Nhóm người tiêu dùng Mỹ có thu nhập cao tiếp tục vung tiền chi tiêu cho những nhu cầu tốn kém như du lịch, nhưng nhóm người thu nhập thấp đang chật vật kiếm sống, phải vay nợ khẩn cấp để trang trải chi phí sinh hoạt. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang phục hồi phân nhánh theo hình chữ “K” ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Nhóm người Mỹ có thu nhập cao tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ cho các sở thích tốn kém như du lịch, nhưng nhóm người Mỹ có thu nhập thấp đang chật vật chi trả chi phí sinh hoạt đang tăng lên. Ảnh: Getty
Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi hình chữ “K”
Hãng thẻ American Express đang tiếp tục chứng kiến khách hàng mở thẻ tín dụng có mức phí thường niên cao và sẵn sàng chi tiêu những khoản lớn. Nhưng nhu cầu vay các khoản tiền nhỏ ở nền tảng cho vay Upstart cũng tăng mạnh khi những người Mỹ túng thiếu tìm cách trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản.
Điều đó vẽ nên một bức tranh phân cực sâu sắc giữa các nhóm người tiêu dùng với mức thu nhập khác nhau Mỹ. Thực trạng này củng cố quan điểm ngày càng phổ biến cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trải qua quá trình phục hồi hình chữ “K” kể từ khi kết thúc đại dịch Covid-19. Trong quá trình này, các tầng lớp có thu nhập cao hơn được hưởng nhiều nhất và những người Mỹ có thu nhập thấp hơn phải chật vật kiếm sống lộn hoặc tụt lại phía sau.
Bối cảnh phức tạp của nền kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào cho đến việc người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Quan trọng hơn hết, một số chuyên gia lo ngại đà phục hồi hình chữ K sẽ đe dọa nền kinh tế tưởng như kiên cường của Mỹ.
“Người tiêu dùng của chúng tôi đang chi tiêu mạnh mẽ. Chắc chắn họ đang tận hưởng cuộc sống. Chi tiêu của khách hàng cho các chuyến bay và ăn tiệm tăng lên đáng kể”, Christophe Le Caillec, Giám đốc tài chính của American Express nói với hãng tin CNBC vào tháng trước.
Người tiêu dùng điển hình của American Express là những người giàu có, vẫn chi tiêu ổn định khi đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng. Hơn 3 triệu thẻ tín dụng mới, với một số loại thẻ có phí lên tới hàng trăm đô la Mỹ được American Express phát hành trong quí gần nhất. Chủ thẻ ở Mỹ tăng chi tiêu 8% trong quí vừa qua.
Trong quí 1, chi tiêu đi lại hàng không của các chủ thẻ của American Express tăng 9% so với quí trước, cho thấy họ tiếp tục sẵn sàng chi trả cho các trải nghiệm du lịch.
Nhưng hành vi khách hàng của Upstart vẽ nên một bức tranh khác về nền kinh tế. Hôm 7-5, nền tảng cho vay này báo cáo số lượng giải ngân khoản vay lên tới 2.500 đô la tăng 80% trong quí đầu tiên. Theo Blair Lanier, Giám đốc sản phẩm cao cấp của Upstart, những khoản vay này được sử dụng để trang trải các chi phí như tiền thuê nhà và các hóa đơn sinh hoạt thông thường khác.
Lanier cho biết, những người nhận các khoản vay này có nhiều khả năng là người có thu nhập thấp và không có bằng tốt nghiệp trung học.
“Hai năm qua chứng kiến một sự kiện rất khác biệt và bất thường trong nền kinh tế vĩ mô của Mỹ. Tôi không ngạc nhiên khi nhu cầu hiện tại đối với một sản phẩm như thế này tăng đáng kể”, Lanier nói.
Theo dữ liệu của của Ngân hàng dữ trữ liên bang khu vực San Francisco, người tiêu dùng Mỹ đã tiêu sạch 2.100 tỉ đô la Mỹ tiền tiết kiệm tích lũy từ đầu đại dịch Covid-19 và hiện đang nợ lũy kế 72 tỉ đô la, tính đến tháng 3. Ảnh: frbsf.org
Người Mỹ tiêu sạch 2.100 tỉ đô la tiền tiết kiệm
Những người Mỹ chuyển sang sử dụng các khoản vay vi mô của Upstart đang chịu áp lực tài chính ngày càng tăng. Sự kết thúc của chương trình kích thích tài chính thời đại dịch Covid-19 cùng với việc nối lại thanh toán khoản vay dành cho sinh viên đã bào mòn số tiền tiết kiệm mà nhiều người Mỹ tích lũy từ đầu đại dịch. Chi phí xăng tăng có thể đặc biệt gây khó khăn cho những người Mỹ không có đặc quyền làm việc từ xa. Trái lại, người tiêu dùng có thu nhập cao cảm nhận cuộc sống dễ dàng hơn giá nhà tăng và sức mạnh của thị trường chứng khoán.
