Các thị trường đều đi lên mạnh mẽ trong phiên giao dịch chiều 10/5 trước thềm cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Vàng lên mức cao nhất trong 5 tuần Mỹ sẽ công bố chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng vào tuần tới. Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết nhu cầu mua vàng vẫn sẽ tương đối mạnh trong năm 2024.
Giá vàng tăng 1% trong phiên giao dịch chiều 10/5 sau khi số liệu kinh tế của Mỹ khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Giá vàng giao ngay tăng 1% lên 2.369,35 USD/ounce vào lúc 15 giờ 08 phút (giờ Việt Nam), mức cao nhất trong hơn hai tuần. Giá vàng đã tăng 3% từ đầu tuần đến nay. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1,5% lên 2.375,60 USD/ounce.
Nhà phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer tại công ty thương mại KCM Trade cho biết: “Giá vàng đã lấy lại phong độ trong tuần này nhờ một số dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ yếu. Số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu kém hơn dự kiến, điều này càng trở nên nóng hơn sau khi số liệu bảng lương phi nông nghiệp công bố vào thứ Sáu tuần trước yếu, cho thấy thị trường việc làm có thể đang bắt đầu nới lỏng”.
Các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9/2024. Lãi suất giảm làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 17 phút trong phiên giao dịch 10/5, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 90,10 - 92,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu tăng do nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc tăng
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch chiều 10/5, thiết lập mức tăng trên cơ sở hàng tuần, do dữ liệu trong tuần này từ hai nước sử dụng dầu thô lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cho thấy nhu cầu tăng cao và xung đột ở dải Gaza tiếp tục bất ổn cũng đã hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu Brent tăng 59 xu Mỹ (0,7%) lên 84,47 USD/thùng vào lúc 13 giờ 35 phút (giờ Việt Nam) và dự kiến mức tăng trên cơ sở hàng tuần là 1,8%. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 65 xu Mỹ (0,8%) lên 79,91 USD/thùng, thiết lập mức tăng hàng tuần 2,3%.
Các nhà phân tích cho biết, những cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas không mang lại kết quả nào, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông.
Công ty nghiên cứu ANZ Research cho biết, các dấu hiệu về nhu cầu của Trung Quốc đang tăng mạnh cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn được hỗ trợ tốt. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Citi nhận định rằng giá dầu sẽ giảm trong năm 2024, với giá dầu Brent trung bình là 86 USD/thùng trong quý II và 74 USD/thùng trong quý III, trong bối cảnh các yếu tố cơ bản về cung và cầu nới lỏng hơn vì có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu "dường như đang ở mức vừa phải".
Chứng khoán châu Á hướng tới tuần tăng thứ ba liên tiếp
Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 10/5, hướng tới tuần tăng thứ ba liên tiếp, trong khi đồng USD ổn định khi những dấu hiệu mới về thị trường lao động Mỹ đang nới lỏng đã làm gia tăng sự lạc quan về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay trước thềm cuộc họp quan trọng vào tuần tới.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 0,66% và đang trên đà tăng gần 1% từ đầu tuần đến nay và là tuần tăng thứ ba liên tiếp. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,37%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 2%, sau khi chạm mức cao nhất trong 8 tháng lúc đầu phiên giao dịch.
Các thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ chỉ số giá sản xuất tháng 4/2024 của Mỹ và chỉ số giá tiêu dùng sẽ công bố vào tuần tới để tìm dấu hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục xu hướng giảm so với tỷ lệ mục tiêu 2% của Fed.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 10/5, VN-Index giảm 3,94 điểm xuống mức 1.244,70 điểm, HNX-Index đóng cửa tại mức 235,68 điểm, tăng 1,10 điểm.
https://bnews.vn/cac-thi-truong-deu-di-len-manh-me-trong-phien-giao-dich-chieu-10-5/332686.html