Các Shark đã dùng chiêu bài gì để giăng bẫy nhà đầu tư?

Lên mạng lên sóng truyền hình dạy cách khởi nghiệp, làm giàu, từng là idol của với những phát ngôn “để đời” thế nhưng các Shark lại vướng không ít lùm xùm, thị phi. Nhất là khi vướng vòng lao lý thì nhiều người chợt nhận ra rằng, “Shark” cũng là chỉ là cái mác để lừa đảo.

Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Giáo dục Egroup và CTCP Đầu tư và Phân phối Egame.

Trước khi bị bắt, Shark Thủy nổi lên từ Shark Tank trong 3 mùa đầu tiên, là một trong những “cá mập” rất thoáng tay đầu tư với các startup đình đám như cam kết rót 500.000 USD vào Magic Book; góp vốn 100 tỷ đồng vào chuỗi Soya Garden..., đồng thời là ông chủ của chuỗi hệ thống Anh ngữ Apax English và EnglishNow đình đám khắp cả nước. Hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành và khoảng 120.000 học viên.

Nhiều người biết đến Shark Thủy còn bởi những phát ngôn để đời. Trong chương trình giao lưu giữa các Shark với hơn 4.000 sinh viên Hà Nội vào năm 2018, Shark Thủy viện dẫn câu nói phổ biến về người phụ nữ Việt Nam: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Anh khuyên các bạn sinh viên, nếu có thể, nên giỏi cả việc học và việc kinh doanh. Học đại học là hình thức đào tạo chính quy, nếu có cơ hội học đại học thì rất tốt. Tuy nhiên, việc học không nên dừng lại ở đó. Chúng ta phải học mỗi ngày, học cả đời. Không có người thành công nào thiếu kiến thức cả, không bao giờ có”.

“Anh thích lao vào, khi người khác bỏ đi”, đây là câu nói tại Shark Tank Việt Nam mùa 1, Shark Nguyễn Ngọc Thuỷ đã thể hiện sự liều lĩnh của mình bằng việc sẵn sàng nhảy vào cứu vớt một dự án mà tất cả mọi người đều từ chối.

Shark Thủy bị khởi tố bắt giam vì lừa đảo.

Sau khi kết thúc Shark Tank mùa 2, Shark Thủy cũng khiến cả trường quay vỗ tay tán thưởng khi phát ngôn: “Phương châm đầu tư của tôi không phải đầu tư để 4 hay 5 năm sau thoái vốn kiếm lời, mà muốn đồng hành cùng doanh nghiệp ấy”. “Việt Nam đang phát triển, Việt Nam chưa giàu mới chính là cơ hội. Nếu chúng ta sinh ra ở nước đã giàu rồi thì khởi nghiệp sẽ rất khó. 10 -20 năm tới phụ thuộc vào tinh thần khởi nghiệp của các bạn chính ngày hôm nay. Hãy ước mơ, chinh phục, dám nghĩ, dám làm, đừng bao giờ bỏ mục tiêu, khát vọng”, Shark Thủy trả lời truyền thông.

Khi được hỏi vì sao thường là người đưa ra quyết định cuối cùng, Shark Thủy nói: “Người ta thường nói “trâu chậm uống nước đục”. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi về đàm phán thì có lẽ, mình cứ chậm chút, có khi được mua rẻ”.

Thế nhưng chính sự nổi tiếng và những phát ngôn dậy sóng ấy, Shark Thủy dễ dàng lừa được nhà đầu tư xuống tiền đầu tư vào những dự án của mình. Egroup được Shark Thủy thành lập năm 2008. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.

Trong đó, nổi bật nhất là Apax Holdings ( IBC ) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, công ty duy nhất được niêm yết và thiết kế nhiều thương vụ đầu tư lớn. Còn lại, Công ty Egame và Công ty Ecapital là đơn vị để Egroup gọi vốn.

