Nợ vay
Trong số các doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam, hiếm có doanh nghiệp nào vay nợ ít như PNJ ở thời điểm hiện tại. Tính đến cuối quý 2/2024, số dư nợ vay tài chính của doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức này chỉ vỏn vẹn chưa đến 250 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ nợ vay/VCSH chỉ khoảng 2.3%), giảm hơn 2.100 tỷ so với đầu năm và là mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2009.
Trong quá khứ, tỷ lệ này từng có thời gian duy trì trên 100% vào giai đoạn 2014-2015 nhưng sau đó đã giảm mạnh. Từ giữa năm 2017 đến nay, PNJ thường xuyên duy trì tỷ lệ này trong khoảng 20-40% trước khi tiếp tục giảm mạnh trong nửa đầu năm nay.
Dòng tiền
Đẩy mạnh trả nợ khiến dòng tiền tài chính âm đến gần 2.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm (trả nợ gốc vay gần 4.500 tỷ và đi vay mới 2.350 tỷ đồng). Dù vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn dương gần 650 tỷ đồng. Tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) vẫn duy trì ở mức trên 1.500 tỷ đồng, chỉ kém giai đoạn đầu năm 2022.
Dòng tiền mạnh có được nhờ tình hình kinh doanh khởi sắc. Sau khi lãi đột biến năm 2022, PNJ tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận vào năm 2023 với lãi sau thuế 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm trước. Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân là PNJ chiếm thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới, tung ra sản phẩm đa dạng và tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Kế hoạch
Sang năm 2024, PNJ lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% so với thực hiện năm ngoái, lên mức 2.089 tỷ đồng. Đây đều là những con số cao kỷ lục đối với doanh nghiệp này. Cổ tức dự kiến cho năm 2024 tiếp tục là 20% bằng tiền.
Tầm nhìn ban lãnh đạo
Lãnh đạo PNJ đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô còn đối mặt với nhiều khó khăn đến từ sự căng thẳng địa chính trị trên thế giới, thương mại toàn cầu chưa phục hồi. Ngoài ra, sự tăng trưởng của các quốc gia đầu tàu còn gặp khó khăn. Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi là một nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động bán lẻ tiêu dùng, sức mua chung có thể chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, PNJ muốn tối ưu hóa doanh thu tại các cửa hàng, tối ưu chi phí vận hành; đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số, làm mới trải nghiệm và thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại, thúc đẩy các tiêu chí ESG… Thực tế, kết quả đạt được trong nửa đầu năm cũng rất khả quan.
KQKD
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.113 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.167 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được trong nửa đầu năm kể từ khi hoạt động. So với kế hoạch đề ra, PNJ đã hoàn thành 60% kế hoạch doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2024.
Đáng chú ý, dù tập trung tối ưu chi phí vận hành, đảm bảo lợi nhuận nhưng quy mô cửa hàng của PNJ vẫn liên tục mở rộng. Đến cuối tháng 6, tổng số cửa hàng của PNJ đạt 405 có mặt tại 57/63 tỉnh thành, bao gồm 396 CH PNJ, 5 CH Style by PNJ , 3 CH CAO Fine Jewellery và 1 Trung tâm kinh doanh sỉ. Công ty cho biết đã mở mới 13 cửa hàng PNJ và đóng 8 cửa hàng từ đầu năm.
Lãnh đạo PNJ từng chia sẻ kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng đến năm 2025 với hơn 500 tuy nhiên có thể thấy doanh nghiệp này cũng không vội vàng trong việc mở mới. Từng bước mở rộng mạng lưới cửa hàng một cách thận trọng, đồng thời nhu cầu đầu tư tài sản cố định không lớn trong khi dòng tiền dồi dào có thể là nguyên nhân khiến nợ vay của PNJ giảm mạnh xuống thấp kỷ lục.