Năm 2022 đã chứng kiến sự bùng nổ của ngành cá tra Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,4 tỷ USD và sản lượng lên đến 1,68 triệu tấn – mức cao kỉ lục trong lịch sử ngành cá tra .
Tuy nhiên, giai đoạn sau đó ngành phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ áp lực lạm phát toàn cầu, các biện pháp thắt chặt tiền tệ và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực. Tình hình này gây áp lực lên giá bán và chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người nông dân và doanh nghiệp
Hiện tại, triển vọng hồi phục cho ngành cá tra đang trở nên tích cực hơn khi lạm phát toàn cầu dần hạ nhiệt, và các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu vào chu kỳ giảm lãi suất. Tín hiệu khả quan từ các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc cũng báo hiệu nhu cầu tiêu thụ đang dần phục hồi.
Mặc dù còn nhiều thách thức, như chi phí vận tải và yêu cầu kiểm soát chất lượng khắt khe hơn, ngành cá tra đang ở giai đoạn quan trọng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Chủ đề hôm nay chúng ta thảo luận là CÁ TRA - VƯỢT THÁCH THỨC, ĐÓN CƠ HỘI với những góc nhìn tổng quan và triển vọng chung của ngành, mong sẽ giúp mọi người có thêm góc nhìn đánh giá, catalyst cho việc lựa chọn cơ hội đầu tư cho 2025 ạ.
Chuỗi giá trị nhóm THỦY SẢN gồm 3 phần chính:
1. Nguồn nguyên liệu đầu vào (Con giống và thức ăn chăn nuôi): cá tra được nuôi trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các hộ nuôi sẽ mua cá tra giống từ các trại ấp và nuôi trong vòng 6 đến 8 tháng cho cá đạt kích cỡ từ 700g – 1kg để xuất bán cho các nhà máy chế biến.
So với giai đoạn trước phụ thuộc nhiều từ bên ngoài, thì các doanh nghiệp trong nước dần tự chủ được khâu này như VHC ANV.
2. Sản xuất : cá tra nguyên liệu sau thu mua sẽ được chế biến phù hợp với yêu cầu đơn hàng của từng thị trường.
3. Đầu ra: gần như toàn bộ lượng cá tra sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu. Theo Agromonitor, bình quân chỉ có 1-2% lượng cá tra được tiêu thụ trong nước mỗi năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của toàn ngành là fillet cá tra, chiếm khoảng 90% tổng kim nghạch xuất khẩu hàng năm.
Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2016-2021, chiếm bình quân 40-50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong khi Mỹ yêu cầu chất lượng cá nghiêm ngặt và chấp nhận mức giá cao so với các thị trường khác thì Trung Quốc chỉ yêu cầu chất lượng cá vừa đủ và nhập khẩu với mức giá thấp.
Trường hợp nhận được các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu tại thị trường này sẽ giúp tăng lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác, tạo nền tảng tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất cá tra thành phẩm, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai tận dụng các phế phẩm như da – mỡ - nội tạng tạo thành SẢN PHẨM MỚI (collagen – gelatin, bong bóng và bao tử cá đông lạnh dùng làm món ăn) cho doanh nghiệp, vừa giúp tăng doanh thu, lại còn tiết giảm chi phí tiêu hủy.
Qua đó, những doanh nghiệp nào sở hữu chuỗi giá trị ngành toàn diện, từng bước mở rộng dần quy mô theo thời gian sẽ chiếm lĩnh dần thị phần tiềm năng ở ngành Thủy sản trong tương lai.
Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng 5,8% YoY đạt 1.4 tỷ USD, sản lượng xuất khẩu cá tra tăng 15.5% YoY đạt 670 nghìn tấn – tăng tại Mỹ với giá cước vận tải tăng nhưng giảm tại EU và Trung Quốc. Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm của đơn giá.
Giá xuất khẩu trung bình ở mức thấp – 2,1 USD/kg (-8,4% YoY). Theo đó, tại Mỹ giá xuất khẩu thấp hơn mức đỉnh 2022, nhưng đã hồi phục so với đầu năm – đạt 3,2 USD/kg (+11,2% YoY); tại Trung Quốc liên tục giảm từ 2023 đến nay chỉ đạt 1,7 USD/kg (-20,8% YoY); tiêu thụ tại EU vẫn chưa có nhiều khởi sắc với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế.
