BMP – Duy trì tỷ suất cổ tức ở mức cao

KQKD 2023 và quý 1/2024 – Lợi thế từ nguyên liệu giá thấp

Trong năm 2023, BMP ghi nhận doanh thu đạt 5,2 nghìn tỷ đồng (-11% YoY), với sản lượng bán hàng (sản phẩm chính là ống nhựa cho hoạt động xây dựng) ở mức thấp và đạt 87 nghìn tấn (-11% YoY, hiệu suất hoạt động đạt 58%), do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường BĐS dân dụng tương đối trầm lắng. Biên lợi nhuận gộp tăng 13 điểm phần trăm (lên 41%) nhờ (1) Ổn định giá bán sản phẩm nhờ thị phần dẫn đầu tại thị trường miền Nam và ít chịu sức ép cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu trong khi (2) Giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là hạt nhựa PVC) giảm mạnh về mức USD 835/tấn (-25% YoY). Nhờ vậy, dù chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) tăng mạnh và đạt 783 tỷ đồng (+24% YoY), lợi nhuận sau thuế (LNST) vẫn ghi nhận tăng trưởng và đạt 1.041 tỷ đồng (+50% YoY).

Trong quý 1/2024, doanh thu giảm hơn 30% so với cùng kỳ xuống 1.003 tỷ đồng do sản lượng bán hàng vẫn ở mức thấp, đạt 17 nghìn tấn (-31% YoY, -30% QoQ), cho thấy nhu cầu nội địa còn khá yếu. Tuy nhiên, biên GPM duy trì ở mức cao (42,4%, khi giá hạt nhựa PVC giao dịch ở mức thấp, USD 783/tấn), lợi nhuận gộp đạt 425 tỷ đồng (-28% QoQ, -23% YoY). Trong kỳ, do Công ty duy trì chính sách hỗ trợ cho đại lý và khách hàng lớn, tỷ lệ chi phí SG&A/doanh thu giữ ở mức cao, khoảng 18% so với mức 13% của Q1/2023. Kết quả là LNST quý 1 giảm 32% YoY xuống 190 tỷ đồng (-26% QoQ).

Cho quý 2/24, chúng tôi ước tính doanh thu và LNST lần lượt đạt 1.153 tỷ đồng (-14% YoY, +15% QoQ) và 202 tỷ đồng (-32% YoY, +6% QoQ); khi sản lượng bán hàng kì vọng đạt 19,6 nghìn tấn (+15% QoQ) nhưng GPM giảm về 40% do ảnh hưởng của giá nguyên liệu tăng nhẹ lên USD 805/tấn (+3% QoQ).

Triển vọng 2024 – sản lượng hồi phục, lợi thế nguyên liệu giảm nhẹ

Cho năm 2024, chúng tôi kì vọng doanh thu tăng nhẹ so với 2023 theo sau sự phục hồi của sản lượng bán hàng, với:

  • Chúng tôi kì vọng các dự án BĐS dân dụng sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024, đi cùng với quá trình xây dựng và tăng nhu cầu nguyên vật liệu (bao gồm các sản phẩm thép và sản phẩm ống nhựa của BMP). Qua đó, sản lượng bán hàng có thể đạt 90 nghìn tấn (tăng 3,4% YoY), trong đó kỳ vọng nhu cầu nội địa có sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa sau 2024, khi bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm xây dựng. Với việc công ty chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán, doanh thu ước đạt 5.335 tỷ đồng (+3,4% YoY).
  • Về mặt nguyên liệu (hạt nhựa PVC), dù giá nguyên liệu đang ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2020-2024 và có xu hướng hồi phục, chúng tôi cho rằng giá hạt nhựa sẽ khó có thể quay về vùng giá trên USD1.000/tấn như giai đoạn 2021-2022 do: 1/ Tình trạng dư cung các nguyên vật liệu nhựa khi các Chính phủ cam kết giảm ô nhiễm rác thải nhựa; 2/ Giá dầu Brent (nguyên liệu đầu vào để sản xuất hạt nhựa) cũng đang neo ở mức giá trên USD 80/thùng. Qua đó cho năm 2024, với kịch bản giá hạt nhựa PVC giao dịch ở USD850/tấn (+2%YoY), biên GPM giảm nhẹ về 39,2% và lợi nhuận gộp đạt 2.089 tỷ đồng (-1,3%YoY).
  • Chúng tôi ước tính chi phí SG&A của doanh nghiệp đạt 810 tỷ đồng (+3,4%YoY) khiến lợi nhuận ròng năm 2024 có thể giảm 9% YoY xuống 949 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch kinh doanh. EPS 2024 là 10.549 đồng và chúng tôi kì vọng mức cổ tức cho 2024 là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi sử dụng các phương pháp để định giá cổ phiếu: DDM, FCFE và PE, với tỷ trọng lần lượt là 30%/40%/30% cho mỗi phương pháp. Các giả định quan trọng bao gồm: 1/ Chi phí vốn chủ sở hữu là 12,1%; và 2/ Tỷ lệ P/E là 10x, bằng với mức trung bình 5 năm, cho EPS 2024 theo phương pháp P/E. Do đó, giá trị hợp lý của chúng tôi là 104.000 đồng/cổ phiếu , tương ứng với tổng mức sinh lời +16% (Bao gồm cổ tức bằng tiền là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức là 10%). Cho nửa sau năm 2024, chúng tôi kì vọng công ty sẽ ứng trước cổ tức bằng tiền mặt là 5.000 đồng/cổ phiếu.

Điểm mua bán chi tiết trong tường cá nhân.
Nguyễn Duy Anh - Chứng khoán Rồng Việt - ID 001435

6 Likes