Mỹ nhắm mục tiêu vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vì đây là lĩnh vực then chốt Mỹ muốn triệt tiêu trong dài hạn.
Dự án Arctic LNG-2 của Nga ở Bắc Cực. Ảnh: Arctic LNG-2
Tuần trước, việc tập đoàn dầu khí Novatek đình chỉ dự án Arctic LNG-2 hàng đầu của Nga tại Bắc Cực là thành quả mới nhất của Washington, nhưng rất khó có thể là thành tựu cuối cùng.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Tài nguyên Năng lượng Geoffrey Pyatt cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt quy định với các dự án năng lượng quan trọng khác của Nga.
Trang Oilprice chỉ ra 4 lý do chính khiến Mỹ sẽ không bao giờ ngừng nhắm mục tiêu vào lĩnh vực LNG của Nga.
Lý do đầu tiên là LNG đã trở thành nguồn năng lượng xoay chiều quan trọng nhất trong một thế giới ngày càng bất ổn. Không giống như dầu hoặc khí được vận chuyển qua đường ống, LNG không cần nhiều thời gian và chi phí lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển.
Khi khí đã được chuyển đổi thành LNG, nó có thể được vận chuyển và di chuyển đến bất cứ đâu trong vòng vài ngày và được mua thông qua các hợp đồng ngắn hạn, dài hạn hoặc ngay lập tức trên thị trường giao ngay.
Khoảng một năm trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraina, Trung Quốc đã thấy trước tầm quan trọng của sự phụ thuộc năng lượng toàn cầu. Vì vậy, bắt đầu từ tháng 3.2021, một thỏa thuận mua bán 10 năm đã được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Qatar Petroleum (QP) với công suất 2 triệu tấn LNG mỗi năm.
Việc Trung Quốc tích trữ LNG trước xung đột Nga - Ukraina năm 2022 có nghĩa là châu Âu - vốn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt và dầu mỏ của Nga - sẽ càng gặp nguy hiểm hơn nếu những nguồn cung này đột ngột dừng lại.
Nga kỳ vọng châu Âu sẽ không làm gì quá mức để trừng phạt hành động quân sự của mình. Điện Kremlin gần như đúng trong tính toán, khi Đức - nền kinh tế hàng đầu EU - chỉ quan tâm đến việc đảm bảo sự liên tục của nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga vào năm 2022 bằng mọi giá.
Việc này chỉ dừng lại khi Mỹ với sự hỗ trợ của Anh ở châu Âu và Trung Đông nỗ lực thiết lập nguồn cung LNG khẩn cấp mới từ nơi khác.
Quyết tâm không bao giờ cho phép các quốc gia EU khuất phục trước Nga do quá phụ thuộc vào năng lượng của Mátxcơva là lý do thứ hai khiến Mỹ tiếp tục nhắm mục tiêu không thương tiếc vào lĩnh vực LNG của Nga.
Dự án LNG Sakhalin-2 ở Viễn Đông, Nga. Ảnh: Sakhalin-2
Lý do thứ ba, xuất khẩu năng lượng vẫn là nền tảng cơ bản của nền kinh tế dầu mỏ của Nga và nước này đang có ý định cân bằng việc giảm thu nhập từ dầu và khí đốt qua đường ống và gia tăng nguồn cung LNG.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vào tháng 11 năm ngoái, Nga dự định tăng thị phần LNG lên 20% (ít nhất 100 triệu tấn mỗi năm) vào năm 2030, từ mức 8% (khoảng 33 tấn) vào năm 2023.
Nga đã kiếm được gần 100 tỉ USD từ xuất khẩu dầu khí trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, khi giá dầu khí bắt đầu suy yếu trở lại và các lệnh trừng phạt ngày càng tấn công Nga, nguồn tài chính của Mátxcơva giảm đáng kể.
Một lần nữa, tổn thất LNG của Nga do các lệnh trừng phạt sẽ là lợi ích cho Mỹ và những nhà cung cấp LNG mà nước này coi là đồng minh, hiện bao gồm cả Qatar.
Lý do cuối cùng khiến Washington quyết tâm tiêu diệt ngành LNG của Nga trong dài hạn vì đây là ngành có mối liên hệ rất chặt chẽ với cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Từ lâu, ông đã coi LNG - đặc biệt là từ nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ của đất nước ở Bắc Cực - là chìa khóa cho giai đoạn tăng trưởng năng lượng quan trọng tiếp theo của Nga, thay vì dầu và khí đốt đá phiến đối với Mỹ.
Khu vực Bắc Cực của Nga có trữ lượng hơn 35.700 tỉ mét khối khí đốt, hơn 2.300 triệu tấn dầu và khí ngưng tụ.
Ông Putin tuyên bố, trong vài năm tới Nga sẽ đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực này và trước mắt là xây dựng Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) - với tư cách là vận tải chính để kiếm tiền từ các nguồn tài nguyên này trên thị trường dầu khí toàn cầu, đặc biệt là với đồng minh tài chính và địa chính trị quan trọng của nước này là Trung Quốc.
https://laodong.vn/the-gioi/bon-ly-do-khien-my-quyet-tam-triet-ha-lng-cua-nga-1334533.ldo