Bình Định: Phấn đấu đến năm 2030 có 68 cụm công nghiệp

Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.470 ha. Đến nay, có 46/68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập, có 37/68 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 904,2ha.

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định) cho biết, để tăng cường công quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với 46 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 19 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quý I/2024, chỉ có 02/19 cụm công nghiệp hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao trong quý I/2024, còn lại 17/19 cụm công nghiệp chưa hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Ngoài các nguyên nhân mang yếu tố khách quan như vượt chỉ tiêu đất lúa, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... còn có các yếu tố chủ quan như việc nhà đầu tư triển khai chậm, hồ sơ chưa đảm bảo...; các Sở, ngành, địa phương liên quan chưa quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư; các địa phương còn chậm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Cũng theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, hiện nay, có 40/46 cụm công nghiệp đã và đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); trong đó, có 15/46 cụm công nghiệp đã hoàn thành bồi thường, GPMB đạt 100% diện tích; có 15/46 cụm công nghiệp đã hoàn thành từ 50% diện tích trở lên; 10/46 cụm công nghiệp hoàn thành dưới 50% diện tích; có 06/46 cụm công nghiệp chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Để đảm bảo triển khai hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở: Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng phối hợp, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi cho từng chủ đầu tư cụm công nghiệp đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế của các nhà đầu tư.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư các cụm công nghiệp rà soát lại các chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp UBND tỉnh đã giao. Chủ động phối hợp với địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời chuyển tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay sau khi UBND cấp huyện ban hành Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiến độ được giao.

Thu Loan - Link gốc

https://baoxaydung.com.vn/binh-dinh-phan-dau-den-nam-2030-co-68-cum-cong-nghiep-374580.html