Từ năm 2017, Egame và Ecapital kêu gọi nhà đầu tư thông qua các “thỏa thuận hợp tác chiến lược” để đổi lấy cổ phần của công ty mẹ Egroup. Theo thỏa thuận, nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phần này trong một khoảng thời gian (thường là một năm).

Tuy nhiên với lời hứa hẹn, đến ngày tất toán, phía Egroup cam kết tìm đối tác hoặc trực tiếp mua lại với giá cao hơn lúc bán ra, hoặc tặng thêm một số cổ phần nhất định để tái ký thỏa thuận mới, đồng thời trả lãi rất cao và đều đặn nên rất nhiều người đã xuống tiền đầu tư. Thời gian đầu, tính chênh lệch giá cổ phần, nhà đầu tư có thể thu lãi 20-25% (2017-2018), sau giảm dần về 17-18% vào 2019-2020. Đến năm 2021, mức lãi này chỉ còn 14-15% một năm.

Từ năm 2020 đến 2023, qua giới thiệu của nhân viên tại nhiều ngân hàng khác nhau và các nhân viên kinh doanh của CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup, các nạn nhân được giới thiệu về việc gửi tiền tiết kiệm lấy lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng với 3 hình thức gồm: Hợp đồng mua trái phiếu; Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Egame; Hợp đồng hợp tác đầu tư.

Giai đoạn trước 2020, Egroup trả lãi đầy đủ. Nhưng từ đầu 2020, công ty của Shark Thủy bắt đầu chậm trả lãi nhà đầu tư với lý do họ gặp khó trong kinh doanh vì dịch Covid-19, thậm chí là xin “khất nợ” 3-5 năm và mong được giảm lãi trong quá khứ và dừng tính lãi mới cho đến khi trả được nợ. Với những nhà đầu tư không chờ được, Egroup lên phương án cấn trừ, gồm bất động sản, gói đầu tư nhượng quyền các trung tâm tiếng Anh, học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng.

Chây ì trả nợ các nhà đầu tư, công ty của Shark Thủy còn thất hẹn hoàn trả học phí tại các trung tâm Anh ngữ Apax Leaders - mắt xích xương sống trong hệ sinh thái của Egroup.

Từ cuối 2019, chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại, đòi hoàn trả hàng tỷ đồng học phí vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, “ôm tiền bỏ rơi khách hàng” và dừng hoạt động.

Nhiều phụ huynh căng băng rôn đòi tiền học phí.

Sau khi xin nhà đầu tư “khất nợ”, Egroup tiến hành tái cấu trúc Apax Leaders và tuyên bố hoàn thành giai đoạn đầu vào cuối tháng 3/2023. Thời điểm đó, chuỗi này có 38 trung tâm, chủ yếu ở miền Bắc.

Nhưng các trung tâm mở lại cũng lần lượt đóng cửa. Lúc đầu, lãnh đạo công ty trốn tránh trách nhiệm, không gặp gỡ bàn phương án với các phụ huynh. Về sau, trước sức ép của dư luận, lãnh đạo của công ty mới xuất hiện trước truyền thông, báo chí để trả lời, trấn an phụ huynh.

Lãnh đạo công ty giải thích do doanh thu thấp, chủ yếu là nhận lại học sinh cũ đã đóng phí trước đó, nguồn tiền mới vẫn hạn chế. Riêng các trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thủy thừa nhận gặp “khó khăn đặc biệt” do phụ huynh không đồng ý cho con tiếp tục theo học, “bao vây” đòi học phí.

Trải qua nhiều lần thương lượng, Apax Leaders không thực hiện cam kết và đề xuất lộ trình mới, kéo dài tới cuối năm 2025. Thế nhưng đến cuối 2023, chuỗi trung tâm tiếng Anh này thông báo mất khả năng thanh toán.

Dù chưa trả xong nợ, vào đầu năm 2024, doanh nghiệp của Shark Thủy tiếp tục gây chú ý khi đưa ra 2 gói đầu tư mới. Sản phẩm “Tăng trưởng kinh doanh gạt nợ Apax” với số tiền tham gia tối thiểu là 500 triệu đồng, tỷ lệ gạt nợ 1:2 (1 đồng vốn mới và 2 đồng nợ cũ).

