Trong 529 triệu USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) Việt Nam gần đây, doanh nghiệp ngành y tế, dược phẩm chiếm lượng đầu tư lớn nhất với 184 triệu USD. Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn diễn ra từ năm ngoái đến năm nay cho thấy tiềm năng hút vốn của ngành y dược.
Cái "bắt tay" giữa IHH Healthcare và Long Châu khiến thị trường chăm sóc sức khoẻ sôi động từ đầu năm. Ảnh: Minh Thông.
Sôi động từ đầu năm
Thị trường M&A ngành y dược Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm 2024 với thương vụ "bắt tay" hợp tác chiến lược giữa FPT Long Châu và tập đoàn IHH Healthcare Singapore hồi cuối tháng 1.
Giá trị thương vụ hợp tác không được tiết lộ. Song, đây được xem là bước khởi đầu, đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam của một trong những tên tuổi của ngành chăm sóc sức khoẻ châu Á, IHH Healthcare Singapore. Trước đó, trong năm 2023 hai ông lớn khác cũng đến từ Singapore là Thomson Medical và Raffles Medical đã công bố những thoả thuận mua cổ phần, hợp tác chiến lược toàn diện với Bệnh viện FV và Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) của Việt Nam.
Tập đoàn này được biết đến là một trong những "tên tuổi" của ngành y tế Châu Á, với hệ thống 83 bệnh viện và cơ sở y tế trải dài ở 10 quốc gia như Malaysia, Singapore, Ấn Độ, châu Âu...
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, kết thúc năm 2023, IHH Healthcare có doanh thu hơn 20,93 tỷ ringgit, tương đương 4,3 tỷ USD (hơn 107.000 tỷ đồng). Lãi trước thuế khoảng 4,6 tỷ ringgit, tương đương 1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng). Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này cả năm 2022 là 3,4 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.
Trả lời báo chí, ông Peter Chow, Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn IHH Singapore cho biết, IHH Healthcare lựa chọn "bắt tay" với FPT Long Châu thay vì một thương vụ M&A vì yếu tố công nghệ.
"Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu FPT Long Châu đạt được với vị thế đơn vị bán lẻ dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Thông qua hợp tác với doanh nghiệp, IHH sẽ hiểu rõ thị trường chăm sóc sức khoẻ đặc thù của Việt Nam. FPT Long Châu sở hữu lợi thế công nghệ vững mạnh, một điểm chung với IHH. Công nghệ là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường chăm sóc sức khoẻ hiện nay. Chúng tôi sẽ thận trọng, đi từng bước với xuất phát điểm là các dịch vụ tư vấn, chia sẻ kiến thức. Từ đó xác định mô hình kinh doanh phù hợp, thay vì đưa nguyên mẫu những gì đã làm ở nơi khác để áp dụng tại Việt Nam", ông Peter Chow nhấn mạnh.
Ngành y tế hút đầu tư
Theo ông Peter Chow, làn sóng các tập đoàn y tế hàng đầu khu vực đổ bộ về Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường. Việt Nam có nền kinh tế đang trên đà phát triển, với những chính sách thu hút đầu tư cởi mở từ chính phủ cũng như sự kỳ vọng tăng chất lượng dịch vụ y tế từ người dân.
Đại diện IHH Healthcare phân tích, cơ cấu dân số gìa (cứ 4 người sẽ có 1 người từ 65 tuổi trở lên), khiến nền y tế của Singapore phát triển mạnh và sớm, sau đó, là làn sóng chuyển dịch tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Ông Chow cho rằng, thách thức của ngành y tế Việt Nam nói riêng và nhiều khu vực khác nói chung chính là giá dịch vụ y tế. Muốn phát triển, phải giải quyết được bài toán chi phí y tế, sao cho phù hợp với đại đa số người dân bản địa.
Trong khi đó, dữ liệu từ Báo cáo thị trường M&A của BDA Partners cho thấy, ngành y tế, chăm sóc sức khoẻ là một trong những ngành có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, khi có tới 15 thương vụ diễn ra trong năm 2023 với tổng giá trị được công bố đạt gần 765 triệu USD.
Giá trị giao dịch trung bình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2023 tăng so với năm trước (trung bình khoảng 100 USD năm 2023 so với con số 65 triệu USD năm 2022).
BDA Partners chỉ ra, những yếu tố giúp thị trường này tăng cả chất lượng lẫn số lượng thương vụ M&A là nhờ các yếu tố chính như nhận thức về sức khỏe của người dân được nâng cao hơn, cùng với đó là sự ổn định và khả năng chống chọi trước suy thoái kinh tế, các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu trong khi nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ...
Dữ liệu từ Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures mới công bố cho thấy, năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với 2022. Điều này chứng tỏ, đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu.
Đáng chú ý, lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục năm qua, tăng vọt 391% so với cùng kỳ 2022, đạt 184 triệu USD. Trong khi, startup giáo dục nhận được 67 triệu USD, tăng 107%, mức cao nhất từ trước đến nay. Ngành tuyển dụng và du lịch - khách sạn cũng thu hút vốn đáng kể, lần lượt tăng 305% và 132%.
Năm qua, Singapore là quốc gia dẫn đầu hoạt động rót vốn vào startup Việt Nam, tiếp theo là các nhà đâu tư nội địa. Tại Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ lẫn giá trị đầu tư, sau Singapore và Indonesia.
Trong 10 năm, từ 2014 - 2023, hơn 4,6 tỷ USD được "rót" vào các startup của Việt Nam, thông qua 835 thương vụ. Trong đó, năm 2021 chứng kiến 165 thương vụ rót hơn 1,44 tỷ USD, được xem là năm hút vốn nhiều nhất.
Bên cạnh yếu tố thị trường, lý do khiến các công ty y dược nói chung và các startup ngành này nói riêng nhận được sự quan tâm đầu tư là vì công nghệ.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC đánh giá, thị trường trăm triệu dân đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ trong khu vực những năm gần đây. Điều này nhờ nền kinh tế số chứng kiến sự tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào 2022 và 2023.
"Giữa những vấn đề không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, sáng tạo công nghệ đã trở thành một nhân tố quan trọng đẩy mạnh sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam", ông Huy nhận định.
Liên Thượng
https://nhadautu.vn/bung-no-lan-song-ma-nganh-y-duoc-d85451.html