Các thị trường mới nổi gặp khó khi Fed chần chừ giảm lãi suất

Việc kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ gây ra “cơn gió ngược” với các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latinh, như Brazil hay Mexico, và nhiều nước châu Á.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Các ngân hàng trung ương Brazil và Mexico - vốn đi đầu trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu - hiện gặp khó với lãi suất cao. Một phần nguyên nhân đến từ việc Fed chần chừ cắt giảm lãi suất.

Để đối phó với lạm phát tăng, ngân hàng trung ương tại nhiều nền kinh tế mới nổi đã buộc phải tăng lãi suất sớm hơn và cao hơn so với ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển. Nhưng quyết định của Fed về việc “neo” lãi suất ở mức cao lâu hơn so với dự báo đang khiến các nền kinh tế mới nổi gặp thách thức trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, làm đồng nội tệ của nhiều nước bị mất giá và có nguy cơ đẩy các nền kinh tế suy giảm tăng trưởng do chi phí lãi vay cao.
Theo chuyên gia Alberto Ramos, nhà kinh tế trưởng về Mỹ Latinh tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), việc Fed trì hoãn hạ lãi suất sẽ làm giảm dư địa của các ngân hàng trung ương trong điều hành chính sách.
Kết thúc phiên họp thường kỳ ngày 1/5 vừa qua, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong biên độ từ 5,25-5,5%. Đây là lần thứ 6 liên tiếp, cơ quan điều hành chính sách của Mỹ giữ nguyên lãi suất, đồng thời khẳng định sẽ chỉ tiến hành giảm lãi suất nếu có đủ dữ liệu kinh tế đáng tin cậy, cho thấy lạm phát hướng về ngưỡng mục tiêu 2%.
Chủ tịch Jerome Powell cho biết chính sách tiền tệ của Fed có ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu, nhưng cho rằng chu kỳ hiện tại của lãi suất không gây ra bất ổn lớn như trong quá khứ.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế cập nhật mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định các điều kiện tài chính toàn cầu nới lỏng hơn có thể mở ra cánh cửa để cắt giảm lãi suất ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Nhưng nếu khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác mở rộng hơn có thể sẽ kích thích dịch chuyển dòng vốn, làm suy yếu đồng nội tệ của nhiều nước.
Ngân hàng trung ương Brazil (BCB - Banco Central do Brasil) sẽ nhóm họp và đưa ra quyết định về lãi suất trong ngày 8/5. Một ngày sau đó sẽ là cuộc họp của Ngân hàng trung ương Mexico. Tại Mexico, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã ra tín hiệu cho biết sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, đưa lãi suất về mức 10,25%. Nhưng hội tụ của nhiều vấn đề kinh tế trong nước kết hợp với việc Fed trì hoãn hạ lãi suất khiến giới chuyên gia dự báo BCB sẽ thu hẹp tiến độ nới lỏng tiền tệ.

Người dân mua bán hàng hóa tại chợ ở Sao Paulo tại Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo chuyên gia Alexandre Schwartsman, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu tại BCB và hiện là chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn A.C. Pastore & Associados có trụ sở ở Sao Paulo, ở thời điểm tháng Ba, lãi suất điều hành của BCB vẫn được dự báo sẽ quay về mức 9% vào cuối năm nay. Nhưng hiện tại triển vọng này đã “tan biến”. Thị trường lo ngại nhiều về các vấn đề kinh tế trong nước, nhất là việc chi tiêu chính phủ lớn. Cùng với đó là diễn biến không thuận từ việc Fed trì hoãn giảm lãi suất.

Brazil bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2021, trước Mexico ba tháng và trước Fed đúng một năm. BCB đã đẩy lãi suất điều hành từ 2% lên mức cao lịch sử là 13,75%. Mức lãi suất này duy trì trong một năm và mới bắt đầu được cắt giảm từ tháng 8/2023. Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đạt đỉnh 12% vào tháng 4/2022 và đã tụt xuống còn 3,8% trong tháng Tư vừa qua, nhưng vẫn còn cao hơn ngưỡng mục tiêu 3% mà BCB đề ra.
Ông Alberto Ramos nhìn nhận tương tự Brazil, Mexico cũng có triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khả quan trong năm nay, một phần là nhờ tăng chi tiêu chính phủ. Nhưng chính sách thắt chặt của Fed cũng sẽ tạo ra “cơn gió ngược” đối với Mexico. Ông nói: “Điều kiện tài chính tại những nước này vẫn tương đối thắt chặt. Tiến trình bình thường hóa chu kỳ tiền tệ sẽ mất nhiều thời gian hơn”.
Ngân hàng trung ương Mexico là ngân hàng trung ương lớn cuối cùng ở Mỹ Latinh thông báo giảm lãi suất, với đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng Ba vừa qua, sau khi đã nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục là 11,25% và giữ nguyên trong thời hạn một năm. Lạm phát tại Mexico hiện giảm một nửa so với mức đỉnh 8,7% từng xác lập vào mùa Hè năm 2022. Ngân hàng trung ương Mexico đặc biệt quan ngại về lạm phát dịch vụ, vẫn đứng ở mức 5,2%, cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 3%.
Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs và Ngân hàng ANZ nhận định nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng rơi vào tình cảnh tương tự, với không nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã mạnh lên đáng kể so với nhiều đồng nội tệ tại khu vực. Tác động từ hiện tượng này là tương đối sâu rộng. Giới hoạch định chính sách tại các ngân hàng trung ương châu Á đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn từ chính sách của Fed: Cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hoặc "neo" lãi suất ở mức cao để giữ ổn định đồng nội tệ.
Ngân hàng trung ương Indonesia mới đây thậm chí đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên mức 6,25% để ngăn chặn đà mất giá của đồng rupiah. Philippines ít có khả năng cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, do gặp phải vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai đến từ nhập siêu. Ngân hàng trung ương Malaysia gần như sẽ không có bất kỳ sự điều chỉnh chính sách lãi suất nào trong thời gian tới.
Ấn Độ, Thái Lan là những nước hội đủ điều kiện để giảm lãi suất, nhưng mức cắt giảm trong năm 2024 dự báo cũng hạn chế ở ngưỡng 0,25 điểm phần trăm.

Hoài Thanh

Link gốc

https://bnews.vn/cac-thi-truong-moi-noi-gap-kho-khi-fed-chan-chu-giam-lai-suat/332322.html