Dưới đây là một số đánh giá sâu hơn về ý nghĩa của các cuộc biểu tình đối với mối quan hệ Mỹ - Israel, chính sách của Mỹ với Trung Đông và liệu thế hệ người Mỹ tiếp theo có vạch ra một lộ trình khác hay không.
Sinh viên biểu tình để bày tỏ ủng hộ người Palestines tại đại học Columbia ở New York (Mỹ) ngày 30/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Thời báo Los Angeles, mối quan hệ giữa Mỹ và Israel gần như luôn gắn bó chặt chẽ kể từ khi thành lập nhà nước Israel do người Do Thái lãnh đạo cách đây 76 năm.
Israel đã dựa vào hỗ trợ tài chính, vũ khí và ngoại giao toàn cầu của Mỹ để tồn tại và phát triển. Cho đến gần đây, sự ủng hộ vẫn không hề giảm sút từ thành phần lưỡng đảng trong Quốc hội và các chính trị gia Mỹ, cũng như từ các cử tri Mỹ nói chung.
Được hình thành như một nơi trú ẩn cho những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã tiến hành, Israel thường được miêu tả là nạn nhân và là đồng minh lâu dài của Mỹ ở một khu vực khắc nghiệt và nguy hiểm trên thế giới.
Nhưng cuộc chiến kéo dài bảy tháng của Israel chống lại nhóm Hamas ở Dải Gaza đang là “phép thử” của mối quan hệ đó.
Phản ứng trước hàng chục nghìn thường dân Palestine thiệt mạng, thanh niên và sinh viên Mỹ đã biểu tình tại nhiều trường đại học trên khắp cả nước. Mặc dù cũng đã có các cuộc biểu tình ủng hộ Israel, nhưng cuộc biểu tình lớn nhất và nổi bật nhất lại là ủng hộ người Palestine.
Tại sao giới trẻ bỗng nhiên quan tâm đến vấn đề này?
Chính nghĩa của người Palestine - nỗ lực của hàng triệu người Palestine vì sự độc lập và một nhà nước có chủ quyền sau sự di dời lớn do việc thành lập Israel vào năm 1948 - đã hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và vẫn bị gác lại khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden theo đuổi chính sách bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia.
Đến ngày 7/10/2023, cuộc đột kích của Hamas từ Gaza vào miền nam Israel đã khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và nhóm trên đã bắt cóc hơn 200 con tin đưa về Gaza.
Israel đã đáp trả bằng cuộc tấn công dữ dội và quy mô lớn. Đến nay, hơn 34.000 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel. Phần lớn dân số 2,3 triệu người của Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di tản.
Giai đoạn mới, khủng khiếp trên trong cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài hàng thập kỷ đã khiến vấn đề này trở nên nổi bật.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN
Người trẻ Mỹ ủng hộ bên nào?
Ngay cả trước khi Israel tấn công vào Gaza sau “cơn thịnh nộ” liên quan đến ngày 7/10 năm ngoái, các cuộc thăm dò đã cho thấy một lượng lớn quan điểm bất lợi về Israel trong giới trẻ Mỹ.
Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có 41% người trưởng thành dưới 30 tuổi có cái nhìn thiện cảm về Israel, với 56% không thiện cảm.
Ngược lại, phần lớn tất cả các nhóm tuổi trên 50 đều có thiện cảm với Israel.
Một cuộc thăm dò của Pew vào tháng 2 năm nay cho thấy trong giới trẻ Đảng Dân chủ Mỹ, sự ủng hộ dành cho người Palestine là rất lớn: 47% ủng hộ người Palestine so với 7% ủng hộ Israel. Sự ủng hộ cũng giảm nhẹ ở những người Mỹ lớn tuổi, xuống chỉ dưới đa số, nhưng nó không chuyển thành sự ủng hộ dành cho người Palestine.
Tại sao có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi?
Ngoài việc không được ưa chuộng sau cuộc tấn công đáp trả Hamas của Israel ở Gaza, sự chia rẽ thế hệ còn bị ảnh hưởng bởi lịch sử và quan điểm.
Ethan Porter, Giáo sư về truyền thông, quan hệ công chúng và khoa học chính trị tại Đại học George Washington, cho biết: “Có một sự chuyển giao thế hệ”.
Trong khi những câu chuyện xung quanh Israel và Palestine cách đây khoảng 30 năm vẫn gợi nhiều ký ức về vụ Holocaust, thì các nhà hoạt động ngày nay có xu hướng coi Israel không phải là quê hương của những người sống sót sau một cuộc diệt chủng mà là “một cường quốc chiếm đóng”.
