Các Chính phủ châu Á đang ra sức hỗ trợ cho đồng nội tệ trước một đồng USD quá mạnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục vững chắc và Fed lập trường duy trì lãi suất cao, nhiều đồng tiền châu Á đã mất giá mạnh so với đồng USD. Nhiều nhà hoạch định chính sách châu Á đang phản ứng với đà tăng của đồng bạc xanh ở nhiều mức độ khác nhau, từ phát đi cảnh báo bằng lời cho tới nâng lãi suất. Một số thậm chí được cho là đã can thiệp bằng cách mua đồng nội tệ của họ. Theo Nikke Asia, động thái này có thể làm suy giảm uy tín của NHTW.
Các chuyên viên phân tích tiền tệ đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 dự kiến công bố vào ngày 15/05. Dữ liệu tháng 3 cao hơn dự báo đã làm giảm khả năng Fed sớm giảm lãi suất và khiến đồng Yên tụt dốc.
Mảnh dữ liệu quan trọng nhất của Mỹ trong thời gian gần đây là báo cáo việc làm. Trong tháng 4/2024, số lượng việc làm mới tăng yếu hơn dự báo, tỷ lệ thất nghiệp đi lên. Điều này củng cố khả năng Fed giảm lãi suất và từ đó giúp các đồng tiền châu Á “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, nhiêu đây là chưa đủ để kéo đồng USD suy giảm, Fiona Lim, Chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Maybank ở Singapore, chia sẻ.
Dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ “có lẽ sẽ xác định diễn biến kế tiếp của các đồng tiền châu Á”, bà nói. “Trước khi báo cáo được đưa ra, chúng tôi kỳ vọng các đồng tiền châu Á sẽ hồi phục”.
Các trader giờ không còn quá hy vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 6/2024, với xác suất kỳ vọng chỉ 8.5%. Còn xác suất giảm lãi suất vào tháng 7 ở mức 33%, theo CME Group.
Các đồng tiền châu Á mất giá so với USD |
Nhật Bản hai lần can thiệp tỷ giá
Đồng Yên của Nhật Bản là một trong những đồng tiền châu Á bị tác động nặng nề nhất từ một nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo.
Chính phủ Nhật Bản được cho là đã can thiệp 2 lần trong thời gian gần đây (vào ngày 29/04 và 01/05) để hỗ trợ đồng nội tệ, theo các chuyên viên phân tích. Trước đợt can thiệp đầu tiên, đồng Yên đã mất mốc 160 đổi 1 USD, là mức yếu nhất trong 34 năm.
Đà giảm của đồng nội tệ xứ mặt trời mọc đến từ chênh lệch lãi suất 5 điểm phần trăm giữa Mỹ và Nhật Bản. Đồng Yên Nhật đang dao động quanh 155 đổi 1 USD, tức giảm 9.4% so với đầu năm, theo Refinitiv.
Nếu cứ bán USD và mua Yên thì Nhật Bản có thể rơi vào tình thế khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ, Shoki Omori, Chiến lược gia tại Mizuho Securities, chia sẻ.
Trước đó trong tháng 5/2024, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết “chúng tôi kỳ vọng những sự can thiệp này sẽ rất hiếm và việc tham vấn sẽ diễn ra”, nhưng không bình luận về việc liệu Tokyo có can thiệp hay không.
Biên bản họp tháng 4/2024 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy giọng điệu “diều hâu” hơn so với các bình luận trước đó của Thống đốc Kazuo Ueda. (Quan điểm diều hâu thể hiện sự ủng hộ cho động thái nâng lãi suất)
Một số thành viên BoJ nhận thấy khả năng nâng lãi suất nhanh hơn và nhiều thành viên cho rằng NHTW nên giảm nhịp độ mua trái phiếu.
Tuy nhiên, chuyên gia Omori kỳ vọng hoạt động bán khống đồng Yên sẽ tiếp diễn cho tới khi có sự thay đổi về cơ bản.
Giới đầu tư cho rằng có 17.5% xác suất BoJ nâng lãi suất vào tháng 7/2024 và 25% sẽ nâng lãi suất vào tháng 10/2024, theo Mizuho Securities.
Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm 6 tỷ USD sau 1 tháng
Ở Hàn Quốc, cuối tháng 4/2024, dự trữ ngoại hối đã giảm gần 6 tỷ USD so với tháng 3, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK). Nguyên nhân một phần đến từ nỗ lực ngăn chặn đà giảm của đồng Won.
Trong một tuyên bố, BoK cho biết dự trữ ngoại hối giảm đến từ nhiều yếu tố, bao gồm “các biên pháp ổn định thị trường như hoán đổi tiền tệ với Dịch vụ Hưu trí Quốc gia (NPS)”.
Thị trường đồn đoán rằng Chính phủ Hàn Quốc đã giúp ngăn chặn đà giảm của đồng Won thông qua lời cảnh báo trong tháng trước, theo Moon Da Woon, Chuyên gia kinh tế tại Korea Investment & Securities.
Bộ Tài chính và NHTW Hàn Quốc đều can thiệp bằng lời nói trong tháng 4/2024, cảnh báo về sự suy giảm nhanh chóng của đồng nội tệ, ngay khi đồng Won chạm mức 1,400 đổi 1 USD (mức thấp nhất trong 1.5 năm).
Đồng Won đã tăng giá trở lại sau đó, gần đây dao động quanh 1,366 đổi 1 USD, theo Refinitiv. Bà Moon cho rằng đồng nội tệ xứ kim chi sẽ tăng lên mốc 1,200 đổi 1 USD vào cuối năm.
Indonesia tăng lãi suất
Ở Indonesia, NHTW nước này bất ngờ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng trước, với mục đích bảo vệ đồng nội tệ.
Tại cuộc họp báo trong tuần trước, Thống đốc Perry Warjiyo cho biết dữ liệu ám chỉ sẽ không còn đợt nâng lãi suất nào. Ông cam kết sẽ nỗ lực củng cố đồng Rupiah.
Sau động thái nâng lãi suất, đồng nội tệ Indonesia đã tăng giá lên 16,000 đổi 1 USD từ mức 16,300 đổi 1 USD.
Một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á là đồng Rupee của Ấn Độ, mặc dù đồng tiền này vừa rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD, ở mức 83.739 đổi 1 USD.
Đồng tiền này được “kiểm soát chặt” bởi NHTW Ấn Độ từ tháng 10/2023, dao động trong biên độ hẹp ở mức 83 đổi 1 USD, Rob Carnell, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ING, chia sẻ.
Carnell cho biết tất cả ngân hàng trung ương và ngân hàng khu vực ở châu Á (trừ Malaysia) đều có dự trữ ngoại hối ở mức hơn 6 tháng nhập khẩu – là ngưỡng dự trữ được các tổ chức thế giới khuyến nghị.
Đồng Ringgit của Malaysia dao động quanh mức 4.737 đổi 1 USD sau khi rơi xuống đáy 26 năm ở mức 4.7965 trong tháng 2/2024.
Đồng tiền này suy yếu vì đồng USD tăng giá, thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng giảm của Malaysia và mối tương quan mạnh với đồng Nhân dân tệ (cũng đang suy yếu).
https://vietstock.vn/2024/05/cac-nuoc-chau-a-cang-minh-chong-do-da-tang-cua-dong-usd-772-1189453.htm