Một BCTC “đẹp” là cơ sở để VISC trong tương lai có thể thuận lợi thực hiện các kế hoạch huy động vốn như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cổ phiếu cho công chúng, hay nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp.
"Người cũ" tái hợp ở VISC
Ra đời từ năm 2008, CTCP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (HNX: VIG – VISC), tiền thân là CTCP Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, được sáng lập bởi loạt cổ đông tiềm lực gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn, PVFC, VCCI Invest, Vinachem, Vinapaco, VinaFood1, Lilama, Cienco4 và đặc biệt là Thăng Long Invest Group – tập đoàn gắn liền với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Phúc Long.
Ông Nguyễn Phúc Long nhậm chức Chủ tịch HĐQT VISC từ năm 2009, và rời vị trí này vào năm 2013. Thay thế ông, VISC sau đó có tân Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Xuân Biểu. Cũng trong giai đoạn 2012 - 2015, các pháp nhân liên hệ đến ông Long là Thăng Long Invest Group và CTCP Tài nguyên Khoáng sản và BĐS Thăng Long (nay là CTCP Đầu tư HDE Holdings – công ty liên kết của TIG Group) đã liên tục bán cổ phiếu VIG và không còn là cổ đông lớn.
VISC sau đó được cho là nằm trong tay của ông Nguyễn Xuân Biểu và các cộng sự. Tuy nhiên, sau 9 năm dưới “trướng” vị lãnh đạo này, kết quả kinh doanh của VISC không mấy khả quan.
Chưa kể, VISC từng đối mặt với nguy cơ phá sản khi Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) hồi tháng 6/2021 đã có công văn yêu cầu thanh toán số nợ gốc gần 5,9 tỷ đồng cùng khoản lãi 7,4 tỷ. Thời điểm đó, Hadico cho biết sẽ yêu cầu thủ tục phá sản đối với VISC nếu công ty không thể thực hiện trả nợ. Tính đến hết năm 2022, VISC mới chỉ thanh toán được cho Hadico 5,9 tỷ đồng tiền gốc, song vẫn còn nợ hơn 10 tỷ đồng tiền lãi.
Thậm chí, dưới thời ông Nguyễn Xuân Biểu, VISC từ năm 2015 đã phát sinh khoản đặt cọc 110 tỷ đồng với CTCP Vàng Lộc Xuân – doanh nghiệp liên quan đến các lãnh đạo VISC tiền nhiệm. Chưa kể, đó còn là khoản nợ xấu 47,8 tỷ đồng với chính Vàng Lộc Xuân gồm 45,3 tỷ đồng phải thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh cũ và 2,5 tỷ đồng tiền lãi. Tính ra, dư nợ Vàng Lộc Xuân với VISC lên đến 150 tỷ đồng và chiếm đến 72% tổng tài sản của VISC (tính đến cuối năm 2021).
Do đó, sự tái xuất của Thăng Long Invest Group tại VISC được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Theo tìm hiểu, nhóm này được cho là đã trở lại công ty chứng khoán này từ đầu năm 2022. Cụ thể, ĐHĐCĐ bất thường (EGM) năm 2021 tổ chức lần 3 (vào tháng 1/2022) của VISC cho thấy một nhóm cổ đông nắm 10% vốn đã đề xuất bổ sung 2 Thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2018-2022 là ông Dương Quang Trung và bà Đào Thị Thanh – đây đều là 2 nhân sự cấp cao tại Thăng Long Invest Group. Tờ trình mới này được thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 100% (tính trên tổng số cổ phần biểu quyết tại EGM).
Gần 3 tháng sau, các cổ đông VISC tại AGM năm 2022 bầu bổ sung tiếp ông Nguyễn Phúc Long (Chủ tịch HĐQT Thăng Long Invest Group) và ông Nguyễn Viết Việt (Thành viên HĐQT Thăng Long Invest Group) vào ghế HĐQT. Như vậy, ông Long chính thức trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT VISC sau 9 năm.
110 tỷ đồng tiền nợ của Vàng Lộc Xuân được “xóa” thế nào?
Ngay trong năm đầu tiên tái xuất tại VISC (năm 2022), dàn lãnh đạo mới đã thể hiện quyết tâm tái cấu trúc công ty chứng khoán này với kế hoạch chào bán riêng lẻ 34,3 triệu cổ phiếu VIG cho 11 nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, trực tiếp Thăng Long Invest Group và 3 thể nhân liên hệ là các bà Lê Thị Hường, Trần Thị Thúy Hằng, Phan Thị Ngát đăng ký mua tổng cộng 17,1 triệu cổ phiếu VIG chào bán, tương đương tỷ lệ 25,04%.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp công ty đảm bảo lỗ lũy kế không quá 50% vốn chủ sở hữu, qua đó có thể cung cấp trở lại dịch vụ giao dịch ký quỹ - mảng kinh doanh rất quan trọng đối với các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, VISC sau đó chỉ chào bán thành công 11/34,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nhóm Thăng Long Invest Group chỉ ghi nhận bà Lê Thị Hường và Trần Thị Thúy Hằng mua vào tổng cộng 4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,86%).