Những người Mỹ trẻ tuổi cũng không có ký ức trực tiếp về những giai đoạn kinh hoàng của các sự kiện ở Palestine, chẳng hạn như vụ cướp máy bay vào những năm 1970 và đánh bom liều chết trên xe buýt vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Ngoài ra, những người trẻ tuổi - đặc biệt là sinh viên đại học - có xu hướng hoạt động thay mặt cho những người bị coi là bị áp bức hoặc phân biệt đối xử, theo sau các phong trào “Black Lives Matter” (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) hay “#MeToo” (phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục) đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng và dân quyền.
Phải chăng điều này có nghĩa là các cử tri trẻ Mỹ quan tâm nhiều hơn đến cuộc xung đột Israel - Palestine?
Các cuộc thăm dò cho thấy Trung Đông không phải là địa điểm hàng đầu thu hút sự chú ý của đông đảo thanh niên Mỹ.
Viện Chính trị tại Trường Harvard Kennedy, nơi đã khảo sát các cử tri trẻ trong hơn hai thập kỷ, trong một cuộc thăm dò năm nay nhận thấy rằng trong số 16 chủ đề quan trọng đối với cử tri dưới 30 tuổi, cuộc chiến Israel – Hamas ở Gaza nằm gần cuối cùng trong danh sách những vấn đề quan trâm của họ. Các vấn đề hàng đầu theo thứ tự đó là lạm phát, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.
Các chính phủ ở Israel trong nhiều năm qua đã đầu tư nhiều nỗ lực vào cái mà họ gọi là “Hasbara”, hay chiến dịch PR toàn cầu - đẩy câu chuyện về Israel ra toàn thế giới. Và điều đó phần lớn đã thành công.
Nhưng hiện tại có thể là giai đoạn đầu tiên trong cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine, nơi chính nghĩa của người Palestine đã thúc đẩy các cuộc thảo luận của Mỹ.
Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột Hamas-Israel tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 3/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Có rất nhiều lý do. Quy mô cuộc tấn công của Israel vào Gaza, với sự tàn phá lớn khiến nhiều người thiệt mạng, đã vượt xa các cuộc tấn công trước đây của Israel và nhanh chóng làm lu mờ cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10 năm ngoái. Thật khó để đưa ra quan điểm tích cực khi hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Ngoài ra, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã trở thành một lực lượng truyền tải hình ảnh về sự đau khổ của người dân Gaza khắp thế giới. Bên cạnh đó, một thế hệ các nhà hoạt động Palestine mới có vẻ được tổ chức tốt hơn nhiều so với những người đi trước. Cách PR của người Palestine trước đây tương đối kém hiệu quả.
Biểu tình có làm thay đổi chính sách của Mỹ?
Đây là một câu hỏi lớn. Cho đến nay, các cuộc biểu tình ở nhiều trường đại học tuy thu hút sự chú ý nhưng không có dấu hiệu cho thấy chính sách của Mỹ sẽ thay đổi đối với Trung Đông.
Tuần trước, Tổng thống Biden khi được hỏi trực tiếp liệu ông có thay đổi cách tiếp cận với Israel để đối phó với sự hỗn loạn trong khuôn viên trường hay không, đã đưa ra câu trả lời chỉ bằng một từ: "Không".
Ông Biden vẫn kiên quyết ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng cũng đã dè dặt hơn đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính phủ cánh hữu của ông khi họ liên tục bác bỏ những nỗ lực của Washington nhằm buộc Israel giảm thiểu thương vong dân sự ở Gaza và cho phép tiếp cận thêm thực phẩm, nước uống, thuốc men và các viện trợ nhân đạo khác đang rất cần thiết.
Tổng thống Biden cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về sự ủng hộ chính trị của ông đối với các cử tri Mỹ gốc Arab, đặc biệt là ở các bang dao động như Michigan, nơi có cộng đồng lớn từ Liban và các quốc gia Arab khác.
Trong khi đó, thật khó để nói liệu tình cảm trên của giới trẻ Mỹ có kéo dài. Khi kỳ nghỉ hè sắp đến vào mùa hè, có thể các cuộc biểu tình sẽ giảm dần. Một cuộc tấn công lớn khác của người Palestine bên trong Israel, hoặc các cuộc tấn công bạo lực chống người Do Thái ở Mỹ, cũng có thể khôi phục thiện cảm với Israel. Tuy nhiên, những cử tri trẻ tuyên bố sẽ đưa cuộc chiến ủng hộ Palestine đến các sự kiện khác, bao gồm cả Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại Chicago.
Theo Vũ Thanh
Báo Tin Tức