Phân tích và nhận định xu hướng chỉ số của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới và được cộng đồng đầu tư quan tâm, các phân tích dưới đây có thể phục vụ cho mục đích tham khảo trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Báo cáo TTCK thế giới quý 2/2024 (Kỳ 2): Nhịp điều chỉnh ngắn hạn đang hiện hữu
Phân tích và nhận định xu hướng chỉ số của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới và được cộng đồng đầu tư quan tâm, các phân tích dưới đây có thể phục vụ cho mục đích tham khảo trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
S&P 500: “Phe bò” bắt đầu chùn bước
Ở khung đồ thị tuần, chỉ số S&P 500 tiếp tục xu hướng tăng mạnh sau khi xuất hiện tín hiệu giao cắt vàng (Golden Cross) giữa đường SMA 50 tuần và SMA 100 tuần trong khi ADX tiếp tục duy trì trên mức 30, cho thấy triển vọng tích cực trong dài hạn vẫn đang hiện hữu.
Hiện tại, chỉ số đã phá vỡ thành công neckline của mẫu hình Rounding Bottom đã được đề cập trong Báo cáo thị trường chứng khoán thế giới quý 1/2024 (Kỳ 2) và đang được hỗ trợ khá tốt bởi ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (tương đương vùng 5,000-5,042 điểm). Nếu xu hướng tăng vẫn được duy trì trong thời gian tới thì mục tiêu giá (price target) tiếp theo là vùng 6,025-6,180 điểm vẫn còn hiệu lực.
Nguồn: Investing.com
Trong khung đồ thị ngày, chỉ số S&P 500 bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn sau khi test ngưỡng Fibonacci Projection 100% trong bối cảnh MACD và Stochastic Oscillator đang hướng đi xuống sau khi cho tín hiệu bán, cho thấy triển vọng trong ngắn hạn không mấy lạc quan.
Người viết cho rằng, chỉ số sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh ngắn hạn này trước khi quay trở lại xu hướng tăng dài hạn. Trong kịch bản tiêu cực, nếu chỉ số giảm mạnh đồng thời SMA 50 ngày bị xuyên thủng thì đỉnh tháng 1/2022 (tương đương vùng 4,700-4,820 điểm) sẽ là vùng hỗ trợ mạnh trong thời gian tới.
Đồ thị S&P 500 trong giai đoạn 2022-2024. Nguồn: Investing.com