Bất ngờ với lãi suất tiền gửi?

Bất ngờ với lãi suất tiền gửi

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22-8, một loạt ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Lãi suất tiền gửi hiện tại của các NH thương mại cổ phần, kể cả NH quy mô nhỏ, còn thấp hơn cả các NH thương mại cổ phần nhà nước, trái ngược với những tháng trước.

Đơn cử, Techcombank huy động lãi suất cao nhất còn 5,85%/năm; MSB lãi suất tiền gửi cao nhất 5,6%/năm; ACB lãi suất cao nhất 5,7%/năm hay ABBANK lãi suất huy động cao nhất chỉ 5,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất tại 4 NH nhà nước là 6,3%/năm.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), nhận định việc các NH thương mại giảm mạnh lãi suất đầu vào có thể đến từ nguyên nhân tăng trưởng tín dụng còn thấp. Theo số liệu của NH Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH mới chỉ đạt khoảng 4,73%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vay vốn trên thị trường không có khi doanh nghiệp (DN) cần vốn thì không đủ điều kiện, trong khi DN đáp ứng được lại không vay. Diễn biến này khiến nhiều NH đang thừa vốn, phải giảm lãi suất đầu vào để làm chậm lại dòng tiền nhàn rỗi chảy vào.

“Nghịch lý huy động vốn nhưng không cho vay được cũng góp phần khiến lãi suất vay còn ở mức cao. Chẳng hạn, NH huy động 100 đồng nhưng chỉ cho vay được 50 đồng khiến chi phí sử dụng vốn cao. Lãi suất cao hay thấp giờ không phải vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất là cầu tín dụng từ thị trường không có khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự sáng sủa” - TS Nguyễn Hữu Huân nhận định.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH TMCP Tiên Phong (TPBank), nhìn nhận hết tháng 7-2023, tăng trưởng tín dụng của NH này chỉ đạt hơn 7% là mức khá chậm so với kỳ vọng và mục tiêu. TPBank kỳ vọng từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn nhưng thực tế là không dễ. Việc này cũng khiến các NH cũng sốt ruột.

“Muốn đẩy tín dụng lên, phải giảm lãi suất cho vay và thực tế lãi suất cho vay đã giảm 1,5-2 điểm % theo mục tiêu của Chính phủ và NH Nhà nước. Với một số lĩnh vực, ngành hàng, lãi vay còn giảm mạnh hơn nữa, thậm chí ngang bằng giai đoạn đầu năm 2022. Với thanh khoản dồi dào như hiện tại, kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm hơn nữa” - ông Nguyễn Hưng bày tỏ.

Đại diện NH TMCP An Bình (ABBANK) cũng cho biết các NH đang nỗ lực trong việc gia tăng tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong tổng vốn huy động nhằm giảm chi phí, đồng thời tối ưu, tiết giảm chi phí hoạt động. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý cuối năm 2023 và đầu năm 2024 giảm thêm từ 0,5-1,5 điểm %.