Căng thẳng Trung Quốc và Âu - Mỹ (Kỳ cuối): Dự báo xu hướng

Trong bối cảnh phân cực trật tự thương mại, đầu tư toàn cầu, sự “tin cậy” mới là “chìa khóa” thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại.

Việc Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và châu Âu đã phản ánh rõ mâu thuẫn hệ thống. Đây cũng là giai đoạn có tính bước ngoặt giúp định hình trật tự thương mại toàn cầu trong tương lai. Điều này sẽ nảy sinh các xu hướng mới:

Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất ASEAN

Thứ nhất, trung tâm sản xuất của thế giới đang hình thành ở Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Đông Nam Á. Hàng loạt tập đoàn lớn dần chuyển dây chuyền sản xuất theo phương châm “Trung Quốc +1”.

Trong đó, vai trò của ASEAN và Việt Nam đang tăng lên trong chuỗi cung ứng cơ bản. Dòng hàng xuất khẩu sang Mỹ từ ASEAN đã tăng từ năm 2015, có dấu hiệu đột biến từ sau năm 2020.

Thái Lan hiện là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới về máy điều hòa không khí, xếp thứ 4 về tủ lạnh. Trong khi Malaysia đóng vai trò quan trọng trong các công đoạn sản xuất chip nhớ dùng trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới cả về điện thoại di động lẫn thiết bị phát sóng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong giai đoạn tới dao động từ 4 - 5%/năm, vượt xa mức 1,1-2% tại các nước phát triển. Khu vực Đông Nam Á đang chiếm 8% tổng kim nghạch xuất khẩu toàn cầu và thu hút tới 24,4% chuỗi cung ứng của doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, “nearshoring” và “friendshoring” là 2 xu hướng chủ đạo của đầu tư, thương mại trong giai đoạn sắp tới. Ví dụ, Mỹ đã hàn gắn lại quan hệ thương mại với hai nước láng giềng Canada và Mexico trong Hiệp định Thương mại (NAFTA).

Các mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và phương Tây được thắt chặt, biểu hiện bằng những cam kết hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn, công nghệ AI, BigData; cũng như hợp tác quân sự, quốc phòng.

Đổi lại, Trung Quốc đang ráo riết “tạo vây cánh”, không ngừng mở rộng khối BRICS, lấp khoảng trống quyền lực ở Tây Á, Nam Mỹ, Bắc Phi; giữ thái độ trung dung với tình hình Đông Âu, Israel - Hamas - Iran.

Vai trò của Trung Quốc ngày càng quan trọng ở Tây Á

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran, nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Saudi Arabia, lấp đầy chỗ trống thương mại tại Nga sau khi hàng loạt doanh nghiệp phương Tây rời đi.

Trong tương lai gần, sự “tin cậy” mới là “chìa khóa” thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại. Xu hướng này có lợi cho những quốc gia có nền kinh tế mở, có quan hệ đối tác rộng rãi, thân thiện như Việt Nam.

Thứ ba, sự phân luồng rõ rệt này tạo ra bối cảnh cạnh tranh kịch liệt, căng thẳng trong kinh tế, thương mại, đầu tư. Một trong những biểu hiện cụ thể là “phòng vệ thương mại” sẽ phổ biến hơn, gây rủi ro đáng kể cho các nước đang phát triển.

Washington sẽ thông qua gói thuế mới “đánh” vào xe điện, pin xe điện và tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Điều này sẽ gây rắc rối lớn với các nền kinh tế nhập khẩu nguyên liệu của Trung Quốc hoặc có nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và EU.

Khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Âu - Mỹ, nó sẽ tăng cường “đánh chiếm” thị trường cận biên từ Việt Nam, Lào xuống khắp Đông Nam Á; qua ngả phía Tây vào Trung Á, Trung Đông.

Nguy cơ nhập hàng ngoại về “gắn mác” hàng Việt không chỉ đẩy nhiều doanh nghiệp non trẻ trong nước đến bờ vực phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu. Do đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cần có giải pháp chặn đứng tình trạng này, nếu có.

TRƯƠNG KHẮC TRÀ

Link gốc


https://diendandoanhnghiep.vn/cang-thang-trung-quoc-va-au-my-ky-cuoi-du-bao-xu-huong-263282.html