tiền tỉ.

Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo dự thảo Nghị định hoàn toàn mới về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 80, 95 và 83), Bộ Công Thương đề nghị Nhà nước không điều hành giá xăng dầu mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỉ giá, các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Dựa trên các dữ liệu đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa và giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiến Thắng cho biết, việc để doanh nghiệp đầu mối tự tính toán đưa ra mức giá tối đa, rồi giá bán lẻ cũng do đầu mối và nhà phân phối quyết, trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thấp cổ bé họng", không có tiếng nói, không có quyền tự quyết giá bán ra cho người tiêu dùng.

Do đó, bà cho rằng, cần tách bạch các mức thương nhân đầu mối - thương nhân phân phối, đại lý và cửa hàng độc lập kê khai, hạch toán thuế. Điều này nhằm đảm bảo thể hiện đúng, đủ các chi phí và lợi nhuận của từng khâu trong hệ thống của thương nhân đầu mối nhằm chống chuyển giá, trốn thuế.

Còn ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng - cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, do thời gian qua có thể thấy doanh nghiệp không được hưởng lợi gì.

Thực tế thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gần như không cần trích, chi sử dụng, nhưng thị trường không gặp vấn đề gì, vẫn diễn ra bình thường. Trong khi duy trì quỹ, doanh nghiệp rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh, kiểm tra. Như với Petrolimex, một năm thực hiện 11 triệu m3/tấn, số lượng rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch.

"Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm, rất khổ. Trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn để ổn định vĩ mô thì không để quỹ ở doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải giữ quỹ. Sai phạm vừa rồi của các đầu mối như Xuyên Việt Oil, Hải Hà là do quản lý quỹ, nhưng khi thực hiện giữ quỹ thì thủ tục phải đơn giản.

Tiền trích nộp thì nộp vào ngay, chi ra cũng cần chi ngay. Đừng đưa ra các hàng rào kỹ thuật để rồi nộp vào rồi lấy ra khó. Chúng tôi thiên về hướng ủng hộ bỏ quỹ”, ông Năm kiến nghị.

Trong khi đó, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) bày tỏ việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng khiến cho mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp đau đầu tính toán xem quỹ sử dụng thế nào.

Bởi giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào giá thị trường, nhưng việc hình thành quỹ là từ nguồn lực của người dân đóng góp.

"Từ trước đến nay, Nhà nước xây dựng quỹ bình ổn với thiện chí bình ổn cho người dân, nhưng giờ người dân cũng không cần thì sao chúng ta vẫn cố làm?" - ông Dương nói.

Link gốc

https://laodong.vn/giai-dap-phap-luat/ban-1000-lit-xang-moi-lai-400-nghin-dong-con-thua-thu-nhap-lao-dong-pho-thong-1338528.ldo