Theo thông tin từ Bộ Công thương, tuần qua, bộ đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội về Kế hoạch tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) năm 2024.
Kế hoạch này được xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc thống nhất Kế hoạch tuyên truyền trên cả nước về các FTA để bảo đảm tối đa hiệu quả tận dụng nguồn lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương cũng như của các hiệp hội, doanh nghiệp.
Kế hoạch năm nay sẽ tập trung 10 chủ đề trọng tâm, bao gồm: xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA; tuyên truyền về các nội dung liên quan phát triển bền vững theo các FTA; tuyên truyền thông tin thị trường và hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA; tuyên truyền về các chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng FTA; tuyên truyền về nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp tại thị trường FTA; hướng dẫn các cam kết trong các FTA; tham gia chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI; đào tạo nguồn nhân lực thực thi FTA; tận dụng nguồn nhập khẩu để gia tăng tỷ lệ tận dụng FTA và phổ biến, hướng dẫn các FTA mới ký kết, phê duyệt hoặc phê chuẩn.
Kế hoạch năm nay sẽ được cập nhật thường xuyên, công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.
Những nội dung kế hoạch năm nay chủ yếu là các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn do các bộ, ngành, các tỉnh, thành và các hiệp hội dự kiến triển khai trên cả nước. Và sẽ được cập nhật thường xuyên, công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương và Cổng thông tin về FTA của Chính phủ.
Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Phần lớn các FTA đều đã và đang phát huy tác dụng, nâng cao vị thế thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Việc thực thi có hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy sản xuất và cải thiện kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Thế nhưng, theo đánh giá của cơ quan chức năng, thực thi các FTA, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, tự vệ, chống bán phá giá tại các thị trường Việt Nam tham gia FTA. Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường này cũng sẽ tăng lên.
Vì thế, để thực thi hiệu quả các FTA, doanh nghiệp không chỉ học cách vận dụng mà còn phải hiểu về pháp luật và những yêu cầu về rào cản kỹ thuật.
Do vậy, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về thị trường và hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA là hết sức cần thiết. Việc xây dựng xuyên suốt kế hoạch, Bộ Công thương kỳ mong sẽ mang lại hiệu quả cao trong kế hoạch truyền thông dài hạn.