Dù kế hoạch chào bán cổ phiếu chưa thành công, song VISC cũng để lại ấn tượng với doanh thu hoạt động năm 2022 đạt 72 tỷ đồng, tăng 521% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí, lãi ròng lên đến 2,6 tỷ đồng, tăng 86%. VISC cho biết kết quả này chủ yếu nhờ việc chuyển nhượng cổ phiếu, qua đó đem về doanh thu hơn 54,3 tỷ đồng, VISC không đề cập cụ thể bán các cổ phiếu nào.
Đáng chú ý, HĐQT VISC đã có những quyết tâm giải quyết khoản nợ liên quan tới các lãnh đạo tiền nhiệm. Theo đó, VISC năm 2022 đã bán thành công khoản nợ đặt cọc 110 tỷ đồng với Vàng Lộc Xuân cho CTCP Đầu tư Tài chính Kim Lân. Giá chuyển nhượng bằng đúng giá cọc.
Lưu ý rằng, CTCP Đầu tư Tài chính Kim Lân mới được thành lập vào năm 2018 với vốn điều lệ vỏn vẹn 10 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông, thật trùng hợp, lại là những lãnh đạo hay nhân viên tại Thăng Long Invest Group, đó là bà Phạm Thị Hồng Nhung (50%) – thành viên Ban kiểm soát giai đoạn 2017-2020, hiện bà còn đứng tên tại chi nhánh Hà Nội của VISC; hay bà Nguyễn Thị Kim Oanh (20%) – nhân viên từ năm 2014 đến nay. Cá nhân nắm 30% vốn còn lại là bà Lại Thị Thu Huyền tham gia đợt chào bán “ế” 8,8 triệu cổ phần của Thăng Long Invest Group hồi tháng 4/2016.
Với 110 tỷ đồng thu về từ Kim Lân, VISC cho biết đã sử dụng vào “hoạt động tự doanh đầu tư cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết, trái phiếu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”. Tìm hiểu cho thấy, VISC năm 2022 đã rót đến 99 tỷ đồng để đặt cọc mua trái phiếu của CTCP Thương mại Sản xuất và Đầu tư Hà Thành, CTCP Đầu tư HDE Holdings, CTCP Đầu tư tòa nhà công nghệ xanh TIG-HDE, CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ đô – các pháp nhân liên quan/liên hệ đến chính Thăng Long Invest Group.
Ngoài ra, đó còn là đặt cọc 19 tỷ đồng mua trái phiếu của chính Đầu tư Tài chính Kim Lân. Không những thế, VISC hồi tháng 7/2022 tiếp tục đặt cọc 8,5 tỷ đồng mua chứng chỉ tiền gửi của Đầu tư Tài chính Kim Lân.
Đáng chú ý, tổng giá trị tiền đặt cọc mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ của VISC trong năm 2022 là 109,9 tỷ đồng, xấp xỉ số tiền mà công ty chứng khoán này thu về sau giao dịch bán khoản nợ đặt cọc 110 tỷ đồng với Vàng Lộc Xuân cho Kim Lân.
Bên cạnh đó, VISC trong năm 2022 đã chi 26,2 tỷ đồng mua cổ phiếu TIG của Thăng Long Invest Group. Với giá trị hợp lý tại ngày 31/12/2022 của TIG là 22,33 tỷ đồng, VISC tạm lỗ 3,87 tỷ đồng.
Hồi tháng 12/2022, HĐQT VISC còn thông qua việc dự kiến mua vào 2,8 triệu cổ phiếu CTCP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Hà Nội, giá chuyển nhượng 10.400 đồng/CP, tương đương tổng giá trị tối đa 29,12 tỷ đồng. Bên chuyển nhượng là bà Đỗ Thị Thanh Hương – cá nhân liên quan đến Thăng Long Invest Group.
Như vậy, với một loạt nghiệp vụ mua/bán kể trên, khoản nợ đặt cọc 110 tỷ đồng của Vàng Lộc Xuân (chiếm hơn một nửa tổng tài sản VISC) suốt từ năm 2015 đã nhẹ nhàng “biến mất”. Mặt khác, công ty cũng không cần phải trích lập dự phòng - yếu tố sẽ làm gia tăng chi phí và ảnh hưởng đáng kể lợi nhuận trên BCTC VISC.
Một BCTC “đẹp” là cơ sở chắc chắn để VISC có thể thuận lợi thực hiện các kế hoạch huy động vốn như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cổ phiếu cho công chúng/nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp trong tương lai.
Dĩ nhiên, như đã phân tích, cần nhìn nhận rằng khoản nợ với Vàng Lộc Xuân thực tế chỉ bị đẩy từ VISC sang pháp nhân khác trong cùng nhóm. Rủi ro khoản nợ này vẫn là hiện hữu với Thăng Long Invest Group nếu không thể thu hồi.