Khi tiến hành cải cách tiền lương (dự kiến từ ngày 1.7.2024) sẽ có 5 bảng lương thay thế cho 7 bảng lương hiện tại áp dụng cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Theo chuyên gia, cải cách tiền lương nhằm bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Các cơ quan, đơn vị đang đẩy nhanh xây dựng đề án vị trí việc làm. Ảnh: Phạm Đông
Nhiều thay đổi về lương, phụ cấp
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, kể từ ngày 1.7.2024, chính sách tiền lương mới sẽ có những nội dung nổi bật, trong đó quy định 5 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
5 bảng lương này bao gồm: 1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Các bảng lương được thiết kế bằng xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể và mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên mức cao hơn để từng bước tiệm cận với tiền lương khu vực doanh nghiệp.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho biết, hiện nay, hệ thống bảng lương của cán bộ, công chức đang áp dụng theo quy định là hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Điều này không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương và còn thấp do mức lương cơ sở thấp hơn mức lương tối thiểu dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp. Hiện nay mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng chỉ bằng trên 40% mức lương tối thiểu bình quân 4 vùng.
Ngoài ra, một nội dung nổi bật khác là cơ cấu tiền lương mới sẽ gồm lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ tiền lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ tiền lương); bổ sung tiền thưởng (chiếm 10% tổng quỹ tiền lương).
Cải cách tiền lương cũng sẽ làm thay đổi về các loại phụ cấp đối với công chức viên chức, lực lượng vũ trang.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi khác như: Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương cũng nêu rõ “Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành”. Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn “cào bằng” giữa mọi ngành như hiện nay.
Trả lương theo vị trí việc làm cũng có nghĩa là người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.
“Trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Ông Lê Đình Quảng đánh giá, việc thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bà Ingrid Christensen - Giám đốc, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - bình luận, tiền lương là một trong những điều kiện làm việc quan trọng nhất và là chủ đề chính của thương lượng tập thể. “ILO hoan nghênh những nỗ lực và cơ chế đối thoại của Chính phủ và các đối tác xã hội tại Việt Nam nhằm thiết lập mức lương tối thiểu. Chúng tôi cũng ghi nhận những bước tiến trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tiền lương trong khu vực công” - bà Ingrid Christensen nói.
Bà Ingrid Christensen bày tỏ, ILO cam kết đồng hành cùng các bên liên quan ở cấp quốc gia để thúc đẩy hệ thống tiền lương và thu nhập nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng và công bằng cho tất cả mọi người. Quế Chi (ghi)
BẢO HÂN