Cái chết được báo trước của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc

Một vị lãnh đạo trong ngành xe điện Trung Quốc nhận định các thương hiệu nước ngoài đang dần bị tụt lại ở thị trường xe điện, đồng thời nhấn mạnh những công ty khởi nghiệp và thương hiệu lâu đời của Trung Quốc sẽ là kẻ thống lĩnh thị trường.

Cuộc chiến giá khốc liệt đang diễn ra trên thị trường xe điện (EV) của Trung Quốc có khả năng sẽ kéo dài trong nhiều năm và tác động chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, theo South China Morning Post . Theo một giám đốc đầu ngành, những hãng này sẽ thấy thị phần của họ bị thu hẹp khi cuộc chiến giá kéo dài.

“Giảm giá là vũ khí của kẻ mạnh. Chỉ những công ty có khả năng cạnh tranh về chi phí cao nhất, công nghệ tốt nhất và khả năng toàn diện mới tồn tại được,” Michael Wu, đồng chủ tịch của Zhejiang Leapmotor Technology (Leapmotor) cho biết.

“Mặc dù cuộc chiến giá cả được dự báo sẽ trở thành điều bình thường trong vài năm tới, nhưng những người sống sót thực sự dự kiến sẽ xuất hiện vào cuối năm nay,” ông nêu quan điểm, đồng thời nói thêm rằng ông muốn Leapmotor trở thành Uniqlo và Toyota của thị trường xe điện. Ví dụ của ông Wu nhằm ám chỉ lượng khách hàng lớn mà hai thương hiệu Nhật Bản này thu hút.

Ông Michael Wu, đồng chủ tịch của hãng xe điện Zhejiang Leapmotor Technology. (Ảnh: SCMP ).

Kể từ năm ngoái, các nhà sản xuất EV ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đã lao vào cuộc chiến giá với những người chơi hàng đầu như Tesla và BYD đua nhau hạ giá thành, đồng thời tung ra các chương trình khuyến mãi để giành được thị phần trong bối cảnh nhu cầu giảm.

Ông Wu cho biết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài kém cạnh tranh hơn ở thị trường xe điện của Trung Quốc do tiến độ điện khí hóa chậm và thiếu hiểu biết về người tiêu dùng Trung Quốc.

Ông nói thêm thị trường sẽ do các công ty khởi nghiệp và các nhà sản xuất ô tô lâu đời của Trung Quốc dẫn đầu khi họ chuyển sang xe điện nhanh hơn các thương hiệu nước ngoài.

Leapmotor đang đặt mục tiêu giao hàng từ 250.000 đến 300.000 xe trên toàn cầu trong năm nay, tăng hơn gấp đôi so với mức 144.145 xe của năm ngoái.

Hãng ô tô có trụ sở tại Hàng Châu, đã đạt được lưu chuyển tiền mặt dương lần đầu tiên vào năm 2023, theo kết quả kinh doanh hàng năm của hãng vào tháng 3. Công ty cũng đã đạt được lợi nhuận gộp hàng năm và đạt tỷ suất lợi nhuận gộp là 0,5%.

Đồng Chủ tịch Wu cho biết công ty có thể đạt được lợi nhuận bất chấp cuộc chiến giá cả nhờ khả năng thiết kế, nghiên cứu phát triển và sản xuất nội bộ, giúp họ kiểm soát tốt hơn chi phí sản xuất.

Nhà sản xuất ô tô này dự kiến sẽ giao những chiếc xe sản xuất tại Trung Quốc như mẫu sedan T03 và SUV C10 - cho thị trường châu Âu thông qua liên doanh có trụ sở tại Hà Lan với Stellantis, vào quý III.

Bên cạnh đó, Leapmotor sẽ tập trung vào việc ra mắt các mẫu xe giá cả phải chăng trong phân khúc từ 100.000 nhân dân tệ (13.875 USD) đến 200.000 nhân dân tệ. Ở Trung Quốc, phân khúc từ 200.000 nhân dân tệ đến 300.000 nhân dân tệ được coi là phân khúc "đông đúc" và cạnh tranh cao do mức giá ưu đãi đi kèm số lượng đối thủ cạnh tranh lớn.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe Chở khách Trung Quốc, các nhà sản xuất EV nội địa của Trung Quốc chiếm 85,7% thị trường trong quý đầu tiên, so với 81,2% của cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc thông qua liên doanh đang gặp khó khăn. Tháng 9 năm ngoái, Mitsubishi Motors của Nhật Bản đã ngừng sản xuất ô tô sau khi gia nhập thị trường vào đầu những năm 1980.

Thành Vũ

https://vietnambiz.vn/cai-chet-duoc-bao-truoc-cua-cac-nha-san-xuat-o-to-nuoc-ngoai-tai-trung-quoc-2024580823280.htm