Sau hơn 40 năm không ngừng cải cách sâu rộng, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thị trường và phát triển trở thành các doanh nghiệp nhà nước mới, hiện đại, thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường...
Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội, sự tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như cải thiện an sinh xã hội người dân của Trung Quốc. Kinh nghiệm trong cải cách và phát triển của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có giá trị tham khảo tốt đối với các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
HIỆN ĐẠI HÓA KIỂU TRUNG QUỐC
Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã xây dựng nền tảng vững chắc cho sự cải cách doanh nghiệp nhà nước được tiến hành ổn định, lâu dài.
Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo không chỉ mang đặc điểm chung của công cuộc hiện đại hóa các nước, mà còn mang đặc sắc Trung Quốc căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước.
Năm đặc điểm cơ bản của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là: “Hiện đại hóa với dân số khổng lồ”, “Hiện đại hóa khiến cho toàn thể nhân dân cùng giàu lên”, “Hiện đại hóa được hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần”, “Hiện đại hóa để con người chung sống hài hòa với thiên nhiên” và “Hiện đại hóa đi theo con đường phát triển hòa bình”.
Trên con đường tiến lên phía trước, Trung Quốc triển khai năm nguyên tắc quan trọng của công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là: “Kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng”, “Kiên trì đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, “Kiên trì tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm”, “Kiên trì đi sâu cải cách mở cửa” và “Kiên trì phát huy tinh thần đấu tranh”.
Theo phương pháp luận khoa học, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là một công trình có hệ thống đòi hỏi phải trù tính xem xét tổng thể, lập kế hoạch có hệ thống và thúc đẩy tổng thể, xử lý đúng đắn sáu nhóm quan hệ quan trọng: “Giữa thiết kế thượng tầng và tìm tòi thực tiễn”, “Giữa chiến lược và sách lược”, “Giữa tính chính trực và sáng tạo”, “Giữa hiệu quả và công bằng”, “Giữa sức sống và trật tự”, “Giữa tự lực tự cường và mở cửa đối ngoại”.
Thế giới quan, giá trị quan, quan điểm lịch sử, quan điểm văn minh, quan điểm dân chủ, quan điểm sinh thái,… và những thực tiễn vĩ đại của nó trong quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là sự sáng tạo đổi mới quan trọng trong lý thuyết và thực tiễn hiện đại hóa thế giới. Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là kinh nghiệm học hỏi cho rất nhiều nước đang phát triển tiến tới hiện đại hóa một cách độc lập và mang lại cho họ một sự lựa chọn mới.
BA THAY ĐỔI TRONG CẢI CÁCH VÀ PHÁT TRIỂN
Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thực hiện ba thay đổi lớn:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống doanh nghiệp hiện đại đặc sắc Trung Quốc.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống quản lý, giám sát tài sản nhà nước và xác lập tư cách chủ thể thị trường độc lập của doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ chế điều hành doanh nghiệp, khơi dậy sức sống và động lực nội tại của doanh nghiệp.
Kết quả là doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nổi bật trong thời đại mới. Đó là: “Một tăng cường căn bản”, “Hai giải quyết mang tính lịch sử”, và “Ba tái định hình mang tính hệ thống” với kết quả cụ thể như sau:
“Một tăng cường căn bản” chính là sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng được tăng cường căn bản để tập trung thúc đẩy hiệu quả mối liên kết giữa trách nhiệm xây dựng Đảng với trách nhiệm kinh doanh của doanh nghiệp, xúc tiến lồng ghép sâu sắc công tác xây dựng Đảng với sản xuất kinh doanh.
“Hai giải quyết mang tính lịch sử” là vấn đề cải cách cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước và vấn đề trút bỏ chức năng xã hội, công ích của doanh nghiệp đã được giải quyết mang tính lịch sử. Theo đó, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu toàn bộ 14.700 doanh nghiệp nhà nước trung ương và 150.400 doanh nghiệp nhà nước địa phương, khẳng định vị thế của doanh nghiệp nhà nước là chủ thể thị trường độc lập; trên cả nước đã hoàn tất cuộc cải cách với sự tham gia của 15 triệu gia đình công nhân và 20,27 triệu người về hưu, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đã trút bỏ hoàn toàn gánh nặng lịch sử và có thể tham gia cạnh tranh thị trường một cách công bằng.
