[Bản tin đặc biệt]- Đã đến lúc cắt lỗ hay tiếp tục giữ vững niềm tin- [ngày 19-11-2024]

, , , , , , , ,


Khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn suy giảm, lợi nhuận của nhà đầu tư dần bị bào mòn. Nếu xu hướng suy giảm kéo dài, những khoản lợi nhuận tích lũy trước đó có nguy cơ chuyển thành các khoản lỗ và dần dần khuếch đại. Trong bối cảnh này, các khoản lỗ sẽ gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư và đây cũng là thời điểm mà ý nghĩ “Cắt lỗ” bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng trong suy nghĩ của nhiều người.

Cá nhân Em chia sẻ thật lòng rằng, dù đã có những thương vụ thành công đáng nhớ đầu năm 2024 như FPT, TCB, DGC… nhưng từ tháng 6 trở đi, danh mục đầu tư của Em cũng không tránh khỏi sự sụt giảm đáng kể khi kỳ vọng VN-Index vượt 1.300 điểm đã không thành hiện thực. Trong hơn 6 tháng qua, hiệu suất đầu tư của Em không được như mong đợi, khi các cổ phiếu đã khuyến nghị trong giai đoạn này như HPG, MSN, SSI, và MBB đều không mang lại kết quả tích cực như kỳ vọng.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, đây không phải lần đầu Em phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn như vậy. Điều đó giúp Em đồng cảm sâu sắc với những NĐT đang trải qua khó khăn. Em hiểu rõ cảm giác thất vọng khi những khoản lợi nhuận tích lũy dần bị bào mòn. Đặc biệt là đối với những NĐT tham gia thị trường trong giai đoạn tháng 4 – 5/2024, lúc này, không ít tài khoản đã ghi nhận mức lỗ từ 5% – 10%, thậm chí cao hơn đối với những NĐT sử Margin.

Đúng như quy luật tâm lý thường thấy, khi NĐT trải qua một giai đoạn dài kém hiệu quả, đặc biệt là khi các khoản lỗ vượt ngưỡng 10% và thông tin tiêu cực liên tục xuất hiện, tâm lý bi quan dễ dàng bị khuếch đại. Điều này thường dẫn đến một phản ứng quen thuộc đó là NĐT đẩy mạnh bán tháo và cắt lỗ cổ phiếu để giảm thiểu thiệt hại.

Chủ đề “Cắt lỗ” hôm nay chứa đựng nhiều vấn đề cần phân tích sâu và có thể được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau, cả về mặt học thuật lẫn toán học. Tuy nhiên, trong nội dung này, Em xin phép trình bày ngắn gọn từ góc nhìn cá nhân, tập trung vào Tư duy phù hợp với Bối cảnh thực tế hiện tại.

==============================================

I. CÓ NÊN “CẮT LỖ” Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI

“CẮT LỖ” là một phương pháp quản trị rủi ro đã được chứng minh là hiệu quả, cả trên phương diện lý thuyết lẫn toán học, khi được áp dụng một cách đúng đắn. Hôm nay, Em xin lấy phương pháp của 2 Guru huyền thoại là William O’Neil và Mark Minervini để làm ví dụ mình họa.

[Cá nhân Em cũng đã áp dụng phương pháp của cả O’Neil và Minervini, chuyển hóa chúng thành hai phương pháp “Follow Trend” và “CANSLIM” để tư vấn cho nhà đầu tư trong những năm vừa qua]

Theo William O’Neil, như được trình bày trong quyển “How to make the money in the stock”, nhà đầu tư nên cắt lỗ ngay khi khoản đầu tư giảm 7% để bảo toàn vốn.

Trong khi đó, Mark Minervini, qua quyển sách nổi tiếng “Phù Thủy Thị Trường Chứng Khoán” nhấn mạnh nguyên tắc duy trì tỷ lệ vàng giữa lợi nhuận và rủi ro ở mức 2:1 (tức là nếu kỳ vọng lợi nhuận 10%, mức lỗ tối đa chỉ nên là 5%).

Chính tư duy quản trị rủi ro này giúp 2 Guru tạo ra một chiến lược đầu tư có tỷ suất sinh lợi tích cực trong dài hạn.

Tuy nhiên…

Trong cuốn sách kinh điển Technical Analysis of the Financial Markets của John Murphy, một tác phẩm được xem như “kinh thánh” của phân tích kỹ thuật, tác giả đã dành những chương đầu tiên để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Xác định xu hướng”. Ông khẳng định rằng, việc xác định xu hướng là “nền tảng trước khi lựa chọn phương pháp giao dịch phù hợp

Quay trở lại với hai huyền thoại đầu tư, trong phương pháp CANSLIM của William O’Neil hãy chú ý đến tiêu chí cuối cùng – chữ “M” (Market). Ông cho rằng trong thị trường giá lên, 70% cổ phiếu có xu hướng tăng giá, trong khi 30% còn lại vẫn có thể giảm. Ngược lại, trong thị trường giá xuống, đa phần cổ phiếu sẽ chịu áp lực giảm. Vì vậy, O’Neil khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên tham gia trong giai đoạn thị trường đang Uptrend để tối ưu hóa tỷ lệ chiến thắng và gia tăng lợi nhuận.

