BWE triển vọng 2024

Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (BWE – sàn HOSE): Sản lượng nước thương phẩm tiếp tục tăng và khối lượng rác thải phục hồi nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp ở tỉnh Bình Dương khởi sắc; Tăng thêm khách hàng mới nhờ 1) đầu tư tăng đường ống nước và nâng công suất nhà máy xử lý rác thải và 2) dân số và tỷ lệ đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương được dự báo tiếp tục gia tăng; Triển vọng dài hạn sẽ đến từ các công ty liên kết.

BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần năm 2023 của BWE lần lượt đạt 3.444 tỷ đồng (giảm 1% so với năm trước) và 711 tỷ đồng (giảm 4%)chủ yếu đến từ: Doanh thu xử lý rác thải và nước thải giảm lần lượt 8% và 36% do hoạt động sản xuất ở Bình Dương bị đình trệ, được bù đắp bởi doanh thu cung cấp nước sạch tăng 9% nhờ hợp nhất doanh thu công ty con; và chi phí lãi vay tăng 70% do dư nợ tăng và môi trường lãi suất cao.

Doanh thu và lợi nhuận thuần năm 2024 của BWE dự báo sẽ đạt 3.725 tỷ đồng (tăng trưởng 8% so với năm trước) và 758 tỷ đồng (tăng trưởng 7%). Doanh thu nước sạch, xử lý rác thải, nước thải tăng lần lượt 5%, 16%, 19% được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất ở tỉnh Bình Dương và nhà máy nước, xử lý rác được nâng công suất.

Dựa vào phương pháp định giá SoTP chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BWE với giá mục tiêu năm 2024 là 43.800 đồng/CP(upside 10.7% so với giá ngày 02/01/2024, bao gồm tỷ suất cổ tức 3%).

1 Likes

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ nắm giữ sang mua đối với cổ phiếu BWE của Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương, giá mục tiêu cuối năm 2024 là 49.550 đồng/CP (upside 16% so với giá ngày 04/06/2024). Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá kết hợp từng phần và hệ số nhân. Đối với phương pháp từng phần của báo cáo trước, chúng tôi điều chỉnh định giá từ 39.600 đồng/CP lên mức 50.800 đồng/CP do tăng 2 điểm % sản lượng nước tiêu thụ với kết quả tích cực trong 4/2024, và giá bán trung bình bắt đầu tăng từ năm 2025 (sớm hơn 2 năm so với dự báo trước). Doanh thu năm 2024/2025 đạt 3.978 tỷ đồng (tăng trưởng 13%)/ 4.303 tỷ đồng (tăng trưởng 8%), (cao hơn 4,3%/5,8% so với dự báo cũ), nhờ: Mảng nước sạch doanh thu tăng 8,2%/8,4%: Sản lượng nước sạch tăng trưởng +6%/+5% nhờ hoạt động sản xuất của tỉnh Bình Dương phục hồi trở lại, có thể thêm khách hàng hộ dân cư mới nhờ mở rộng mạng lưới đường ống; Giá bán trung bình tăng 0%/2,5% với giả định UBND phê duyệt tăng giá bán vào quý III/2025. Đóng góp doanh thu của Biwase – Long An từ nửa cuối năm 2023. Mảng xử lý rác thải và nước thải tăng lần lượt 23%/11% và tăng 151%/giảm 11%. Doanh thu tăng mạnh trong năm 2024 và chậm lại trong năm 2025 do một phần doanh thu 2023 được ghi nhận sang năm 2024. Dẫn đến, lợi nhuận thuần đạt 716 tỷ đồng (tăng trưởng 4%)/ 853 tỷ đồng (tăng trưởng 19%), tương ứng cao hơn 0%/9% so với dự báo cũ. Điều chỉnh trọng yếu của dự báo mới so với dự báo trước: Mảng nước sạch: sản lượng tiêu thụ nước sạch 2024 tăng thêm 2 điểm %, giá bán trung bình bắt đầu tăng từ năm 2025 (sớm hơn 2 năm so với dự báo trước); và chi phí tài chính năm 2024 tăng 36% chủ yếu do lỗ tỷ giá: điều chỉnh giả định mất giá trung bình của tỷ giá từ 1% lên 3% trong năm 2024.

1 Likes

VCBS vẫn duy trì khuyến nghị trung lập đối với Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương - BWE (BWE – sàn HOSE), với giá mục tiêu không đổi 49.500 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 12%) như báo cáo chúng tôi đã công bố “Báo cáo cập nhật BWE ngày 25/09/2024”. BWE công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng năm 2024 với doanh thu đạt 2.901 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ, hoàn thành 70% kế hoạch năm), lợi nhuận sau thuế đạt 468 tỷ đồng (giảm 5% so với cùng kỳ, hoàn thành 67% kế hoạch năm). Nhìn chung, doanh thu từ mảng cấp nước và doanh thu từ mảng xử lý nước đều tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt 11% và 10,6%. Sản lượng nước tiêu thụ tại khu vực tỉnh Bình Dương đạt 149 triệu m3 – 822 nghìn m3/ngày đêm (tăng trưởng 9%, hoàn thành 77% kế hoạch năm). Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ do chi phí tài chính tăng cao – lỗ chênh lệch tỷ giá do khoảng 57% tổng dư nợ của BWE được tài trợ từ các nguồn nước ngoài chủ yếu là USD (3.057 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay ngắn/dài hạn là 5.326 tỷ đồng). Triển vọng doanh nghiệp: Triển vọng tích cực từ nhu cầu tiêu thụ nước; Lộ trình tăng giá nước tại Bình Dương được kỳ vọng sớm ban hành; Tiếp tục đẩy mạnh M&A. Trong đó, vào ngày 23/10 vừa qua, CTCP Nước Sài Gòn - Cần Thơ đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua bầu ban lãnh đạo - BWE và ông Nguyễn Hiền Triết tham gia đầu tư với tỷ lệ tương ứng 65% và 35% vốn điều lệ, đồng thời thông qua kế hoạch tăng vốn - chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 50 tỷ đồng nhằm tiếp tục đầu tư hoàn thiện nhà máy nước Sài Gòn – Mê Kông với công suất 25.000 m3/ngày đêm, tăng công suất lên 50.000 m3/ngày đêm

1 Likes

Em cảm ơn thông tin của bác nhé

ông bwe này uy tín thật sự, tăng bền mà kh gặp biến động nhiều