Ông Dương Quang Duy, CEO của VietAviation Logistics nhìn nhận, trong "miếng bánh" logistics tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp FDI sẽ nắm thị phần và lợi nhuận của nhưng không phải chuyện gì các doanh nghiệp này cũng làm được và làm tốt. Các doanh nghiệp logistics nội địa dù quy mô nhỏ nhưng rất năng động.
Thị trường giàu tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế
Dữ liệu từ báo cáo của World Bank năm 2023 cho thấy tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì ngành dịch vụ logistics cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, chi phí logistics ở Việt Nam còn cao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho logistics thiếu đồng bộ.
Về nhân lực, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là hơn 200.000 người. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về chất lượng.
Doanh nghiệp logistics Việt Nam tuy nhiều, nhưng không mạnh. Trong hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics thì doanh nghiệp trong nước chiếm 89%, còn 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ lớn, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Dương Quang Duy, CEO của VietAviation Logistics cho biết, tại Việt Nam, giá cước rẻ và vận chuyển nhanh là một ưu điểm, đặc biệt phục vụ vận chuyển các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của nền nông nghiệp. Hiện tại giá cước chuyển phát nhanh và vận tải logistics (bao gồm đường biển, đường bay) của VietAviation ước tính rẻ hơn khoảng 15%, so với các công ty logistics quốc tế trong ngành.
"Các công ty hậu cần quốc tế là những nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp. Tuy nhiên không phải chuyên nghiệp thì cái gì cũng làm được. Với hơn 20 năm làm việc trong ngành logistics tôi có ước muốn xây dựng VietAviation thành cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam vững bước tiến vào thị trường Trung Quốc, Hong Kong, Ma Cau và Đài Loan nhờ chi phí giảm và phát triển đa dạng các dịch vụ hậu cần", ông Duy nói.
Theo ông Duy, phần lớn các doanh nghiệp FDI sẽ nắm thị phần và lợi nhuận của "miếng bánh" logistics nhưng không phải chuyện gì các doanh nghiệp này cũng làm được và làm tốt. Các doanh nghiệp logistics nội địa dù quy mô nhỏ nhưng rất năng động.
Lấy chính doanh nghiệp mình làm ví dụ, đại diện VietAviation Logistics cho biết đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp logistics lớn nhằm bổ sung những điểm mạnh và hạn chế của nhau.
"VietAviation đã hợp tác với các đối tác lớn như Viettel và Ahamove với nền tảng cơ sở vật chất có sẵn mà chưa tối ưu hóa hết công xuất. Vì chúng tôi là Startup nên VietAviation tập trung vào phát triển thế mạnh của mình là Marketing, công nghệ và sự am hiểu thị trường quốc tế cũng như khả năng giao tiếp và đàm phán để hỗ trợ các khách hàng", ông Duy cho hay.
Trong khi đó, ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM logistics Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một ứng viên sáng giá có thể trở thành trụ sở chính cho các trung tâm phân phối vùng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong dài hạn.
Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động thị trường của mình tại châu Á. Ngoài ra, lợi thế sở hữu một di sản thương mại lâu đời, cùng quan hệ thương mại năng động với các nước láng giềng, càng nâng cao vị thế của Việt Nam với vai trò là một trung tâm hậu cần nổi bật ở châu Á.
Tuy nhiên, ông Hamza Harti đánh giá, hiện tại các doanh nghiệp dịch vụ nội địa đa phần còn theo hình thức truyền thống chưa mang lại nhiều giá trị cao trong lĩnh vực logistics. Với lợi thế về hiện đại hóa kỹ thuật hóa mà FM logistics có được, doanh nghiệp này đang muốn trở thành đơn vị cung cấp giải pháp về công nghệ thông minh cho doanh nghiệp nội địa nhằm nâng cao giá trị dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics.
"Việc phối hợp với đối tác và cả đối thủ là điều cần thiết, là doanh nghiệp FDI, FM logistics hiện không có những chiếc xe vận tải riêng nên đang phối hợp với 30 nhà cung cấp dịch vụ vận tải nội địa để phục vụ vận chuyển", ông Hamza Harti chia sẻ và bày tỏ tham vọng đưa FM logistics lọt "Top 3" doanh nghiệp logistics ở thị trường trăm triệu dân.
Doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn để giảm chi phí
Đồng quan điểm, ông Eric Liang, Phó Tổng Giám đốc BEST Global, Tổng Giám đốc BEST Express tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là thị trường lớn, màu mỡ và sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai.
"Cùng với sự phát triển này, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành logistics sẽ càng lớn. Muốn phát triển bền vững, các đơn vị cần đầu tư nhiều hơn để giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng, tăng chất lượng phục vụ.
Một khi tất cả các đơn vị vận chuyển đầu tư cho tầm nhìn dài hạn, người hưởng lợi chắc chắn là người dùng. Lúc này, chi phí vận hành sẽ giảm xuống, phí giao hàng sẽ giảm và đây là xu hướng tất yếu", ông Eric Liang phân tích.
Theo ông Eric Liang, thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng rất tiềm năng do có nhiều sàn thương mại điện tử lớn. BEST Express đã có những buổi trao đổi, tăng cường hợp tác với các sàn này nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Đồng thời, Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Đây là tệp đối tác mà BEST Express sẽ hướng đến trong tương lai.
Vị Tổng Giám đốc BEST Express đánh giá, với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở mức 16-30% mỗi năm, giá trị đạt hơn 20 tỷ USD thì việc siết chặt chi phí là điều dễ hiểu khi kinh doanh trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
"Nguồn lực này sẽ được dành để đầu tư vào những mảng mà doanh nghiệp dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai. Khi kinh tế ổn định hơn, thương mại điện tử sẽ còn bùng nổ. Vì vậy, việc đầu tư này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu thị trường về lâu dài", ông nói.
Với mạng lưới hơn 600 bưu cục giao nhận hàng hoá tại Việt Nam, đại diện BEST Express nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam tăng trưởng nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử, đòi hỏi các đơn vị vận chuyển đầu tư về mạng lưới, chất lượng dịch vụ.
"Ứng dụng công nghệ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và phục vụ tốt hơn. Các thông tin quan trọng như tình trạng hành trình đơn hàng được gửi đến người dùng qua ■■■■. BEST cũng hợp tác với nhiều đơn vị để áp dụng phương pháp thanh toán không tiền mặt, giảm thiểu rủi ro cho cả người bán và người mua. Hiện tại, lượng tiền COD bằng hình thức thanh toán mã QR đã tăng lên gần 85% với tổng số tiền thu hộ lên đến hàng nghìn tỷ đồng", ông Eric Liang nhấn mạnh.
Còn ông Dương Quang Duy tin tưởng Việt Nam là một trong các điểm sáng trong khu vực thu hút đầu tư quốc tế. Việc Việt Nam tiếp tục giữ vững được ổn định chính trị sẽ là một tín hiệu tích cực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển với các yếu tố đầu tư nước ngoài gia tăng.
"Có một xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, nằm trong tác động của sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, cá nhân tôi đánh giá đây là một cơ hội tốt cho các hoạt động logistics", ông Duy nhận định.