Nhóm cổ phiếu điện ghi nhận diễn biến giảm giá ở hầu hết các mã trong 2 tháng qua.
Sức nóng của cổ phiếu ngành điện được nhen nhóm từ phiên ngày 2/4, ngay sau thông tin ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Cùng với giai đoạn cao điểm sản xuất, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và cơ chế điều chỉnh giá điện mới được áp dụng là những yếu tố khiến cổ phiếu của ngành điện “nhộn nhịp” sau thời gian im ắng.
Thời điểm đó, nhiều công ty chứng khoán đã đánh giá triển vọng lạc quan của nhóm cổ phiếu điện còn kéo dài khi dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, đà tăng của nhóm cổ phiếu này có xu hướng bị “chững” lại. Trong 2 tháng qua, VN-Index có một số nhịp điều chỉnh, nhưng tính chung chỉ số này vẫn tăng điểm, song cổ phiếu điện được coi là nhóm phòng thủ lại có diễn biến giảm giá ở hầu hết các cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu điện Việt Nam còn đi ngược với xu hướng tăng giá của cổ phiếu điện trong khu vực. Trên nhiều thị trường chứng khoán châu Á, cổ phiếu điện thu hút sự quan tâm của giới đầu tư do tăng trưởng nhu cầu điện cùng với nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong những năm gần đây đòi hỏi việc đầu tư lớn vào sản xuất điện, lưới điện…
Theo Bloomberg, chỉ số tiện ích châu Á - Thái Bình Dương của MSCI theo dõi cổ phiếu của các công ty điện tiêu biểu trong khu vực đã tăng 14% kể từ đầu năm 2024 và đang hướng đến năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2006.
Trong đó, cổ phiếu của Công ty Điện lực nhà nước NTPC (Ấn Độ), Công ty Truyền tải điện Power Grid Corp of India (Ấn Độ), Công ty Điện lực Kansai Electric Power (Nhật Bản) có mức tăng giá khoảng 30%; cổ phiếu của YTL Corp (Malaysia), Torrent Power (Ấn Độ), CGN Power (Trung Quốc) tăng hơn 50%.
Nhiều ý kiến cho rằng diễn biến kém tích cực của nhóm cổ phiếu này được một phần do kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm điện than và điện khí không như kỳ vọng mặc dù quý II vẫn là giai đoạn được hưởng lợi nhờ hiện tượng El Nino khiến thuỷ điện suy yếu và nhu cầu điện tăng cao trong mùa nắng nóng.
Trong khi đó, nhóm năng lượng tái tạo được hỗ trợ bởi cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được chính thức ban hành, nhưng do còn nhiều phức tạp trong quá trình thực hiện, cùng với thông tin 32 dự án điện gió, điện mặt trời bị Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu cung cấp tài liệu, thông tin, dẫn đến nhiều mã cổ phiếu chịu sức ép bán ra.
Còn giá cổ phiếu thủy điện phản ánh hời hợt với sự gia tăng sản lượng, mặc dù nhóm này được ưu tiên huy động nhiều hơn do giá thành thấp.
Tiềm năng dài hạn vẫn còn
MBS dự báo nhu cầu điện năm 2024 có thể tăng 9,8% so với cùng kỳ, tương đương kịch bản cao trong Quy hoạch điện VIII và cũng cao hơn kế hoạch đầu năm của Bộ Công Thương là 9%, được hỗ trợ bởi sản lượng điện tăng trưởng cao hơn dự kiến trong các tháng đầu năm, đạt trung bình 13% và dự kiến xu hướng sẽ tiếp tục duy trì trong mùa nóng.
Trong giai đoạn 2025-2030, nhu cầu điện có thể sẽ tăng trưởng 9,3%, với động lực chính từ tăng trưởng sản xuất công nghiệp phục hồi và nhu cầu ngày càng tăng nhóm tiêu dùng dân cư.
Nhìn dài hạn hơn, nhu cầu phát triển hệ thống truyền tải điện rất lớn, trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao của năng lượng tái tạo cùng với nhu cầu tăng cường cung ứng điện từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, xây dựng các nguồn điện được coi là một trong những điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, nhóm ngành này còn được hỗ trợ từ chính sách. Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tập trung nguồn lực phát triển điện gió và điện khí từ nay đến 2030, đồng thời nghiên cứu phát triển các nguồn điện khác như thủy điện tích năng, điện sinh khối. Đặc biệt, đến 2025, nhiều đề án, dự án về chính sách cho ngành điện được ưu tiên xây dựng và hoàn thiện, trong đó một số chính sách cần đẩy nhanh để làm cơ sở triển khai các dự án nguồn điện bao gồm: khung giá các loại hình nguồn điện (năng lượng tại tạo, LNG, điện gió ngoài khơi), cơ chế mua bán điện trực tiếp…
Hiện tại, hầu hết các chính sách nêu trên đều đang trong quá trình hoàn thiện. Theo đó, năm 2024-2025 sẽ là giai đoạn bản lề trong việc ban hành những chính sách then chốt khi chỉ còn 6,5 năm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện VIII.
Trong số các cổ phiếu ngành điện, các nhà đầu tư có thể xem xét tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu xây lắp điện. EVN cho biết, kế hoạch đầu tư xây dựng cho năm 2024 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện trong năm 2023 với dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phối Nối là trọng tâm.
Theo Quy hoạch điện VIII, kế hoạch vốn và lượng công việc cho xây lắp hạ tầng và nguồn điện là rất lớn từ nay đến năm 2030. Điều này sẽ đảm bảo nguồn việc và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho nhóm xây lắp điện, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có năng lực làm dự án quy mô lớn.
Với nhóm năng lượng tái tạo, trong giai đoạn 2024-2025, dự kiến tăng trưởng sản lượng điện của các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ duy trì ổn định do hệ thống điện được nâng cấp. Tính đến cuối năm 2023, 21 nhà máy (công suất 1.201MW) hoàn thành thủ tục ngày vận hành thương mại (COD) và phát điện thương mại.
Đối với nhóm cổ phiếu điện than, về dài hạn, điện than sẽ không còn là mũi nhọn phát triển do phát thải cao và khả năng thu xếp vốn khó khăn. Từ nay đến năm 2030 sẽ chỉ còn 6 dự án điện than được triển khai, chủ yếu là các dự án BOT, trong đó, một số dự án đang được triển khai và sẽ sớm đi vào hoạt động như BOT Quảng Trạch 1 (1,403MW), và Na Dương 2 (110MW).
Cuối cùng là nhóm cổ phiếu ngành thủy điện. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI), hiện tượng El Nino đã kết thúc, và La Nina có thể quay trở lại từ tháng 8/2024 với xác suất xảy ra cao nhất. Như vậy, nhóm thủy điện sẽ được hưởng lợi.