Một số doanh nghiệp nhập khẩu của Israel thời gian qua đã đến Việt Nam tham dự các hội chợ triển lãm để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các nhà cung cấp sở tại và giao dịch ký kết hợp đồng mua hàng.
Thu hoạch cà phê chín tại Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Trong bối cảnh thị trường Israel có nhiều biến động phức tạp do xung đột ở Dải Gaza và căng thẳng thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, các doanh nghiệp Israel đang nỗ lực tìm nguồn nhập khẩu từ các nước khác để thay thế.
Việt Nam là một thị trường được các doanh nghiệp Israel quan tâm, tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất ở trong nước.
Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) cho biết một số doanh nghiệp nhập khẩu của Israel thời gian qua đã đến Việt Nam tham dự các hội chợ triển lãm để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các nhà cung cấp sở tại và giao dịch ký kết hợp đồng mua hàng.
FICC mong muốn tận dụng cơ hội này để tăng cường mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Israel và các đối tác Việt Nam, nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại song phương giữa hai nước.
Nhận định về cơ hội cho các mặt hàng của Việt Nam mở rộng thị phần, ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, cho biết: “Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Israel. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi giao dịch ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác Israel, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới điều khoản mua bảo hiểm rủi ro đối với hàng hóa."
Theo ông Lê Thái Hòa, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 231 triệu USD, tăng 23,7%; trong khi nhập khẩu từ thị trường này đạt 330,6 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 4 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt trên 310 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 440 triệu USD.
Về mối quan tâm của các doanh nghiệp Israel, FICC cho biết các doanh nghiệp nước này đang tìm kiếm nhập khẩu các nhóm mặt hàng và sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam bao gồm sắt thép các loại, máy móc và thiết bị điện, dây cáp điện, sản phẩm nhựa và chất dẻo, cao su và các sản phẩm liên quan đến cao su, sản phẩm thủy tinh các loại, vật liệu xây dựng, ximăng, thạch cao, kính xây dựng, đá ốp marble và granite, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, ôtô và phụ tùng, khoáng sản, sản phẩm điện tử và thiết bị gia dụng các loại.
Ngoài ra, các mặt hàng nông sản và hàng tiêu dùng của Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà nhập khẩu Israel, bao gồm càphê, hạt điều, hạt tiêu, gia vị; thủy hải sản các loại như tôm, cá, mực, cá đóng hộp; đồ uống, nước giải khát; rau củ quả; các mặt hàng dệt may như quần áo, giày dép, đồ thể thao.
FICC đã cung cấp các đầu mối thông tin kèm số điện thoại và địa chỉ email (+972 3 5631020; chamber@chamber.org.il) nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam quan tâm có thể liên hệ, để được quảng bá, kết nối với các đối tác nhập khẩu Israel là thành viên của tổ chức này./.
(TTXVN/Vietnam+)