Bước ngoặt trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam

Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới.

Chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch

Sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện đã Chính phủ được phê duyệt vào tháng 5/2023.

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 KV trở lên; phát triển công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đến năm 2050, gồm các công trình liên kết lưới để xuất nhập khẩu điện với các nước.


Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII nêu rõ cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5% - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.

Quy hoạch điện VIII cũng đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Theo đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 30 -39,2% vào năm 2030. Tỉ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng 67,5% - 71,5% vào năm 2050.

Quy hoạch điện VIII đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.

Quy hoạch cũng xác định đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, ngoài khơi và điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh - nhìn nhận, các mục tiêu rõ ràng được nêu trong Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là về chuyển đổi năng lượng, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện, giúp giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam.

Ông Sơn cho rằng, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, thực hiện các cam kết về biến đối khí hậu của Việt Nam như phát thải ròng bằng không (net zero) hoặc Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Cần giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”.

Trước tính cấp bách và khẩn trương trong việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, theo ông Doanh, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Song trước hết, TS. Lê Đăng Doanh đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn. Đồng thời cần lập nhóm tổng hợp gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế - năng lượng… để cùng phối hợp giải quyết.

“Mặt khác, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác”, ông Doanh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nói rằng, nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế.

“Chúng ta phải xác định rõ, nếu áp dụng như vậy thì hai vấn đề sẽ xảy ra đó là EVN thua lỗ và phá sản, hoặc Nhà nước phải cấp bù phần giá chênh, hoặc phải có chính sách giảm thuế, giảm phí… làm sao để đảm bảo EVN không bị lỗ do giá bán thấp hơn giá mua. Phải có chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Giá đầu vào do thị trường quyết định, còn giá đầu ra do Nhà nước ấn định thì muôn đời không làm được”, ông Thoả nêu quan điểm.

Do vậy, ông Thoả đề nghị sớm sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả với điện khí và điện gió.

Ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất

Tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) giữa tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong Quy hoạch điện VIII có mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện nay khoảng 80.000 MW), đến năm 2050, tổng công suất đặt gấp khoảng 4 lần hiện nay.

Bộ trưởng đánh giá, từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn. Việt Nam vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. “Như vậy ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Nguyễn Thu Huyền

Link gốc

https://www.nguoiduatin.vn/buoc-ngoat-trong-chuyen-dich-nang-luong-cua-viet-nam-a661146.html