Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu quả nguồn thu.
Nhiều kết quả nổi bật trong công tác quản lý thuế
Trong thời gian qua, ngành Thuế Cần Thơ đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế với các hình thức đa dạng hóa, hiện đại hóa…. Bên cạnh đó, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho người nộp thuế, kịp thời tuyên dương khen thưởng đối với người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế.
Đối với công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), công tác cấp mã số thuế được thực hiện kịp thời. Tổng số mã số thuế đơn vị, hộ cá thể đang hoạt động trên toàn thành phố là 14.614 doanh nghiệp, tổ chức (trong đó: doanh nghiệp là 12.901 đơn vị, tổ chức kinh tế và tổ chức khác là 1.713) và 28.274 hộ cá thể. Số lượng tờ khai nộp đúng hạn, khai đúng, đủ tiền thuế phải nộp của người nộp thuế ngày càng tăng. Công tác hoàn thuế từng bước được hiện đại hóa, đến nay, 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT đã được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế đạt 49,72% , kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt 8,38% số lượng doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Triển khai áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. Bố trí nguồn nhân lực để tập trung tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, dự báo có rủi ro cao. Kết quả số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) từ năm 2021 đến hết năm 2023 là 344.99 tỷ đồng, trong giai đoạn đã thanh tra giao dịch liên kết đối với 50 doanh nghiệp, qua thanh tra đã kiến nghị tăng thu cho NSNN trên 18.08 tỷ đồng.
Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, đôn đốc thu hồi kịp thời số nợ đọng thuế vào ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Hằng năm, cơ quan thuế và các quận, huyện đã thành lập Tổ chỉ đạo thu nợ và cưỡng chế nợ thuế để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tổng số tiền thuế nợ ước tính đến 31/12/2023 là 2,978 tỷ đồng. Trong đó: (i) Nợ khó thu là 677 tỷ đồng; (ii) Nợ có khả năng thu là 2,301 tỷ đồng (nợ gốc là 1,694 tỷ đồng, tiền chậm nộp 607 tỷ đồng); chiếm tỷ lệ 21% trên tổng số thu ngân sách năm 2023 (10,843 tỷ đồng). Trong số đó, tiền thuế nợ của 20 doanh nghiệp nợ thuế lớn là 1,893 tỷ đồng, chiếm 80%. Theo đó, Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế tiền thuế nợ theo quy định nhưng chưa thu hồi được do người nộp thuế đang gặp khó khăn về tài chính
Đối với kết quả công tác hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính thuế, thành phố đang triển khai có hiệu quả . Trong giai đoạn này đã triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử (ETAX) trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, tổng số thủ tục hành chính thuế cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, 4 trong toàn ngành là 145/235, 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã thực hiện khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy Cục Thuế và Chi cục Thuế, đội thuế theo đúng chiến lược cải cách hệ thống thuế; tinh giản tổ chức bộ máy gọn nhẹ, nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Công tác quản lý thuế còn một số hạn chế
Đối với cơ chế và chính sách trong thu NSNN. Tình trạng giao dịch mua, bán bất động sản trên thị trường kê khai giá tính thuế thấp hơn giá thực tế nhằm giảm số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Lệ phí trước bạ nộp vào NSNN còn diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố, trong đó chưa có đầy đủ cơ chế, quy định để ấn định giá giao dịch bất động sản.
Đối với công tác quản lý thuế của cơ quan thuế, tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu trên tổng thu NSNN tăng so với chỉ tiêu do Tổng cục Thuế yêu cầu (dưới 5%), tuy nhiên, tổng số nợ thuế có xu hướng tăng, chủ yếu do tăng khoản tiền chậm nộp và nhiều khoản nợ khó thu chưa được xóa.
Đối với công tác chống thất thu đã góp phần tăng thu cho NSNN các năm qua đạt được kết quả nhất định như tăng thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực chưa cao như chống thất thu đối với lĩnh vực thương mại điện tử, nhà hàng khách sạn, ăn uống....
Đối với công tác phối hợp thu NSNN, trong lĩnh vực đất đai, phối hợp về chuyển thông tin địa chính của người nộp thuế từ Sở Tài nguyên Môi trường chưa kịp thời để Cục Thuế tính các khoản thu từ đất.
Đối với công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, các ứng dụng công nghệ thông tin tuy đã đáp ứng được yêu cầu quản lý và hỗ trợ cho cán bộ thuế trong việc phân tích hồ sơ kê khai thuế của các doanh nghiệp, nhưng một số báo cáo, thống kê thuế chưa hoàn chỉnh, chưa tích hợp với các số liệu quản lý khác của các ngành nên còn hạn chế trong việc đánh giá rủi ro.
Ngoài ra, năng lực, kỹ năng quản lý thuế của một số cán bộ công chức ngành thuế còn hạn chế, chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ được giao; số lượng công chức thuế so với biên chế hành chính được giao còn thiếu.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong thời gian tới
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, thành phố Cần Thơ xác định một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán hàng năm gắn với hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tích cực hỗ trợ người nộp thuế, tạo môi trường cho doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Tiếp tục triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; thường xuyên rà soát, phân tích các nguồn thu mới phát sinh, có dư địa và tình hình sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, theo lĩnh vực, sắc thuế, doanh nghiệp trọng điểm để có chỉ đạo thu NSNN kịp thời... nhằm tạo nguồn thu ổn định và phát triển cho ngân sách thành phố.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn 100%; xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp có rủi ro cao trong quản lý thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế: thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý thuế, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai rộng rãi kê khai, nộp thuế điện tử. Tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế theo phương thức hậu kiểm, đẩy mạnh chống thất thu thuế, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, quyết liệt, hiệu quả hơn. Kiên quyết phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý thuế. Tập trung tuyên truyền các nội dung thực hiện các Luật Thuế mới, để hạn chế vi phạm pháp luật thuế; từng bước nâng cao tính tự giác, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, người dân. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thu ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, thực hiện phân cấp về xác định giá đất cụ thể, quản lý khai thác sử dụng đất đai, tài sản công, quản lý thuế theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chủ động xây dựng đề án tăng thu ngân sách của địa phương thông qua cấp ủy và HĐND để thống nhất thực hiện trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thu NSNN, quản lý đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước và tăng cường công tác thanh, kiểm tra về NSNN trên địa bàn.
https://vietstock.vn/2024/05/can-tho-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-thue-758-1190435.htm