Tương tự, Mark Minervini trong Chương 6 của cuốn sách của mình cũng đưa ra lời khuyên: chỉ nên lựa chọn những cổ phiếu đang ở pha “Tăng tốc”. Ông xác định pha này dựa trên các yếu tố kỹ thuật như hệ thống đường trung bình động (MA), các mức đỉnh cũ và đáy cũ… giúp nhận diện những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá mạnh.

Giai đoạn 1: Pha thờ ơ – củng cố

Giai đoạn 2: Pha tăng giá – tăng tốc

Giai đoạn 3: Pha đạt đỉnh- phân phối

Giai đoạn 4: Pha giảm giá – buông xuôi

Tóm lại, cả hai nhà đầu tư đều có khẩu vị giao dịch tập trung vào những cổ phiếu có xu hướng mạnh trong thị trường giá lên. Nếu cổ phiếu giảm giá sau khi mua, điều đó chứng tỏ nó không đáp ứng tiêu chí và cần phải cắt lỗ ngay lập tức. Việc cắt lỗ ở đây không chỉ để bảo toàn vốn mà còn để tái phân bổ vào các cơ hội khác trong một thị trường giá lên, nơi luôn có nhiều lựa chọn hấp dẫn.

Suy nghĩ về “Cắt lỗ” trong bối cảnh hiện tại

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, Em cho rằng Vnindex vẫn đang ở giai đoạn cuối của quá trình phục hồi, kỳ vọng sớm chuyển tiếp sang giai đoạn “tăng trưởng”. Đây chưa phải là giai đoạn “uptrend” mạnh hay pha “tăng tốc” lý tưởng như tiêu chí của O’Neil hay Minervini. Do đó, nếu nhà đầu tư chưa thực sự tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc mua theo phương pháp của họ, việc áp dụng cứng nhắc nguyên tắc cắt lỗ liệu có phù hợp?

Một mẹo nhỏ nhưng luôn hiệu quả: “Mua vì lý do gì, hãy bán vì lý do đó.” Nếu bạn mua theo phương pháp của Mark Minervini, hãy quản trị rủi ro theo tư duy của ông. Nếu bạn đầu tư dựa trên phân tích cơ bản, hãy kiên nhẫn chờ đợi những chuyển biến tích cực từ doanh nghiệp. Và ngay cả khi bạn mua theo tin đồn, hãy sẵn sàng thoát ra khi tin đồn đã hết giá trị.

Kết luận

“CẮT LỖ” là một công cụ quan trọng nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi được áp dụng đúng bối cảnh và tuân thủ kỷ luật. Do đó nếu NĐT đang muốn “CẮT LỖ” ở thời điểm hiện tại, hãy cân nhắc xem liệu phương pháp quản trị rủi ro của mình đã phù hợp với bối cảnh thị trường và chiến lược đầu tư hay chưa. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn và hướng tới lợi nhuận bền vững trong dài hạn.

II. TẢN MẠN THÊM VỀ THỊ TRƯỜNG

  1. Hiện tại, chỉ số VN-Index đang trong trạng thái dao động đi ngang (sideway) với biên độ rộng, kéo dài từ tháng 4/2024 đến nay. Giai đoạn tích lũy này được nhìn nhận như một bước điều chỉnh cần thiết sau đợt phục hồi mạnh mẽ từ vùng 1.025 điểm lên mức 1.300 điểm trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024. Việc điều chỉnh không chỉ là yêu cầu tự nhiên của thị trường, mà còn tạo nền tảng cho một chu kỳ tăng trưởng bền vững hơn trong giai đoạn 2024-2025. Tuy nhiên, ngài thị trường thì vẫn luôn như vậy, vẫn khó chịu và không bao giờ làm hài lòng số đông NĐT. Do giai đoạn đi ngang tích lũy dài hơn dự kiến, tới thời điểm là đã tận 8 tháng đã bào mòn sự KIÊN NHẪN của NĐT. Điều này khiến nhiều người mất đi sự tỉnh táo, dễ rơi vào tâm lý tiêu cực và đưa ra các quyết định cảm tính trong thời điểm hiện tại.

  1. Dựa trên các dữ liệu được cập nhật gần đây trong các bản tin phân tích Vĩ mô, Em vẫn giữ nguyên quan điểm rằng thị trường đang trong giai đoạn hồi phục dần và đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, đặc biệt ở một số ngành dẫn dắt như: (1) Công nghiệp chế tạo – công nghệ; (2) Xuất khẩu và Logistics; (3) Dịch vụ tài chính; (4) Bán lẻ và Tiêu dùng.

