Những năm vừa qua, chứng khoán luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia thử vận may. Bên cạnh những người có kiến thức, chịu khó tìm hiểu thì cũng không ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức đầu tư tài chính nhưng mong muốn đổi đời, giàu nhanh nên đã mất không ít tiền của để đi học và bị các “thầy” dạy chứng khoán online lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên từ vài trăm đến vài tỉ đồng.
Thủ đoạn mới
Nếu như trước đây, các hội nhóm chứng khoán, room chứng khoán mọc lên như nấm để “lùa gà”, “phím hàng” hô hào nhà đầu tư mua bán các cổ phiếu được khuyến nghị để tạo sóng lên xuống thì giờ đây, chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng tự mạo nhận là nhân viên các công ty chứng khoán lớn, hoặc giả mạo các doanh nhân, chuyên gia tài chính kinh tế, lập các page, các hội nhóm để dụ dỗ những người thiếu hiểu biết cài đặt app, gửi tiền đầu tư chứng khoán.
Tin nhắn dụ dỗ nhà đầu tư trong một hội nhóm.
Khi các nạn nhân đồng ý tham gia các nhóm chat, hội nhóm kín, các đối tượng tiếp tục giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, được mua các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường. Để nhận được các ưu đãi trên, các đối tượng đã hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link website hoặc cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động, do chúng cung cấp.
Nắm bắt tâm lý nhà đầu tư, khi nạn nhân đăng ký tài khoản vào các website, app trên điện thoại, các đối tượng tiếp tục lôi kéo nạn nhân tham gia vào các nhóm đầu tư trực tuyến theo từng mã cổ phiếu đang có tiềm năng trên thị trường chứng khoán. Tại đây, nạn nhân được các đối tượng giải thích do các quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi, hợp pháp đã liên kết với các công ty chứng khoán nên được hỗ trợ và có ưu đãi cao; hoặc là doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu cho người lao động và mời chào nạn nhân mua lại suất cổ phiếu của cán bộ công nhân viên đó với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường…
Nhằm tạo niềm tin, các đối tượng đã cung cấp cho nạn nhân các giấy tờ pháp lý của quỹ đầu tư như: Giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, giấy phép kinh doanh hoạt động, Giấy chứng nhận của ngân hàng giám sát… và tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty, quỹ đầu tư với những lời hứa hẹn lãi suất cao, nếu thua lỗ thì sẽ được đền bù và giá mua các mã cổ phiếu qua các quỹ đầu tư sẽ có ưu đãi từ 15%-30% so với giá đang giao dịch. Những thông tin mà các đối tượng đưa ra, các nạn nhân dễ dàng tra cứu, tìm thấy thông tin trùng khớp trên mạng Internet và ngay lập tức tin tưởng vào những giấy tờ pháp lý mà các đối tượng đưa ra.
Đã có nhiều nạn nhân tin vào những hứa hẹn của các đối tượng, nạp tiền vào ứng dụng và liên tục có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận gấp nhiều lần trong một vài phiên giao dịch đầu tiên. Các nhà đầu tư cũng được xem nhiều tài khoản có lợi nhuận của các nhà đầu tư khác (là nick ảo do chúng tạo lập). Thực tế, đây là thủ đoạn tạo các giao dịch ảo để tạo niềm tin, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân gửi thêm tiền vào tài khoản đầu tư.
Tuy nhiên, khi nạn nhân muốn rút tiền thì ứng dụng báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của quỹ. Lúc này, các đối tượng sẽ không ngừng dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng với các lý do như: Nộp sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí để được rút tiền… Nhiều nạn nhân do đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản nên rất dễ bị thao túng tâm lý, phải chuyển thêm tiền nếu không sẽ bị mất số tiền đã nộp trước đó.
Khi thấy các nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển vào app. Khi phát hiện ra bị lừa đảo thì các đối tượng đã xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm trên mạng xã hội và chặn liên lạc với nạn nhân. Công tác xác minh, truy tìm hiện nay gặp nhiều khó khăn do hầu hết các group chat đều có địa chỉ ở ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều nạn nhân sập bẫy
Để lôi kéo nạn nhân, các page giả danh các chuyên gia tài chính, doanh nhân nổi tiếng được lập ra, chạy quảng cáo khiến không ít nạn nhân sập bẫy. Quả thật, chỉ cần gõ cụm từ “đầu tư chứng khoán” sẽ cho ra một loạt các fanpage giả danh các chuyên gia tài chính, doanh nhân mời chào, dụ dỗ nhà đầu tư tham gia. Liên hệ với một page đầu tư tài chính giả danh Shark Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản thế kỷ CEN Invest, phóng viên lập tức được nhân viên chăm sóc khách hàng nhắn tin riêng để giới thiệu về hoạt động đầu tư tài chính, chứng khoán cùng “Sark Hưng”, được chuyên gia tư vẫn hỗ trợ 24/7, đảm bảo thắng 100%.
