Bước vào hôn nhân cùng 1 khoản nợ tín dụng đã dạy tôi 3 bài học đắt giá về cách quản lý tiền bạc

Sau khi chồng đột ngột qua đời, người phụ nữ này mới nhận ra việc kiểm soát nợ nần và duy trì sự an tâm tài chính là vô cùng quan trọng.

*Dưới đây là chia sẻ của Allison Nichol Longtin về những bài học liên quan tới chuyện tiền bạc mà cô đã ngộ ra, sau sự ra đi đột ngột của người bạn đời. Allison mở đầu bài đăng của mình bằng một lời tự thú: Tôi đã mắc nhiều sai lầm trong việc chi tiêu và cũng đã phải trả những cái giá rất đắt.

Tôi và Remi gặp nhau khi tôi đang là sinh viên tại một trường Đại học ở Montreal (Canada). Remi hơn tôi sáu tuổi. Ở thời điểm chúng tôi mới quen, anh ấy đã có bằng Tiến sĩ, còn tôi mới chỉ là một cô sinh viên năm 2. Hẹn hò được hơn một năm, tôi quyết định sẽ cùng Remi tới Thụy Điển để sinh sống và làm việc.

Tuy nhiên, vì không xin được thị thực để ở lại Thụy Điển như dự định, tôi đành phải liên tục di chuyển giữa 2 đất nước (Canada và Thụy Điển). Chi phí đi lại ngốn của tôi cả đống tiền. Tôi trở thành một con nợ tín dụng vì thế.

Sau đó khoảng 3 năm, tôi và Remi kết hôn. Trong suốt 11 năm hẹn hò và chung sống, anh ấy đã giúp tôi hình thành nhiều thói quen tốt trong việc quản lý tài chính cá nhân, cũng như xử lý các khoản nợ. Dù Remi không còn ở bên cạnh tôi nữa, nhưng chắc chắn, 3 bài học mà anh ấy đã dạy cho tôi sẽ theo tôi suốt cuộc đời.

1 - Không trì hoãn việc trả nợ thẻ tín dụng

Tôi tin đây là điều tất cả chúng ta đều biết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Bản thân tôi cũng vậy, tôi nợ thẻ tín dụng gần nửa thập kỷ. Phải đến năm 2013, tôi mới thực sự có thể “gạt bỏ gánh nặng này”.

Những năm trước đó, tôi chỉ thực hiện những khoản thanh toán tối thiểu, nghĩa là tôi chỉ trả được phần lãi và không trả được 1 đồng tiền nợ gốc. Khi tôi xin được thị thực để ở Thụy Sĩ làm việc, Remi và tôi đã cùng nhau lập một kế hoạch thanh toán dư nợ tín dụng, để nhanh chóng trả hết khoản nợ này và đóng thẻ.

Remi không ngại hỗ trợ tôi toàn bộ chi phí sinh hoạt để tôi dành hết tiền lương của mình vào việc trả thẻ.

Điều quan trọng ở đây là tôi đã dám thành thật với chồng mình về khoản nợ tôi đang có, và cả hai chúng tôi đều tin rằng việc dồn mọi nguồn lực tài chính có thể để trả nợ tín dụng, sẽ có lợi hơn cho chúng tôi. Việc anh ấy phải lo toàn bộ chi phí sống của hai người chỉ là tạm thời mà thôi.

Đến giờ nghĩ lại, nếu có một lời khuyên, tôi mong mọi người đừng bao giờ mắc nợ tín dụng. Trong trường hợp chuyện ấy đã xảy ra, hãy dồn toàn bộ nguồn lực tài chính để tập trung trả nợ.

2. Tiết kiệm, chi tiêu có kỷ luật

Trước khi gặp Remi, tôi không có thói quen lập ngân sách chi tiêu. Tôi luôn cảm thấy lo lắng về chuyện tiền bạc, tôi sợ mình không có đủ tiền ăn uống, bất an vì các khoản nợ sinh viên. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở việc lo lắng mà thôi. Tôi hoàn toàn không có bất kỳ động thái nào để xử lý triệt để cảm giác âu lo ấy.

Remi thì khác. Anh ấy biết cách cân bằng mọi khoản chi cũng như có kỹ năng quản lý tiền bạc rất tốt.

Ngay khi nhận lương, Remi sẽ chuyển một phần tiền vào tài khoản tiết kiệm. Với số còn lại, anh ấy chi tiêu rất kỷ luật: Ghi chép lại mọi khoản chi dù là nhỏ nhất, tổng hợp số tiền mình đã tiêu vào cuối ngày để cân đối ngân sách chi tiêu cho ngày hôm sau hoặc những ngày còn lại trong tháng.

Nhờ có Remi, tôi cũng bắt đầu biết tiết kiệm, ghi chép chi tiêu mỗi ngày và cảm thấy việc này hoàn toàn không nhàm chán như tôi vẫn nghĩ.

3 - Luôn kiểm tra lại sao kê thẻ tín dụng hàng tháng

Năm 18 tuổi, khi đang loay hoay học cách sống tự lập, tôi đã bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng nhiều lần. Tôi thậm chí còn không nhận ra điều đó cho đến khi ngân hàng thông báo cho tôi về khoản thanh toán kỳ lạ.

Có lần, một nhân viên tín dụng đã gọi cho tôi và hỏi "Cô Nichol, cô không có xe hơi, vậy tại sao thẻ tín dụng của cô lại có nhiều hóa đơn đổ xăng trên khắp cả nước như vậy?”. Lúc đó, tôi mới biết thẻ tín dụng của mình đã bị đánh cắp thông tin và cả tiền.

Chuyện này chỉ thực sự chấm dứt sau khi Remi cùng tôi quản lý tài chính. Khi nhận được sao kê thẻ tín dụng, anh ấy sẽ đối chiếu từng dòng với từng khoản chi trong file ghi chép chi tiêu cá nhân, để đảm bảo không có một lần quẹt thẻ nào “từ trên trời rơi xuống”.

Remi luôn nhắc nhở tôi rằng đừng bao giờ ỷ lại vào thông báo của ngân hàng, không được phép bỏ qua bước đối chiếu vì rất có thể ngân hàng cũng có khi nhầm lẫn, ai mà biết được.

Ngọc Linh

Link gốc

https://markettimes.vn/buoc-vao-hon-nhan-cung-1-khoan-no-tin-dung-da-day-toi-3-bai-hoc-dat-gia-ve-cach-quan-ly-tien-bac-55814.html