Ngoài ra, NĐT có thể chú ý thêm những nhóm ngành hưởng lợi trong nhiệm kỳ của Donal Trump như: Dệt may, Thủy sản và Sản phẩm Gỗ, Khu công nghiệp, Cảng và Logistics

  1. Kết quả kinh doanh (KQKD) theo nhóm ngành quý III/2024 nói riêng và cả năm 2024 nói chung, đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt theo từng quý. Điều này dễ dàng nhận thấy trên hình ảnh bên dưới màu xanh áp đảo so với sắc đỏ. Điều này cho thấy, nền kinh tế hiện chỉ mới hoàn tất giai đoạn phục hồi và đang từng bước chuẩn bị chuyển sang pha “tăng tốc” trong năm 2024-2025. Các ngành như Bán lẻ, Du lịch và giải trí, Tài nguyên cơ bản, và Công nghệ thông tin dẫn đầu xu hướng tăng trưởng này.

  1. Định giá P/E của thị trường Việt Nam

Biểu đồ cho thấy định giá P/E của VN-Index đã giảm mạnh từ trên 15 lần đầu năm 2024 xuống còn 12,8 lần. Số liệu ở trên cho thấy sự phục hồi so với đầu năm, nhưng P/E lại giảm mạnh, điều này phản ánh tâm lý bi quan và áp lực bán mạnh trên thị trường làm cho mặt bằng cổ phiếu trở nên rẻ hơn đáng kể.

5. Kết luận

Dựa trên những phân tích trên, Em vẫn giữ vững quan điểm rằng thị trường hiện tại đang trong giai đoạn hấp dẫn để cân nhắc giải ngân đầu tư dài hạn, đặc biệt khi những đợt giảm chiết khấu có thể mở ra cơ hội đáng giá. Ở thời điểm này, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần thấu hiểu bối cảnh và lựa chọn chiến lược phù hợp. Cá nhân Em, trong hơn 3 năm qua, luôn nhấn mạnh với các NĐT nên thiên về những phương pháp dựa vào yếu tố cơ bản, giá trị nền tảng vững chắc và kiên nhẫn chờ đợi.

Chính vì vậy, Em khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ vững niềm tin vào thị trường, tránh đưa ra các quyết định bán tháo hoặc cắt lỗ vội vàng, đặc biệt khi những hành động đó có thể chưa thực sự phù hợp với bức tranh tổng thể hiện nay.

==============================================

Tiếp nối với cơ hội “Bắt đáy”

Ở phần tiếp theo, Em sẽ gửi tới nhà đầu tư chủ đề hấp dẫn “Bắt đáy”, giúp anh chị tìm kiếm những cơ hội đầu tư tiềm năng ngay trong giai đoạn này. Hy vọng những thông tin chia sẻ sẽ mang lại giá trị và đồng hành cùng anh chị trên hành trình đầu tư hiệu quả và bền vững.

==============================================

Dữ liệu trong bài viết được tổng hợp từ các nguồn: SSI Iboard và Wi Chart

==============================================

2 Likes

Không có đạp sâu sẽ không có sóng to, VNI có khoảng nhiều tháng và 6 lần chạm 1300 mà không vượt suy ra các nhà đầu tư lớn ( và cả khối ngoại) đã bán ra khối lượng khổng lồ rồi và họ chỉ váo thị trường khi đã chiết khấu lớn, hiện VNI giảm từ 1300 xuống 1210 trong bối cảnh nước ngoài rút ròng khối lượng lớn, cho nên thị trường có khả năng lớn còn giảm mạnh, nên theo cá nhân mình ai có tỷ trọng cổ phiếu lớn cân nhắc CẮT LỖ 1 phần chừa sức mua nếu thị trường có biến động mạnh theo chiều hướng xuống giá.

2 Likes

đa phần lập luận tập trung vào lý thuyết và các chỉ báo kỹ thuật, chưa thực sự nhấn mạnh các yếu tố cơ bản của cổ phiếu như lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền hay tình hình kinh tế vĩ mô.

Cảm ơn đóng góp của Anh ạ. Hiện tại, thị trường đang giảm điểm rất mạnh, kết hợp với tâm lý mệt mỏi và chán nản của nhà đầu tư trong suốt những năm qua. Nhưng em lại thấy đây chính là một cơ hội lớn. Trong quyển sách Ngày Đòi Nợ, có một mục nội dung nói rằng: “Người thành công luôn biết tận dụng khủng hoảng để vươn lên.” em tin rằng thời điểm thị trường giảm sâu này sẽ tạo lợi thế rất lớn cho nhà đầu tư đang cầm tiền.

Anh có thể tham khảo 1 số bài viết trước của em ạ.Ngoài ra em sẽ luôn cập nhật ở những bài viết tiếp theo.

1 Likes
1 Likes