Hoạt động kinh tế
Lạm phát
Tháng 1 là tháng giáp Tết nên nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng, kéo theo giá lương thực thực phẩm tăng. Ngoài ra, giá dầu thế giới tăng trong vài tuần gần đây nên giá xăng trong nước cũng tăng hai lần trong tháng. Tuy vậy, chỉ số CPI tháng 1 chỉ tăng 0,06% so với tháng 12/2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước bởi nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng (-2,31% mom, -3,55% yoy). Mặc dù có một số yếu tố gây sức ép lên lạm phát trong thời gian tới như diễn biến của giá thực phẩm và giá xăng dầu và môi trường lãi suất thấp song chúng tôi vẫn kỳ vọng lạm phát năm 2021 được giữ ổn định do chính sách tiền tệ khá thận trọng của NHNN so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cộng thêm sức cầu nội địa khó có thể phục hồi nhanh trong bối cảnh hiện tại khiến yếu tố cầu kéo không cao.Hoạt động thương mại
Hoạt động xuất, nhập khẩu diễn biến khá tích cực trong tháng đầu tiên của năm mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước còn tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ 2020, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm Canh Tý rơi vào tháng 1/2020 trong khi Tết Tân Sửu năm nay rơi vào tháng 2. Như vậy trong tháng 1, Việt Nam ước xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 15,6 tỷ USD (+71,6% yoy). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 9,7 tỷ USD (+32,3% yoy). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD, (+21,4% yoy). Nhóm hàng thủy sản đạt 600 triệu USD (+19,6% yoy). Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa tháng 1, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 24,7 tỷ USD (+41% yoy) và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 1,7 tỷ USD (+41,5% yoy) và chiếm 6,3%.Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp có phần chậm lại khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tuy tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm 3,2% so với tháng 12. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,2% yoy, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3% yoy, còn ngành khai khoáng giảm 6,2%. Mức tăng mạnh so với tháng 1/2020 chủ yếu do điểm rơi của Tết Nguyên đán hai năm. Chỉ số PMI sản xuất tháng 1 đạt 51,3 điểm giảm nhẹ so với tháng 12 là 51,7 điểm. Mặc dù các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất có cải thiện, nhưng mức tăng trưởng vẫn yếu hơn so với năm 2020. Trong khi đó, tình trạng thiếu container chuyển hàng và khan hiếm nguyên vật liệu đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá nguyên vật liệu lên cao. Chúng tôi đánh giá tuy có thể có những trở ngại trong ngắn hạn hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong các tháng tiếp theo.Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 1 ước đạt 23.233 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch năm và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư trong tháng chủ yếu cho việc thi công các công trình từ năm 2020, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu công việc đã hoàn thành từ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2 tỷ USD, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020 do dịch Covid-19 chưa bùng phát trong giai đoạn đầu năm trước. Tuy nhiên hoạt động giải ngân vẫn giữ vừng với vốn FDI thực hiện ước tính đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ.Ngân sách
Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách tháng 1/2021 do ngành Thuế thực hiện ước đạt 134.000 tỷ đồng, đạt 12% so với dự toán nhưng giảm 18,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ 2020, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát tại Việt Nam. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã triển khai trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục có hiệu lực làm giảm thu ngân sách trong vài tháng đầu năm 2021. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, thực hiện nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng làm giảm số thu thuế thu nhập cá nhân trong tháng 1/2021 khoảng 1.800 tỷ đồng. Chính sách giảm 30% thuế TNDN năm 2020 đối với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm làm giảm thu trong tháng 1/2021 khoảng 2.800 tỷ đồng. Thêm vào đó quyết định giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay được kéo dài đến hết năm 2021.Tỷ giá
Đồng VND giữ vững giá trị so với USD. Chỉ số DXY index, đo lường giá trị của đồng USD so với một rổ tiền tệ đang hồi phục trong thời gian gần đây, kéo tỷ giá USD/VND tăng theo. Tỷ giá trung tâm hiện đang giao dịch ở mức 23.160 đồng/USD, tăng 29 đồng/USD so với mức cuối tháng 12. Tỷ giá liên ngân hàng lại giảm 10 đồng/USD về mức 23.105 đồng/USD. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ cuối năm âm lịch trong dân chúng khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng tới 160 đồng/USD lên mức 23.520 đồng/USD. Ngay trong tháng 1, hoạt động xuất nhập khẩu đã rất sôi động với mức xuất siêu ước đạt 1,3 tỷ USD. So với các đồng tiền khác trong khu vực, Việt Nam đồng vẫn giữ được giá trị ổn định nhất so với đồng USD và điều kiện thuận lợi như xuất siêu tốt, dự trữ ngoại hối dồi dào, lạm phát kiểm soát sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021.
Tham gia room tư vấn tại
https://zaloapp.com/g/nlkxwa365
phí giao dịch 0.15 %,margin lãi 9.9 %
Liên hệ zaalo 0986344056