Một page giả mạo Shark Hưng để kêu gọi đầu tư.
Để phóng viên tin tưởng hơn, nhân viên này tiếp tục mời gọi trải nghiệm, nếu tham gia với số vốn nhỏ chỉ 300.000 VND sẽ được chuyên gia hỗ trợ trong suốt quá trình giao dịch, chuyên gia sẽ báo trước sự biến động lên xuống của giá vàng đảm bảo cho tài khoản của mình thắng lên 1 triệu đồng đầu tiên và rút lợi nhuận về ATM khi kết thúc giao dịch.
Thường xuyên nhận được lời mời tham gia các hội nhóm chứng khoán từ những các đối tượng tự xưng là nhân viên của công ty chứng khoán, phóng viên cũng đã thử tham gia một room ■■■■ đầu tư tài chính. Trong nhóm rất nhiều lời mời hấp dẫn được đưa ra như: mua cổ phiếu giá rẻ hơn thị trường, nhận tin “nội bộ”, thậm chí có nhiều thành viên khoe lãi khủng khi nhờ chuyên gia đầu tư hộ… Thế nhưng khi phóng viên thắc mắc nhiều vấn đề thì lập tức bị cho ra khỏi nhóm.
Trên thực tế, rất nhiều nạn nhân đã bị sập bẫy từ những lời mời chào như vậy. Mới đây bà V.T.T trú phường Tân Phú, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi tham gia đầu tư chứng khoán cũng với những thủ đoạn nêu trên.
Theo nội dung vụ việc, thì bà V.T.T thường xuyên sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook để kết bạn trò chuyện với mọi người. Cách đây khoảng 3 tháng, có tài khoản Facebook tên “Nguyen Hoang Nam” kết bạn và nhắn tin làm quen thì bà T đồng ý. Hàng ngày nhắn tin trao đổi qua lại về cuộc sống và hỏi thăm về sức khỏe, công việc, gia đình. Đến ngày 20/03/2024 tài khoản Facebook “Nguyen Hoang Nam” tư vấn, giới thiệu tham gia gói đầu tư chứng khoán và cam kết sẽ được lợi nhuận từ 10-30% theo gói đầu tư thì bà T đồng ý.
Sau đó, đối tượng đã gửi cho bà đường link wed https://mexcglobaliapp.vip và hướng dẫn đăng ký tài khoản. Sau khi đăng ký tài khoản thành công thì bắt đầu đầu tư chứng khoán, từ ngày 21/3/2024 đến ngày 28/3/2024 thì bà T đã chuyển khoản 9 lần vào các tài khoản ngân hàng do bộ phận “Chăm sóc khách hàng” của trang wed https://mexcglobaliapp.vip cung cấp với tổng số tiền 350.000.000 đồng để đặt mua 8 mã lệnh theo hướng dẫn. Sau khi đặt mua 8 mã lệnh, thì lúc này tài khoản trên sàn MEXCGL của bà T hiển thị số tiền 385.000.000 đồng bao gồm cả gốc và lãi. Bà T đã thử rút tiền lãi về tài khoản ngân hàng cá nhân thì rút được 35 triệu đồng.
Bà V.T.T trình báo tại cơ quan Công an.
Bà T thấy việc tham gia đầu tư có lợi nhuận và rút được tiền nên tiếp tục tham gia đầu tư để thu lợi nhuận. Từ ngày 2/4/2024 đến 9/4/2024, bà tiếp tục chuyển khoản tiền đầu tư tổng cộng 7 lần với số tiền 838.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó bà T thực hiện rút tiền gốc và lợi nhuận thì không thể rút được tiền. Bà T đã liên hệ bộ phận “Chăm sóc khách hàng” thì được trả lời là phải đặt tiền cọc xác minh, phí giải ngân, phí bảo hiểm nếu không sẽ đóng băng tài khoản. Lúc này bà T nghi ngờ mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 1.188.000.000 đồng nên không tham gia đầu tư nữa.