“Ba tái định hình mang tính hệ thống” bao gồm:
Một là, định hình lại cơ cấu quản lý doanh nghiệp hiện đại của doanh nghiệp nhà nước một cách có hệ thống để: (i) thống nhất tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao quản lý doanh nghiệp; (ii) tổ chức Đảng, ban quản trị, ban giám đốc của doanh nghiệp đều thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình theo luật định, minh bạch và phối hợp hiệu quả.
Hai là, định hình lại cơ cấu bố trí vốn nhà nước có hệ thống để thúc đẩy thực hiện thành công một loạt tái cơ cấu chiến lược lớn, hội nhập ngành nghề theo nguyên tắc thị trường hóa. Trong ba năm qua, 4 nhóm gồm 7 doanh nghiệp nhà nước Trung ương và 116 nhóm gồm 347 doanh nghiệp nhà nước địa phương đã thực hiện tái cơ cấu chiến lược. Các công việc như “dọn dẹp”, thoái vốn khỏi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh kém hiệu quả cơ bản đã hoàn thành.
Ba là, định hình lại hệ thống quản lý, giám sát tài sản nhà nước một cách có hệ thống để: thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà đầu tư doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm quản lý, giám sát tài sản nhà nước và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nhà nước; tăng cường lợi thế của hoạt động giám sát chuyên nghiệp, có hệ thống và đúng pháp luật; đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan giám sát tài sản nhà nước ở các cấp Trung ương, tỉnh, thành phố.
Việc không ngừng đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chất lượng cao có những bước đi vững chắc. Kết quả là, trong mười năm kỷ nguyên mới thì tổng tài sản của Nhà nước tăng gấp ba lần, đạt 289 nghìn tỷ Nhân dân tệ với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm là 5,9%, tốc độ tăng trưởng tổng lợi nhuận bình quân hàng năm là 7,3% và tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân hàng năm là 10%.
SÁU PHƯƠNG DIỆN CẢI CÁCH TRỌNG TÂM
Trong chặng đường mới, trên hành trình mới, Trung Quốc phấn đấu đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Trung Quốc hoạch định một loạt kế hoạch hành động mới nhằm đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước phù hợp với những thay đổi của tình hình, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi và tăng cường các chức năng cốt lõi.
Theo đó, Trung Quốc đang triển khai một loạt hành động mới hướng tới phục vụ chiến lược quốc gia, kiên trì và cố gắng giúp cho các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn, phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ chiến lược của nền kinh tế nhà nước. Trọng tâm là tiếp tục tăng cường cải cách sâu rộng xoay quanh sáu phương diện.
Thứ nhất, tăng cường vai trò dẫn dắt ngành nghề và đẩy mạnh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, đó là: tập trung tạo dựng cục diện phát triển mới, kiên trì phát triển song song các ngành nghề mới nổi mang tính chiến lược và các ngành nghề truyền thống, trù tính tốt hơn vòng tuần hoàn trong nước và quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đạt được mục tiêu phát triển chất lượng cao.
Thứ hai, đẩy nhanh sáng tạo khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, nỗ lực đóng vai trò quan trọng trong việc tự lực tự cường về công nghệ. Nhằm góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh về khoa học và công nghệ, nên đặt sáng tạo khoa học và công nghệ ở vị trí quan trọng, làm nổi bật vị trí chủ thể sáng tạo doanh nghiệp, rèn luyện sức mạnh khoa học và công nghệ chiến lược quốc gia, tạo ra nhiều sáng tạo khoa học và công nghệ có giá trị hơn “vũ khí quan trọng quốc gia”.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả phân bổ vốn nhà nước, nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu chiến lược và tích hợp chuyên môn. “Lấy doanh nghiệp làm chủ thể và thị trường hóa là phương tiện” để nêu bật hoạt động kinh doanh chính, tập trung vào công nghiệp, chú trọng phát triển mạnh và chuyên môn hóa, thúc đẩy tập trung và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tiến lên và rút lui có trật tự, nâng cao chất lượng và hiệu quả, thúc đẩy dòng vốn nhà nước lưu thông hợp lý và phân bổ tối ưu vốn...
---------
(*) Tác giả là Thành viên HĐTV, Trưởng Ban Tài chính - Chiến lược, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2024 phát hành ngày 29/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây :
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
https://vneconomy.vn/cai-cach-va-phat-trien-doanh-nghiep-nha-nuoc-kinh-nghiem-tu-trung-quoc.htm