Về yếu tố cung – cầu
Tại Mỹ, lệnh cấm nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc Nga cùng với sự khan hiếm nguồn cung các rô phi từ Trung Quốc tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho các loại cá thịt trắng này.
Các nước phương Tây đã nhập khẩu khá nhiều trong giai đoạn giữa năm, do đó nhu cầu nhập khẩu giai đoạn cuối năm có thể chậm lại. Tuy nhiên, tồn kho cá tra thành phẩm tại Mỹ hiện đã giảm 5% YoY - dưới mức trung bình 5 năm, điều này sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ bổ sung hàng tồn kho cho mùa lễ hội cuối năm.
Tại Trung Quốc, xuất khẩu vẫn gặp nhiều thách thức khi áp lực cạnh tranh lớn với cá minh thái Nga và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm cá tra phi lê sang sản phẩm cá tra nguyên con có giá trị gia tăng thấp làm giảm giá trị thương mại của ngành.
Chính sách thuế mới hậu Bầu cử
Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc và 10-20% lên các nước khác:
- Trước khi áp thuế mới, sản lượng thủy sản xuất khẩu sẽ tăng mạnh đột ngột do người mua nhập khẩu trữ hàng trước để tránh thuế cao. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển dự kiến tăng theo sẽ bào mòn bớt lợi nhuận.
- Sau khi áp thuế mới, ngành cá tra sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Theo đó, dự kiến ngành sẽ chiếm 1 phần miếng bánh 10% thị phần của cá rô phi tùy theo khả năng cạnh tranh về giá sau thuế nhập khẩu. Giá cá tra trung bình 8T2024 hiện thấp hơn giá cá rô phi (85% từ Trung Quốc) và giá cá Minh Thái Alaska (Nội địa Mỹ) lần lượt 46% và 8%.
Giá cá tra có tín hiệu tạo đáy và tăng trở lại từ tháng 8.2024
Kể từ tháng 2.2024, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống có xu hướng giảm nhẹ nhưng đã bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 8.2024 khi nhu cầu thu mua cá nguyên liệu và các giống gia tăng, đặc biệt để bù đắp lượng cá chết do dịch bệnh. Sự lo ngại về nguồn cung hạn chế vào cuối năm khi thị trường bước vào mùa cao điểm cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi liên tục hạ nhiệt góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất, mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp, nhất trong bối cảnh họ phải đối mặt với giá cá tra xuất khẩu bị kìm hãm.
Góc nhìn dài hạn, các chính sách kích thích kinh tế Trung Quốc với mục tiêu bơm tiền và hỗ trợ nền kinh tế nội địa khá quyết liệt. Đây là dấu hiệu tốt cho toàn nền kinh tế nói chung và sẽ cần thời gian để tác động tích cực lên nhu cầu tiêu thụ cá tra tại các nhà hàng. Theo DSC kỳ vọng từ Q3.2025 trở lại nhu cầu tại đây có thể cải thiện và tác động tích cực giá cá tra toàn cầu.
Như vậy cho thấy xu hướng ngành có thể chưa quay về mốc lịch sử năm 2022 những đã có những tín hiệu hồi phục tích cực và dần xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong câu chuyện dài hạn.
ANV và VHC là hai doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành xuất khẩu cá tra, chiếm thị phần lần lượt là 6% và 14% về mặt giá trị. Nhờ tự chủ về nguồn cung cá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, trong mùa trong mùa KQKD Quý 3 vừa qua, cả 2 đều có mức tăng tốc cả về mặt doanh thu, lợi nhuận và biên lợi nhuận gộp. Câu chuyện triển vọng của hai cổ phiếu trên là gì, điểm nhấn để kích hoạt sự bứt phá vào chu kỳ mới là khi nào, chi tiết sẽ được thảo luận trong Phần 2.
Để nhận được thông báo và đón đọc bài viết sớm nhất, mọi người hãy ấn SUBSCRIBE kênh substack Kim Thanh Stock nhé!