Trong quý vừa qua nhóm Ngân Hàng công bố báo cáo kết quả kinh doanh có sự phân hóa không hề nhẹ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Cùng mình đi bóc tách về nhóm Ngành trên nha:
Trong bức tranh kinh tế với sự phân hóa rõ nét giữa các ngành nghề, nhóm ngân hàng nổi lên như một điểm sáng giữ được sự ổn định trong tăng trưởng, với mức trung bình 18% . Dẫu vậy, không phải tất cả cổ phiếu trong nhóm ngành này đều đồng nhịp tăng trưởng. Bên trong đó, những “gam màu xanh đỏ” đan xen, phản ánh sự khác biệt trong chiến lược và kết quả kinh doanh của từng ngân hàng.
Tuy nhiên, tăng trưởng âm chưa hẳn đã là xấu, và tăng trưởng cao cũng không phải lúc nào cũng là tốt . Đằng sau những con số cần được bóc tách là câu chuyện về chiến lược, sự thích nghi và tiềm năng cũng những con số tăng trưởng. Hãy cùng đi sâu hơn để khám phá bức tranh toàn diện về nhóm ngân hàng trong năm 2024.
Nhóm Ngân Hàng chuyên cho vay KH Cá Nhân - Tăng trưởng âm: Không phải lúc nào cũng đáng lo ngại
Những ngân hàng tập trung vào cho vay cá nhân mình sẽ bóc tách tập trung đại diện vào 3 bank ACB, TPBank, VIB để phân tích**.** Đây là nhóm đang đối mặt với những thách thức lớn trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng tiêu dùng chậm lại. Tuy nhiên, việc đánh giá các kết quả kinh doanh này cần phải dựa trên cái nhìn toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào con số tăng trưởng âm.
Lấy ví dụ từ kết quả kinh doanh quý III/2024 của ACB , tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Hình 1 thể hiện cơ cấu lợi nhuận của ACB trong quý III/2024. Nhưng cần lưu ý rằng:
- Thu nhập tín dụng vẫn duy trì tăng trưởng tích cực : Thu nhập từ hoạt động tín dụng đạt 6.881 tỷ đồng , tăng 10,8% so với cùng kỳ.
-
Chuyển đổi chiến lược tín dụng : ACB đang dịch chuyển sang nhóm khách hàng doanh nghiệp, dù biên lãi ròng (NIM) thấp hơn, nhưng đây là chiến lược cần thiết trong bối cảnh tiêu dùng cá nhân suy giảm.
Một yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận giảm sút là do quý III/2023, ACB ghi nhận khoản thu nhập đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (882 tỷ đồng ). Tất nhiên đây vẫn là những nguồn lợi nhuận lớn phát sinh không thường xuyên nên nếu loại bỏ yếu tố bất thường này, lợi nhuận của ngân hàng thực chất vẫn duy trì mức tăng trưởng khoảng 7%.
Và trong quý 4 này khoản thu nhập đột biến trên còn tăng lên một mức đáng kể với 1358 tỷ. Nó chắn chắn sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng của ACB trong quý này. Do vậy, khả năng, trên nền so sánh này, kết quả kinh doanh quý IV/2024 của ACB vẫn tiếp tục tăng trưởng âm.
Tương tự, tại TPBank , dù thu nhập từ tín dụng và dịch vụ tăng lần lượt 7,13% và 19,31% , nhưng khoản lỗ thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (âm 60,5 tỷ đồng ) đã kéo tổng thu nhập giảm 5,2% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 551,6 tỷ đồng.
Đối với VIB , ngân hàng này chịu ảnh hưởng mạnh hơn do tỷ lệ cho vay cá nhân cao nhất trong ngành. Điều này khiến biên lãi ròng giảm qua nhiều quý khi VIB phải tung ra các chương trình giảm lãi suất để kích cầu và chuyển dịch sang phân khúc doanh nghiệp.
Nhóm Ngân Hàng chuyên cho vay KH Doanh Nghiệp: Tăng trưởng cao nhưng chưa chắc hoàn toàn tích cực
Những ngân hàng tập trung vào cho vay khách hàng doanh nghiệp mình sẽ bóc tách tập trung đại diện vào 3 bank TCB và LPB. Đây là 2 trong số các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong bối cảnh tín dụng được khơi thông trở lại, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mọi thứ đều “hoàn hảo”.
Ví dụ, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2024 tăng 23,5%, đưa ngân hàng này vào top 3 toàn ngành. CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) 35%, cao thứ hai hệ thống sau MBB với tỷ lệ không vượt quá xa với 35.7% , nhờ dòng tiền từ các doanh nghiệp được khơi thông.
Tuy nhiên, dưới những con số ấn tượng này, có những thách thức tiềm ẩn:
Sụt giảm thu nhập dịch vụ : Tổng thu nhập từ dịch vụ quý III/2024 giảm còn 1.947 tỷ đồng , thấp hơn mức ổn định 2.000 tỷ đồng của các quý trước.
-
Chi phí bất thường từ hợp đồng bảo hiểm : Việc chấm dứt hợp tác với Manulife dẫn đến khoản chi bù 1.800 tỷ đồng , sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận quý IV/2024.
Tương tự, các ngân hàng như LPBank báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao lần lượt 135% . Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu tăng cao và mức bao phủ nợ xấu thấp đang là mối lo dài hạn, đặc biệt khi Thông tư 06 về giãn nợ hết hạn vào cuối năm nay.
Bên cạnh những con số sụt giảm trên ta cũng có thể thấy rõ một nền kinh doanh khá cao của LPB và TCB, đây là thách thức rất lớn đối với hai nhà băng trên nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như trong năm vừa rồi.
Cái nhìn toàn diện hơn
Những con số tăng trưởng âm hay cao không thể phản ánh đầy đủ hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nếu không đi sâu phân tích:
- Tăng trưởng âm (nhóm cho vay KH cá nhân) đôi khi xuất phát từ việc chuyển đổi chiến lược để tối ưu hóa dài hạn.
- Tăng trưởng cao có thể là kết quả của các yếu tố bất thường hoặc rủi ro tiềm ẩn trong chất lượng tài sản.
Điều quan trọng là cần bóc tách các yếu tố ngắn hạn, nhận diện rủi ro và đánh giá khả năng hoạt động bền vững của ngân hàng để đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Cá nhân chúng ta không nên bị dẫn dắt bởi con số bề nổi, mà cần tập trung vào tiềm năng dài hạn của từng ngân hàng.
Cá nhân mình vẫn sẽ ưu tiên nhóm bank tập trung cho vay cá nhân trong giai đoạn ít nhất là 1 năm tới. Nhóm bank cho vay DN đã có một năm nhìn chung tăng trưởng rất thành công về lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu. Nhưng trọng số trong thời gian tới mình sẽ đặt nặng vào bank cho vay KH cá nhân. Mình sẽ phân tích vì sao mình lại đặt trọng số vào bank cho vay cá nhân vào một bài viết gần nhất.
Bài viết với những con số được mình tham khảo của Anh Lê Hoài Ân.