Đến ngày 14/4/2024 có một đối tượng giới thiệu tên là Quỳnh liên lạc với bà, tự giới thiệu làm bên tài vụ chuyên hỗ trợ giải ngân tất toán các tài khoản bị treo trên không gian mạng và lấy lại tiền bị lừa đảo trên không gian mạng. Do mất số tiền lớn nên bà T xót của nên đã nhờ Quỳnh lấy lại số tiền đã mất. Lúc này đối tượng cho biết số tiền đó đang “bị treo trên mạng” và đang bị Công an và cơ quan thuế điều tra… muốn lấy lại phải đóng phí ủy quyền cho Quỳnh là 26 triệu đồng, bà T đã thực hiện theo thì lúc này Quỳnh điện thoại nói là nội dung ủy quyền ghi chữ in thường không đúng theo quy định nên phải xin mã lệnh lần 2 và phải đóng thêm 26 triệu đồng nữa.
Sau khi đóng tiền lần 2 xong, đối tượng xác nhận ủy quyền thành công và cho bà T vào group (nhóm), trong nhóm có 3 người. Sau khi tham gia vào group thì đối tượng yêu cầu phải đóng thêm 260 triệu đồng để tất toán và giải ngân; người trong nhóm, ai đóng sau thì phải chịu phí VAT 20% là 678 triệu đồng. Do lúc này bà T không còn tiền để đóng nên bà nói sẽ ngưng không tham gia thì đối tượng nói sẽ giảm cho bà 10% còn 339 triệu đồng. Lúc này, bà T đi vay mượn 250 triệu đóng phí, còn lại 91 triệu sẽ xoay và đóng sau. Tuy nhiên lúc này bà T không vay được ai, trong nhà không còn tiền, thấy đã lâu bà T không có động thái đóng tiền, đối tượng đã liên tục hối thúc. Lúc này, bà T nghi ngờ bị chính các đối tượng lừa đảo đầu tư chứng khoán tiếp tục lừa đảo lần 2 nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Anh H. ở Hà Nội cũng bị lừa cay đắng với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Theo đó, anh H. nhận được điện thoại lạ của một người phụ nữ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán nhưng anh từ chối không tham gia.
Tuy nhiên, người này tiếp tục đề nghị kết bạn qua ■■■■ và sau đó mời anh vào nhóm “Chia sẻ giao lưu Quỹ SeQuoia Capital Việt Nam”. Vì tò mò đọc tin nhắn trong nhóm và theo dõi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, hiệu quả nên anh H. đã tham gia.
Anh được hướng dẫn cài App “Smart SQV” mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H. đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỷ đồng và giá trị sau khi tăng “ảo” là hơn 30 tỷ đồng.
Sau đó, anh H. nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền, anh H. phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Nộp xong, anh H. không liên lạc được với quỹ đầu tư chứng khoán trên. Lúc này anh mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo
Theo các chuyên gia tài chính, 2 năm qua, thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Các thông tin tích cực, tiêu cực xuất hiện tràn lan trên thị trường chứng khoán cũng là thời điểm chiêu thức lừa đảo xuất hiện nhiều.
Những câu hỏi như: mã cổ phiếu nào tiềm năng, mã cổ phiếu nào sinh lợi tốt, đầu tư vào quỹ nào cho ổn định… trở thành câu hỏi được quan tâm nhất của nhà đầu tư. Từ đó, các hội nhóm được lập ra để phần nào giải đáp yêu cầu của nhà đầu tư. Song đầu tư là gắn liền với các biến số phức tạp. Vì vậy, nhà đầu tư nếu như không tự trang bị kiến thức tài chính cho mình mà chỉ đầu tư theo hô hào, theo hội nhóm, hoặc bị lừa đảo ném tiền cho người khác đầu tư để rồi mất cả chì lẫn chài.
Cơ quan Công an khuyến cáo:
Tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán. Tuyệt đối không tham gia vào các group chat, không đầu tư vào website, app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin chính thống như: Trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; các trang thông tin điện tử về tài chính, ngân hàng… Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động…
Trường hợp nghi vấn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân và nhà đầu tư cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời…
Mai Ngọc
https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/bay-lua-tu-cac-thay-chung-khoan-online-i730530/