Cách chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh thành lập từ những năm 1950 này “tạo ra tiền” không chỉ dừng lại ở những chiếc bánh mì kẹp thịt ngon lành.
Nói đến McDonald's, điều đầu tiên “nảy số” trong tiềm thức của nhiều người là những chiếc bánh mì kẹp thịt ngon lành được bán tại hơn 40.000 nhà hàng trên khắp thế giới. Và cứ thế, nhiều người lầm tưởng rằng, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này chỉ kiếm được tiền từ những sản phẩm giúp “lấp đầy” cơn đói của những thực khách ghé thăm.
Tuy nhiên, những chiếc bánh mì kẹp thịt chỉ là một phần mang đến nguồn doanh thu “khổng lồ”. Trên thực tế, cách chuỗi nhà hàng thành lập từ những năm 1950 này sử dụng nghệ thuật "tiền đẻ ra tiền" gây nhiều “bất ngờ” cho mọi người.
Câu chuyện đế chế đồ ăn nhanh mở đầu từ “dịch vụ Speedee”
Khi anh em nhà McDonald lần đầu tiên mở nhà hàng vào năm 1940, Richard James “Dick” McDonald (1909-1998) và Maurice James “Mac” McDonald (1902-1971), đã kiếm được phần lớn số tiền từ việc bán rất nhiều bánh mì kẹp thịt bằng “Hệ thống dịch vụ Speedee” mới của mình.
Thời điểm đó, đây là một phương pháp “tiêu chuẩn”, như “đinh đóng cột” trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh thời gian ấy. Cụ thể, các công đoạn chuẩn bị bánh mì kẹp của nhà hàng được thực hiện theo dây chuyền.
Chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonald's |
Hệ thống này giúp McDonald's có thể chế biến và bán được rất nhiều bánh mì với giá rất thấp. Với thực đơn không quá phức tạp như bây giờ, cặp anh em khi đó đã cung cấp thức ăn cho thực khách chỉ trong vài phút, trong khi tại các quán ăn lân cận, khách phải chầu trực hàng giờ đồng hồ mới được phục vụ.
McDonald's đã rất thành công với “Hệ thống dịch vụ Speedee” và mọi người bắt đầu yêu thích những chiếc bánh mì kẹp thịt của họ. Điều này bắt đầu tạo ra nhu cầu mở rộng cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Sau đó, mô hình kinh doanh bắt đầu thay đổi, McDonald's bắt đầu kiếm được "bộn tiền" từ “mô hình nhượng quyền”.
“Nhân bản” nhờ mô hình nhượng quyền
Nhìn vào cấu trúc doanh thu, nhiều người đã phải “bất ngờ” khi biết McDonald's kiếm “bộn tiền” từ những nhà hàng không phải do chính mình làm chủ. Theo đó, năm 2023, với tổng doanh thu 25.494 triệu đô-la, doanh thu từ các nhà hàng nhượng quyền đã chiếm tới 15.436 triệu, cao hơn so với nguồn thu từ nhà hàng do chính McDonald's quản lý.
Điều này không phải khó hiểu đối với những người đã biết đến mô hình kinh doanh nhượng quyền. Trên thực tế, chuỗi đồ ăn nhanh không sở hữu hầu hết các cửa hàng, khi 85% các nhà hàng McDonald’s thuộc sở hữu của những cá nhân muốn kinh doanh riêng, những người này được gọi là “đại lý nhượng quyền”.
Cấu phần doanh thu của McDonalds (Nguồn: Báo cáo thường niên doanh nghiệp) |
Cụ thể, bên “đại lý nhượng quyền” phải nộp đơn tới McDonald's với mong muốn sở hữu một nhà hàng. Nếu McDonald's chấp thuận, bên nhận quyền sẽ trả một khoản phí để sử dụng tên thương hiệu. Sau đó, bên nhận quyền sẽ trả tiền cho món ăn chưa nấu chín của McDonald's và trả lại một phần lợi nhuận mà họ kiếm được cho McDonald’s. Và sau một vài năm, bên nhận quyền có thể có nhiều hơn một nhà hàng.
Rõ ràng, McDonald's đã kiếm được tiền từ việc bán bánh mì kẹp thịt bằng một cách gián tiếp. Bên nhận quyền bán bánh mì kẹp thịt và McDonald's được bên nhượng quyền trả tiền. Điều này có nghĩa, thương hiệu có thể nhanh chóng nhân rộng số nhà hàng mà không cần tốn nhiều công sức và chi phí.
