- Cước vận tải biển đang giảm nhanh
Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải SCFI vào ngày 9-9-2022 được ghi nhận giảm 10% so với một tuần trước đó, và giảm xấp xỉ 50% so với mức kỷ lục ghi nhận hồi đầu năm nay. Theo trang tin Lloyd’s List, giá cước vận chuyển container tuyến Á – Âu đã lùi về mức được ghi nhận vào tháng 3-2021, trong khi với tuyến xuyên Thái Bình Dương (từ châu Á đến bờ Tây Mỹ), giá cước đã về mức thấp chưa từng thấy kể từ thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Bình luận về nguyên nhân dẫn đến cước vận chuyển đang giảm, chuyên gia Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Vespucci Maritime cho biết, hiện nay hiệu ứng thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng đang giảm dần dẫn đến công suất vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, triển vọng tiêu dùng suy giảm tại Bắc Mỹ và châu Âu do lạm phát, tình trạng ngưng trệ sản xuất trên diện rộng tại Trung Quốc vẫn tiếp tục do chính sách kiểm soát Covid-19 và thiếu điện do mực nước thấp trên sông Trường Giang. Tất cả những yếu tố này góp phần kéo mức cước giảm xuống. Lượng tàu mới được bổ sung vào thị trường trong năm 2022 cũng góp phần lớn làm giảm áp lực về cung dịch vụ. Theo Alphaliner thì trong bảy tháng đầu năm 2022, có 91 tàu container mới được đưa vào khai thác với tổng sức chở lên đến gần 512.000 TEU.
Trong bối cảnh cước vận chuyển container giao ngay đang giảm, các hãng tàu chịu nhiều áp lực từ phía các chủ hàng để thương lượng lại cước vận chuyển theo hợp đồng đã ký từ trước đó khi giá cước vận chuyển vẫn đang cao.
Cùng với đó, không phải hãng tàu nào cũng sở hữu tất cả các con tàu mà họ vận hành. Các hãng lớn luôn đi thuê số lượng tàu nhất định để khai thác. Chính vì vậy, chi phí thuê tàu luôn chiếm một phần lớn trong chi phí hoạt động của các hãng tàu. Khi giá cước vận chuyển đột ngột giảm nhanh, chính các hãng tàu cũng phải đàm phán lại với các chủ tàu về cước thuê tàu để tránh khả năng bị lỗ.
- Cước vận tải biển giảm nhanh, ngành nào được lợi?
Rõ ràng có thể thấy rằng việc cước vận tải biển giảm nhanh từ đỉnh giá cũ trước tiên sẽ là ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm ngành cảng biển, vận tải biển thế giới cũng như trong nước. Việc giá cước giảm mạnh khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng biển sụt giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh giá cước. Từ đó, cổ phiếu của nhóm ngành càng biển như GMD HAH VSC … cũng sẽ có thể không còn hấp dẫn với đa số nhà đầu tư.
Vậy đâu là nhóm ngành được lợi khi giá cước vận tải biển hạ nhiệt? Đó chính là nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu bởi khi giá cước vận tải biển giảm thì chi phí sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được giảm và biên lợi nhuận có thể tăng. Cùng với đó, từ khi nhiều quốc gia trên thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng đã tăng trưởng mạnh trở lại để kịp đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng của các thị trường thế giới.