Trong báo cáo công bố cuối tháng 4, nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá cổ phiếu ngành hàng không diễn biến kém tích cực hơn thị trường chung trong năm 2023. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong những tháng đầu năm nay...
Phiên giao dịch ngày 7/5, cổ phiếu nhóm hàng không tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index. Theo đó, VJC của Vietjet tăng 4,6% lên 118.600 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng 3,5% lên 20.450 đồng/cổ phiếu.
Với việc tăng 4,6%, cổ phiếu VJC lại lập đỉnh mới trong 1 năm trở lại đây. Theo báo cáo tài chính, quý I doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 17,765 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ 2023. Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023. Với mức lợi nhuận này, Vietjet đã lấy lại "phong độ" thời kỳ trước dịch Covid-19.
Tương tự, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang ở vùng đỉnh 1 năm. ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng trong trạng thái tương tự. ACV đạt doanh thu thuần quý I 5.644 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi. Lợi nhuận sau thuế tăng 79% lên 2.917 tỷ. Vốn hóa ACV vượt 8 tỷ USD, chỉ còn xếp sau Vietcombank và BIDV.
Không riêng hai mã đầu ngành dậy sóng, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phụ trợ hàng không cũng khởi sắc trong những phiên gần đây. Cụ thể, cổ phiếu SAS của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) chốt phiên 7/5 tại 29.100 đồng, tăng mạnh 10,82% so với tham chiếu.
Cổ phiếu SGN thường xuyên dao động trong biên độ hẹp, nhưng qua 2 phiên đầu tuần này cũng ghi nhận mức tăng gần 3%, lên 74.500 đồng. Cổ phiếu AST của Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco phiên 7/5 thậm chí tăng kịch trần lên 63.000 đồng và nối dài mạch tăng 4 phiên liên tiếp.
Trong báo cáo công bố cuối tháng 4, nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá cổ phiếu ngành hàng không diễn biến kém tích cực hơn thị trường chung trong năm 2023 khi giảm 18%, trong khi VN-Index tăng 12%, chủ yếu do cổ phiếu ACV bởi mã này chiếm đến 58% vốn hoá của ngành.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong những tháng đầu năm nay nhờ thông tin tăng trần vé máy bay nội địa từ ngày 1/3 theo Thông tư số 34. Thông tư này tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu, thông qua việc điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa.
Theo dự báo của SSI Research, 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành, theo kịch bản cơ sở, chúng tôi giả định lượng hành khách quốc tế sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 vào quý cuối năm nay, trong khi lượng hành khách nội địa dự kiến đi ngang. Do đó, lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp ngành hàng không sẽ được cải thiện và quay trở lại mức trước dịch nhờ số lượng hành khách quốc tế tăng lên, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.
Đánh giá về cổ phiếu ngành này, SSI Research cho rằng định giá của các công ty hàng không đang khá cao so với khả năng sinh lời thấp. Các doanh nghiệp vận hành sân bay và dịch vụ sân bay như ACV , AST được xem là có định giá hợp lý hơn vì mức đóng góp kém tích cực của du lịch Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đang ở mức thấp. Tuy nhiên, hạn chế của các cổ phiếu này là tính thanh khoản thấp nên ít hấp dẫn với nhà đầu tư.
Nguyên Nam
https://kinhtechungkhoan.vn/bo-mat-moi-cua-co-phieu-hang-khong-233956.html