Bất ngờ giao dịch đột biến sau 17 năm lên sàn chứng khoán, cổ phiếu tăng mạnh nhất trong hơn một năm

Sau 3 phiên liên tiếp hồi phục từ đáy một năm, cổ phiếu VNM đã leo lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng trở lại đây.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch cuối tuần nhiều rung lắc mạnh tại vùng đỉnh 9 tháng. VN-Index có thời điểm tưởng chừng sẽ quay đầu điều chỉnh nhưng một số cổ phiếu trụ “toả sáng” đúng lúc đã giúp thị trường đứng vững trong đó nổi bật là Vinamilk (mã VNM).

Cổ phiếu đầu ngành sữa có phiên tăng mạnh nhất trong vòng một năm với mức 3,3% qua đó trở thành cái tên đóng góp lớn nhất vào VN-Index.

Đáng chú ý, giao dịch trên VNM cũng rất sôi động với gần 12 triệu đơn vị được khớp lệnh, con số cao kỷ lục trong lịch sử 17 năm niêm yết của cổ phiếu này. Giá trị giao tương ứng hơn 800 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn sàn chỉ kém đôi chút so với VPBank.

Phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp đã đẩy thị giá VNM lên mức 69.100 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn một tháng trở lại đây. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 144.400 tỷ đồng, tăng 7.500 tỷ so với đáy một năm xác nhận vào hồi trung tuần tháng 6. Con số này giúp Vinamilk leo lên xếp thứ 8 trong danh sách các doanh nghiệp giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.

Dù hồi phục mạnh thời gian gần đây nhưng Vinamilk vẫn còn kém rất xa so với đỉnh cao từng đạt được trong quá khứ. Con đường tìm lại thời kỳ hoàng kim của doanh nghiệp đầu ngành sữa cũng không hề dễ dàng dù một số tín hiệu tích cực cũng đã xuất hiện.

Sữa được coi là thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam, đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên với thu nhập bị suy giảm do lạm phát và kinh tế suy giảm, người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm về giá hơn. Lạm phát và chi phí tăng cao cũng đang làm tăng áp lực trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Vinamilk dù tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa uống tại Việt Nam nhưng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và có vẻ như đang dần mất thị phần trong năm qua. Việc phải đổi mới và cải thiện cũng như mở rộng phạm vi phân phối và nhận diện thương hiệu sẽ tăng chi phí marketing và quảng cáo.

Theo VCBS, năm 2023 tiếp tục là năm thách thức đối với Vinamilk khi mảng nội địa suy giảm do bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực gia tăng tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu không đủ bù đắp cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, CTCK này cũng kỳ vọng xu hướng biên lợi nhuận gộp sẽ tích cực trong nửa cuối năm nhờ hưởng lợi từ xu hướng giá nguyên vật liệu đầu vào đã giảm mạnh so với năm ngoái. Biên gộp tích cực hơn 2022 nhờ vào tồn kho giá thấp từ quý 1/2023 sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh của quý 2 và 3 khi giá bán bình quân đã tăng từ cuối năm ngoái.

VCBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk sẽ tăng trưởng lầnl ượt 1,2% và 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng đạt 60.650 tỷ và 9.379 tỷ đồng. Dự báo dựa trên giả định (1) doanh thu nội địa phục hồi nhẹ 0,5% so với cùng kỳ trong khi doanh thu xuất khẩu trực tiếp và CN nước ngoài tăng tổng cộng 4,8% so với năm ngoái.