Còn quá sớm để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào nhưng bối cảnh những tháng đầu năm 2023 đang chứa nhiều yếu tố kỳ vọng có thể giúp cởi bỏ những nút thắt và thúc đẩy kết quả kinh doanh ngành chứng khoán trở nên tích cực hơn.
1/4 chặng đường của thị trường chứng khoán năm 2023 đã trôi qua và vẫn chưa có nhiều khởi sắc xuất hiện. Sự ảm đạm đến từ cả biến động điểm số cũng như thanh khoản èo uột.
Đáng chú ý, dù gắn bó mật thiết với diễn biến thị trường, song sự “tự tin” trong đặt kế hoạch kinh doanh của nhóm các công ty chứng khoán đã xuất hiện nhiều hơn. Hàng loạt mục tiêu tăng trưởng mạnh, “tăng bằng lần” đã được công bố, thậm chí còn có tham vọng mở rộng quy mô để chiếm lấy thị phần của các đơn vị khác.
Ngay cuối tháng 3, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCD, trong đó có kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 4 lần thực hiện năm 2022 (149 tỷ đồng).
Công ty cũng đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2023. Ngoài ra, hệ số an toàn tài chính dự kiến tối thiểu 260%.
Theo ban lãnh đạo BSC, kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng xảy ra. Song, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.
Cũng có đánh giá chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, song CTCP Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) vẫn tự tin đặt chỉ tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó MBS đặt mục tiêu vào Top5 thị phần môi giới trong năm nay, trước đó công ty đã để tụt hạng trên bảng thị phần môi giới HOSE năm 2022.
Một công ty cũng thuộc hệ sinh thái của ngân hàng khác là VietinBank Securities (mã chứng khoán: CTS) đã thông qua kế hoạch 2023 đầy tự tin với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 230 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện năm trước.
CTS cũng đánh giá thị trường năm nay vẫn còn áp lực điều chỉnh, song sông ty sẽ có các giải pháp hướng tới việc mở rộng thị phần, gia tăng hoạt động môi giới, tăng dư địa cho vay ký quỹ và đặc biệt tập trung phát triển mảng M&A. Đặc biệt, CTS cho biết sẽ tận dụng lợi thế từ ngân hàng mẹ - VietinBank - để nắm bắt xu hướng M&A khi doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh thâu tóm. Các định hướng chính là tư vấn chuyển nhượng, tư vấn thu xếp vốn quốc tế và dịch vụ chứng khoán cho khách hàng quốc tế.
Có thể liệt kê thêm nhiều cái tên trong nhóm chứng khoán đặt mục tiêu tăng trưởng dương năm nay. Chứng khoán VIX lên kế hoạch 676 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 540 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 80% và 73% so với thực hiện năm 2022. Chứng khoán Mirae Asset đề ra mục tiêu doanh thu 2023 ở mức 2.763 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 3% lên 852 tỷ đồng. CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã ORS) thì đặt chỉ tiêu doanh thu 2.831 tỷ đồng, tăng 34% nhưng lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, tăng tới 31% so với năm ngoái. Kèm theo đó, TPS còn trình phương án chào bán tổng cộng 2.000 tỷ đồng trái phiếu và 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng.
Thậm chí, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã chứng khoán: VIG) còn đưa ra mục tiêu tham vọng cho năm 2023 với doanh thu hoạt động gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và gấp 19 lần thực hiện năm 2022. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu xóa hết lỗ lũy kế từ nguồn lợi nhuận để lại và các nguồn thặng dư vốn khác.
Nhiều yếu tố cho sự "tự tin"
Còn quá sớm để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào nhưng bối cảnh những tháng đầu năm 2023 đang chứa nhiều yếu tố kỳ vọng có thể giúp cởi bỏ những nút thắt và thúc đẩy kết quả kinh doanh ngành chứng khoán trở nên tích cực hơn.
Thứ nhất, hầu hết các công ty chứng khoán trên đều ghi nhận lợi nhuận thực hiện trong năm 2022 lao dốc so với cùng kỳ, mức giảm từ 60% đến 85% không hiếm. Với mức nền so sánh thấp của năm trước, dễ hiểu khi con số kế hoạch kinh doanh năm 2023 trở nên vượt trội.
Thứ hai, những thương vụ bán tài sản lớn gần đây liên quan tới doanh nghiệp niêm yết trên sàn như Novaland, Vinhomes hay VPBank giúp thị trường chung và cụ thể hơn là hoạt động M&A trở nên sôi động hơn. Các thương vụ lớn và có tầm ảnh hưởng như vậy sẽ giúp các công ty chứng khoán có thêm thu nhập từ hoạt động tư vấn hay mảng ngân hàng đầu tư (IB), kết quả kinh doanh nhờ vậy mà hưởng lợi.
Thứ ba, trong động thái mới nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Dự thảo đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua. Đây là một bước hợp lý và cần thiết để vực dậy thị trường trái phiếu.
Làn sóng mua lại trái phiếu sẽ hạ nhiệt và áp lực đáo hạn trái phiếu cũng nhẹ nhàng hơn, từ đó thị trường chứng khoán cũng sẽ ổn định trở lại về mặt thanh khoản. Đồng thời, công ty chứng khoán còn có thêm nguồn lợi nhuận nhờ hoạt động tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, những đợt phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp đã dần xuất hiện trở lại, giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp này đang dần trở lại.
Thứ tư, dù được biết đến nhiều bởi môi giới và cho vay song nguyên nhân chính khiến nhóm các công ty chứng khoán thua lỗ trong hai năm gần đây lại phần lớn bởi hoạt động tự doanh. Dễ hiểu rằng chính sự trồi sụt bất ngờ của thị trường là nguyên nhân chính bóp nghẹt mảng tự doanh. Trải qua những khó khăn như vậy, sang tới năm 2023, nhiều khả năng mảng tự doanh khó lòng “tệ” hơn nữa khi công ty chứng khoán đã thích nghi đủ lâu và thực hiện cơ cấu lại danh mục lành mạnh, an toàn và hiệu quả sinh lời tốt hơn, từ đó dẫn tới kết quả kinh doanh sẽ khó có thể kém tích cực như năm trước.
Nhịp sống thị trường