Bán tháo toàn diện, thanh khoản kỷ lục 17 tháng, cổ phiếu giảm giá gấp 18 lần tăng

Hai cổ phiếu trụ lớn là VIC và VHM tiếp tục lao dốc nặng trong phiên sáng nay, nhưng áp lực bán tháo đã lan khắp thị trường. VN-Index bốc hơi, số mã đỏ nhiều gấp gần 18 lần mã xanh. Chưa hết, thanh khoản riêng khớp lệnh hai sàn lên tới gần 16 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022…


Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy thanh khoản cực cao, giá giảm cực mạnh chỉ có thể là kết quả của hành động bán tháo.

Hai cổ phiếu trụ lớn là VIC và VHM tiếp tục lao dốc nặng trong phiên sáng nay, nhưng áp lực bán tháo đã lan khắp thị trường. VN-Index bốc hơi 1,64% tương đương giảm 20,21 điểm với số mã đỏ nhiều gấp gần 9 lần mã xanh. Chưa hết, thanh khoản riêng khớp lệnh hai sàn lên tới gần 16 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022.

Thanh khoản tăng đột biến kết hợp với cổ phiếu giảm giá rất sâu là biểu hiện của hoạt động bán tháo. VN-Index kết phiên sáng với 48 mã tăng/426 mã giảm, với 160 mã giảm trên 2% và 90 mã khác giảm từ 1% tới 2%.

VIC vẫn là cổ phiếu đáng chú ý nhất khi cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq tiếp tục lao dốc mạnh. Bắt đầu xuất hiện rất nhiều các quan điểm định giá chuyên nghiệp từ các báo cáo của tổ chức đầu tư quốc tế về VFS và hầu hết đều khẳng định mức định giá quá cao. Tác động của diễn biến giá VFS lúc này là hai chiều. Cổ phiếu VIC hôm qua đã quay đầu giảm 4,89%, sáng nay giảm tiếp 5,56% nữa. Khoảng 14,2 triệu VIC cố gắng tháo chạy thành công tương đương gần 977 tỷ đồng được rút ra.

Ngoài VIC, loạt trụ giảm sâu khác là VHM giảm 1,97%, BID giảm 1,59%, HPG giảm 2,14%, VPB giảm 2,03%, MWG giảm 3,53%, CTG giảm 1,53%… VN30 chốt phiên sáng đang giảm 1,61% với 4 mã tăng và 26 mã giảm, trong đó 22 mã giảm trên 1%, với 11 mã giảm trên 2%. Nhóm đi ngược dòng là FPT tăng 0,93%, SAB tăng 0,83%, VNM tăng 0,82%, VCB tăng 0,11%.

Thanh khoản rổ VN30 sáng nay cũng vọt lên ngưỡng trên 5 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 12/2022. Ngoài VIC, VHM, bán tháo quy mô lớn là STB với 434 tỷ đồng, HPG với 432,8 tỷ đồng, MWG với 339,1 tỷ, VPB với 185,6 tỷ, VRE với 161 tỷ, ACB với 150 tỷ…

Với độ rộng cực kém, gần như tất cả các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đều giảm. Số đi ngược dòng vài chục mã trong VN-Index là do có cung cầu riêng, phần lớn cũng nhờ thanh khoản rất nhỏ. Giao dịch nổi bật tron nhóm ngược dòng có thể kể tới MHC kịch trần với 23,2 tỷ đồng thanh khoản; TV2 tăng 1,96% với 21,1 tỷ đồng; VCG tăng 1,87% với 651,8 tỷ; GIL tăng1,37% với 29,5 tỷ; LPB tăng 1,31% với 215,6 tỷ.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng nhẹ 69,2 tỷ đồng. Khối này quay xe xả ròng 48,2 tỷ đồng ở VIC. Ngoài ra SSI -36,2 tỷ, HPG -35,8 tỷ, MSN -24,4 tỷ, VPB -24,3 tỷ. Phía mua ròng có VNM +76,4 tỷ, VHM +63,2 tỷ, CTG +27,8 tỷ, KBC +20,7 tỷ…

VN-Index lao dốc rất nhanh sáng nay.

Hiện tượng bán tháo hôm nay không hẳn xuất phát từ việc VIC và VHM quay đầu giảm sâu. Đây là hệ quả của sóng tăng giá mạnh mẽ trong tháng 7 với dòng tiền rất lớn nhập cuộc. Giá tăng cao và nhà đầu tư có xu hướng chốt lời nhiều hơn là mua đẩy giá, nên từ đầu tháng 8 đến nay rất ít cổ phiếu tăng thật sự rõ ràng. Tuy nhiên do VIC và VHM làm điểm số mất quá nhiều, kết hợp với các blue-chips khác yếu sẵn, nên tốc độ giảm của VN-Index có thể ảnh hưởng đến tâm lý chung.

Mặt khác nhịp tăng của chỉ số trong tháng 8 không rõ ràng, nhiều lần VN-Index không vượt qua được đỉnh ngắn hạn và thanh khoản rất lớn. Điều này làm nhiều tín hiệu kỹ thuật trở nên xấu đi và các nhà đầu cơ ngắn hạn sẽ có hành động giảm rủi ro.

Với mức thanh khoản quá cao trong tháng 8, nếu thị trường điều chỉnh thì áp lực sẽ rất lớn trong ngắn hạn vì có khả năng đòn bẩy được sử dụng nhiều. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một nhịp điều chỉnh thông thường vì đã tăng quá nhanh trước đó. Các yếu tố vĩ mô không thay đổi gì trong vài tuần trở lại đây, trừ một vài tín hiệu về tỷ giá nóng lên. Mặt bằng lãi suất vẫn thấp là yếu tố hỗ trợ trung và dài hạn cho thị trường.