Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ thanh tra các tổ chức sản xuất vàng và phối hợp kiềm chế giá vàng, đảm bảo giá vàng để nền kinh tế phát triển một cách bền vững.
Sáng 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức buổi tiếp xúc với mặt trận các tổ chức thành viên thuộc Ủy ban Mặt trận tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Định trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính dự buổi tiếp xúc.
Tại đây, một vấn đề được cử tri tỉnh Bình Định quan tâm là giá vàng trong nước tăng đột biến. Vừa qua Nhà nước đã tổ chức xong các phiên đấu giá nhưng cứ sau mỗi phiên đấu giá thì giá vàng lại tăng. Cử tri tỉnh Bình Định đề nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ và các ngành đánh giá lại vấn đề quản lý giá vàng và công tác quản lý giá vàng.
Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, ngành tài chính rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề quản lý vàng.
Trả lời vấn đề cử tri tỉnh Bình Định quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá vàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Bởi khi hút lượng tiền lớn trong dân vào để mua vàng, đương nhiên nguồn vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh sẽ bị khan hiếm, đẩy lãi suất lên cao. Khi giá vàng lên cao cũng sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng.
"Việc buôn lậu vàng thì đương nhiên sử dụng đồng đô la, điều đó có nghĩa tỷ giá hối đoái đồng đô la tăng lên... dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ", ông Phớc nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, ngành tài chính rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề quản lý vàng. Do đó, hiện nay, đang thực hiện quyết liệt trong việc quản lý thị trường và giá vàng. Cụ thể, đối với cửa hàng bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử. Bộ Tài Chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép một người được mua bao nhiêu chỉ vàng và được sử dụng số tiền mặt nhất định, còn lại chuyển khoản. Điều này để an toàn cho người mua, kiểm soát việc rửa tiền.
"Tập trung chống buôn lậu ở các cửa khẩu. Tránh việc vàng nhập lậu vào trong nước. Tập trung thanh tra các tổ chức sản xuất vàng miếng, xem thử có dùng vàng nhập lậu để sản xuất vàng trang sức hay vàng miếng ra thị trường hay không?. Sau đó nghiên cứu các giải pháp như đưa vàng ra khỏi chính sách tiền tệ mà vàng xem như mặt hàng thương mại để ngang bằng với quốc tế theo cơ chế thị trường", ông Phớc nêu giải pháp.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đơn vị đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo giá vàng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan lĩnh vực thuế, lĩnh vực chống buôn lậu, kiềm chế giá vàng, đảm bảo giá vàng để nền kinh tế phát triển một cách bền vững.