Công ty cam kết phân chia lợi nhuận hàng tháng cho đến khi nhận đủ quyền lợi tỷ lệ trong thời gian hoàn vốn là 80%, số tiền phân chia hàng tháng tối thiểu là 50 triệu đồng. Lãi suất đầu tư mới 8% mỗi năm theo nợ giảm dần. Sau khi hoàn vốn, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận là 20%.

Với gói sản phẩm “Chuyển đổi nợ, thu hồi siêu tốc”, công ty yêu cầu số tiền tham gia tối thiểu là 200 triệu đồng, tỷ lệ 1:2. Công ty cam kết phân chia từ doanh thu phân bổ hàng tháng cho đến khi nhận đủ quyền lợi. Tỷ lệ chia sẻ 20% doanh thu phân bổ, thời gian bắt đầu nhận từ tháng thứ 5, số tiền phân chia hàng tháng tối thiểu bằng 60 triệu đồng (với mốc 4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Egroup của Shark Thủy còn bị nhắc tên liên tục trong danh sách doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội.Tổng cộng, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy đang nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội khoảng 101,8 tỷ đồng.

“Cá mập” cũng “mắc cạn””?

Không chỉ có Shark Thủy, nhiều Shark cũng lao đao vì dính phải thị phi. Nổi lên khi có mặt trong danh sách “cá mập” tại Shark Tank mùa 3 (năm 2019), ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam… cũng dính hàng loạt lùm xùm liên quan đến nghi vấn sản phẩm Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”.

Dù cơ quan chức năng sau đó đã đưa ra các thông báo về việc hoạt động của Asanzo là “phù hợp quy định”, không lừa dối khách hàng, nhưng việc vướng vào lùm xùm nguồn gốc xuất xứ đã khiến tiếng tăm của Asanzo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trước đó, ở mùa 1 chương trình, ông Hoàng Khải (tức Khải Silk) cũng là một nhà đầu tư khách mời của Shark Tank Việt Nam nhưng sau đó đã rút lui vì thương hiệu Khai Silk bị phát hiện bán hàng Trung Quốc đội lốt thương hiệu Việt.

Cũng vướng nhiều lùm xùm về hoạt động kinh doanh là bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne. Ở thời điểm nổi tiếng khi tham gia Shark Tank, nữ “cá mập” bất ngờ vướng vào thị phi liên quan dự án nhà máy nước mặt sông Đuống khi tính chi phí lãi vay vào giá nước. Điều này khiến dư luận dậy sóng khi giá nước sạch tạm tính tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống đắt gấp đôi so với giá nước thông thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Shark Liên cũng vướng phải lùm xùm bán nước cho người dân khi chưa được nghiệm thu chất lượng.

Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne.

Tương tự Shark Hưng - Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cen Group cũng dính án đa cấp khi ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Công nghệ Internet Việt Nam (BBI Việt Nam). Tuy nhiên, BBI bị nghi là công ty đa cấp biến tướng. Shark Bình - Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech thì gặp lùm xùm chuyện riêng với diễn viên Phương Oanh.

Có vẻ chương trình Shark Tank Việt Nam đã làm nên tuổi của các Shark. Trước khi có Shark Tank, nhưng cái tên như Shark Thủy, Shark Liên, Shark Tam, Shark Hưng, Shark Bình… gần như không ai biết đến. Phải chăng lên truyền hình, lên mạng thuyết giáo việc làm ăn chân chính, kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh cũng chỉ là cách để các Shark đánh bóng tên tuổi, tạo một vỏ bọc hoàn hảo cho mình.

Quang Anh

https://thuongtruong.com.vn/news/cac-shark-da-dung-chieu-bai-gi-de-giang-bay-nha-dau-tu-119178.html