“Đốt tiền” cũng là nghệ thuật
Xưa tui hỏi sư phụ, marketing ở đâu giỏi nhất, ổng nói Mỹ. Starbucks có trồng cà phê đâu mà lượng tiêu thụ khủng nhất. Apple cũng có nhà máy nào đâu, nhưng hễ ra ĐT mới là người ta xếp hàng. Rồi Coca, Pepsi, McDonald’s, phim Hollywood…cũng hốt bạc cả trăm năm.
Vì muốn coi họ làm marketing ra sao, năm 2007, tui sang Mỹ học 1 khoá ngắn hạn, do các sếp lĩnh vực mkt các tập đoàn hướng dẫn (chuẩn đầu vào để qua vòng loại thì chỉ cần IELTS 6.5, tui thì cứ 2 năm thi 1 lần để không quên kiến thức, tương tự là HSK 4 nếu bạn thích học 1 khoá ngắn hạn ở Trung Quốc).
Cá tính tui chịu chơi chứ không phải giàu sụ, tích luỹ đủ tiền để cho 1 mục đích gì đó thì xài cho hết xong làm lại.
Người Mỹ họ làm marketing tốt nên mình phải trả rất cao tiền chất xám của họ. Họ bắt tui quay clip 2 phút, viết 1 đoạn nhỏ mong muốn học, gọi điện nói chuyện cỡ 15 phút, xét đầu vào coi có tư chất, có cá tính không thì mới nhận vào vòng cuối, có thư mời nhập học. Tui quay đang ngồi quán cà phê vỉa hè, rồi đi Hạ Long, đi Mỹ Sơn quay ghép vô, nội dung gì giờ quên mẹ. Chỉ nhớ là hài hài dị dị, coi cười muốn rụng răng.
Sang bển, vào lớp mới thấy người Hàn, người Thái, người Nhật, người Hoa, người Ả Rập…học nhiều. Lớp mỗi tui Việt Nam.
Cứ 1 buổi trên lớp là 1 buổi lang thang ra siêu thị, để coi người nghèo họ mua gì; ra shopping mall coi người trung lưu mua gì; lên khu nhà giàu coi người siêu giàu xài tiền ra sao; đi khách sạn nhà hàng đông khách (tức năng lực marketing tốt) để ăn uống, quan sát.
3 tuần đó học từ sáng tới khuya, tui phải uống thêm 1 đống thuốc chức năng để khoẻ dẻo dai như viên chứa nhung hươu của Nhật, sâm Peru mới đủ sức chạy theo bọn nó.
Ngoài học phí, học viên ai cũng xài tiền ác liệt, marketing còn gọi là “nghệ thuật đốt tiền”. Người ngoan hiền vở sạch chữ đẹp, thụ động, kỹ tiền bạc, ít dám tiêu xài, cá tính mỏng thì HOÀN TOÀN KHÔNG làm được nghề này.
Một bữa, lớp đi 1 bãi biển (không nổi tiếng) ở Mexico, viết bài hoặc làm clip giới thiệu mời khách tới (chính quyền địa phương đặt hàng công ty media của một thầy đứng lớp).
Tụi tui ở đó 2 ngày 1 đêm, tự do tìm hiểu. Tui chọn viết chứ làm clip í ẹ quá, viết xong nộp thì 3 giám khảo đều chê.
Họ nói:
Thiên hạ người ta đọc you viết xong sẽ lập tức đến xem vì tò mò. Nhưng sẽ thất vọng.
Góc nhìn của you là góc nhìn của người có mắt nghệ thuật, người dân thường không được thế, họ tới và không nhìn ra “những con sóng lấp lánh những đồng tiền vàng dưới ánh nắng” thì sẽ cho là nói xạo, là “lùa gà” (“gà” luôn sợ bị lừa, thấp thỏm cẩn trọng ghê lắm).
You miêu tả không sai, nhưng you là người xông xênh tiền nong, ưng là móc ra xài cho hết xong tính tiếp, khác đại đa số người trong xã hội.
You viết cảnh đi bộ quanh thị trấn, tạt vào quán bar với những ly Tequila sóng sánh, những ly bia viền bột ớt, những điều xì gà Cohiba lâng lâng đầu óc và ngắm đại dương, ai nghe cũng thèm. Có mấy người dám bỏ cả mấy trăm đô cho 1 lần uống rượu và hút xì gà Cuba như you đâu, đa số chỉ có làm cái thứ 3 miễn phí là ngắm đại dương, họ ăn hải sản vô cũng trả giá từng con cua con cá, họ ngắm cảnh 1 hồi cũng chán, tự dưng sẽ tiếc tiền, sẽ cho rằng you quảng cáo sai sự thật, đòi đền bù.
Làm marketing phải làm sao đó để đại đa số người trong xã hội móc ví ra mua hàng vì thấy cần thiết phải mua, chứ không phải chỉ cho 1 nhóm người chịu chơi.
Với nhóm luôn miệng nói người khác lùa gà, thực ra là nhóm dễ bị lùa nhất. Cứ mkt cao tay ấn thì gà đại bàng gì cũng “bẫy” cũng “dụ” cũng “lùa” được hết, mà họ còn vui vẻ chui vô chuồng, cười nói vui vẻ, móc bóp móc ví không tiếc.
Người Mỹ người Hàn người Thái giỏi mấy cái này, đi du lịch 1 lần qua nước họ sẽ thấy.
( ăn trưa cùng Tony)