Các hộ gia đình có thu nhập thấp chiếm phần lớn dân số Mỹ. Điều này giúp giải thích cho tâm lý bi quan phổ biến của người tiêu dùng ngay cả khi kinh tế tăng trưởng tốt hơn mong đợi. Theo dữ liệu chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ do Đại học Michigan khảo sát, giảm hơn 12% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 do kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong tương lai tăng lên. Chỉ số này thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy giảm của chỉ số này diễn ra vào thời điểm lượng tiền mặt tiết kiệm của người tiêu dùng cạn kiệt. Theo dữ liệu của Ngân hàng dữ trữ liên bang khu vực San Francisco, số tiền tiết kiệm dư thừa của người Mỹ đạt đỉnh 2.100 tỉ đô la vào tháng 8-2021. Nhưng họ đã tiêu sạch số tiền này trong những năm tiếp theo khi căng thẳng tài chính ngày càng gia tăng. Các hộ gia đình ở Mỹ hiện có khoản nợ lũy kế 72 tỉ đô la, tính đến tháng 3.
Đồng thời, chi phí cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đang tăng lên. Dù tốc độ lạm phát hạ nhiệt so với mức cao nhất trong nhiều thập niên trong những năm gần đây, giá cả vẫn tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn mức mà các nhà hoạch định chính sách của Fed xem là lành mạnh đối với nền kinh tế.
Với những yếu tố này, các nhà kinh tế cảm thấy khó hiểu trước xu hướng chi tiêu tiếp tục gia tăng. Nhưng cuối cùng, dấu hiệu chi tiêu chậm lại cũng đã xuất hiện ở một loạt thương hiệu mà nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp thường lui tới.
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald báo cáo doanh thu quí 1 thấp hơn dự kiến do thực khách chi tiêu ít hơn. Nhà sản xuất đồ uống và đồ ăn nhẹ PepsiCo thừa nhận người Mỹ thu nhập thấp đang bị “căng thẳng”.
Hãng thực phẩm đông lạnh Tyson Foods chứng kiến người tiêu dùng chuyển sang ăn uống tại nhà nhiều hơn là đến các nhà hàng mà hãng cung cấp thực phẩm. Nhà cung cấp dữ liệu thị trường Adobe Analytics nhận thấy hành vi chuyển sang mua hàng giá rẻ trực tuyến trong 4 tháng qua ở nhiều danh mục gồm chăm sóc cá nhân, điện tử, may mặc, đồ nội thất và hàng tạp hóa. Nền tảng bán nội thất trực tuyến Wayfair cho biết doanh số của các mặt hàng có giá trị lớn đặc biệt suy yếu.
Kịch bản “hạ cánh mềm” bị đe dọa
Thị trường lao động nóng và tiền lương tăng được xem là các yếu tố lạc quan cho triển vọng tiêu dùng của Mỹ. Nhưng báo cáo việc làm yếu đáng kinh ngạc trong tháng trước và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt gần đây có thể báo hiệu những bất ổn sắp tới.
“Chúng tôi thấy người tiêu dùng Mỹ có thu nhập thấp thận trọng hơn nhiều. Họ đang cảm thấy nhiều áp lực hơn về chi phí sinh hoạt vốn ngày càng cao. Vì vậy, dù họ có việc làm nhưng mức trả nợ vẫn cao hơn trước đây”, Jane Fraser, CEO của ngân hàng Citigroup nói.
Fraser là một trong số những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế học chỉ ra hiện tượng phục hồi hình chữ “K” trong hành vi tiêu dùng ở Mỹ. Trong môi trường này, tầng lớp thượng lưu tiếp tục chi tiêu, trong khi những người có thu nhập kém hơn phải vật lộn với mức giá cả và lãi suất cao.
Nói cách khác, người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao là những người “lạc quan”, trong khi niềm tin của người tiêu dùng có thu nhập thấp đang ở trong “vùng suy thoái”. Đây là nhận định của Nancy Lazar, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng đầu tư Piper Sandler. Bà cho rằng, sự khác biệt này có thể làm tiêu tan hy vọng về kịch bản “hạ cánh mềm”, với lạm phát được kiềm chế mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào thời kỳ suy giảm kéo dài.
Tyler Schipper, giáo sư kinh tế của Đại học St. Thomas lưu ý, người Mỹ có thu nhập thấp đã cảm thấy áp lực tài chính từ trước đại dịch. Các dữ liệu về việc nhiều thương hiệu điều chỉnh giá bán hoặc người tiêu dùng chuyển sang mua sắm hàng giá rẻ có thể là tin tốt cho Fed khi cơ quan này đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy làn sóng tăng lãi suất trước đây đã có tác dụng thắt chặt nền kinh tế.
Theo CNBC, Fortune
https://thesaigontimes.vn/buc-tranh-hai-mat-cua-nen-kinh-te-tieu-dung-my/