Sau này, anh em nhà McDonald đã thuê một đại lý nhượng quyền có tên là Ray Kroc. Công việc của Ray Kroc là tìm và thành lập các nhà hàng nhượng quyền trên khắp nước Mỹ. Ray Kroc đã nhận ra sự ưu việt của mô hình này đến mức đã quyết định đề nghị anh em nhà McDonald nhượng lại quyền kinh doanh cho mình vào năm 1961.
Và cứ như vậy, mô hình nhượng quyền chính là cách giúp Ray Kroc “nhân bản” số lượng nhà hàng mang thương hiệu McDonald’s một cách dễ dàng. Đây cũng là mô hình kinh doanh phổ biến được nhiều thương hiệu lựa chọn và đã thành công lớn. Trong đó, có cái tên quen thuộc và gần gũi là Mixue, khi số lượng cửa hàng của thương hiệu này đã mở rộng tới con số hơn 36.000 trong khoảng thời gian nhanh chóng.
“Ông tổ” ngành bất động sản McDonalds?
Trong lần diễn thuyết tại một trường đại học ở Mỹ, nhà sáng lập của McDonald’s, Ray Kroc đã hỏi các sinh viên: ''Đố các bạn, tôi kinh doanh các gì?''. Đa số các sinh viên đều cười vì nghĩ rằng Kroc đang nói đùa. Không có ai trả lời, ông lại tiếp tục hỏi: ''Theo các bạn thì tôi kinh doanh cái gì?''
Các sinh viên lại cười và cuối cùng một người la to: "Kroc, ai mà không biết ông kinh doanh Hamburger chứ''. Kroc tỏ vẻ khoái trí: "Tôi cũng nghĩ anh sẽ nói như vậy''. Ông ngừng một lúc và nói nhanh: "Này các bạn, tôi không kinh doanh Hamburger. Tôi kinh doanh bất động sản!"
Điều này có lẽ sẽ gây bất ngờ với nhiều người vốn nghĩ McDonalds chỉ thuần bán những chiếc bánh mì kẹp thịt để sinh lời. Nhưng bất ngờ thay, McDonald's sở hữu phần lớn diện tích đất có nhà hàng và sở hữu nhiều tòa nhà nhà hàng. Điều này có nghĩa, bên nhận quyền không sở hữu nhà hàng của mình mà họ thuê chúng và họ trả tiền thuê cho McDonald’s.
Từ cấu trúc doanh thu từ các công ty nhượng quyền của McDonald's cho thấy, "gã khổng lồ" này thu lượng lớn tiền từ kinh doanh bất dộng sản (Nguồn: Statista thống kê) |
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành bất động sản, các cửa hàng của McDonald’s đều nằm ở những vị trí đắc địa như góc hai mặt tiền hay trên những con đường lớn sầm uất. Hãng không chỉ đơn thuần việc thuê một mặt bằng để kinh doanh mà họ sẽ đàm phán để thuê mua hoặc nhờ một đối tác tài chính đứng vào hỗ trợ để mua lại toàn bộ mặt bằng này.
Với chiến lược kinh doanh đi trước thời đại của mình, McDonald's luôn có những người được nhượng quyền sẵn sàng trả tiền thuê nhà. Ngày nay, họ có mặt ở khắp mọi nơi. Các nhà hàng này đều nằm ở những vị trí đắc địa trên khắp thế giới nên giá thuê rất cao. Người được nhượng quyền cũng phải trả cho McDonald’s nhiều tiền thuê hơn so với phí nhượng quyền và phần trăm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, giá trị tài sản các nhà hàng của McDonald’s cũng đã tăng lên rất nhiều trong nhiều thập kỷ đã qua. Vì vậy, thương hiệu tiếp tục có tiền từ việc tăng giá vốn (sự chênh lệch giữa số tiền họ mua nhà hàng so với giá trị hiện tại). Chính điều đó đã biến McDonald's trở thành một trong những "ông trùm" bất dộng sản khét tiếng nhất thế giới.
Như đã nêu trong báo cáo thường niên của mình “McDonald's chủ yếu là một nhà nhượng quyền và tin rằng nhượng quyền là điều tối quan trọng để cung cấp những món ăn có hương vị tuyệt vời, trải nghiệm khách hàng phù hợp với địa phương và thúc đẩy lợi nhuận. Nhượng quyền thương mại cho phép một cá nhân trở thành chủ nhân của chính mình và duy trì quyền kiểm soát tất cả các vấn đề liên quan đến việc làm, các quyết định tiếp thị và định giá, đồng thời được hưởng lợi từ sức mạnh tài chính và kinh nghiệm toàn cầu của McDonald's". |