Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người dùng cảnh giác trước các hình thức lừa đảo liên quan đến ứng dụng bảo hiểm số VssID.
Website chính thức để tải ứng dụng VssID. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến đang leo thang, người dùng cần cảnh giác khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, tránh bị lừa bởi các đối tượng mạo danh công ty, tổ chức lớn.
Cảnh báo lừa đảo liên quan ứng dụng giả VssID
Thời gian gần đây, trên TikTok xuất hiện tài khoản “VssID - Hỗ trợ BHXH”, đăng tải các video hướng dẫn lấy lại mật khẩu đăng nhập vào ứng dụng trong trường hợp người dùng quên hoặc thất lạc.
Bên cạnh đó, kênh này còn quảng bá dịch vụ trả phí để thay đổi thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ... kèm các ưu đãi hấp dẫn. Theo một số người dùng, sau khi đưa thông tin để sử dụng dịch vụ, bên kia không hồi âm nên họ không chuyển tiền.
Sau khi tiếp nhận phản ánh, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội khẳng định dịch vụ mà kênh TikTok cung cấp là trái pháp luật. Theo quy định, người dân hoàn toàn không mất phí khi cấp lại mật khẩu hoặc thay đổi thông tin cá nhân của tài khoản VssID.
Cảnh báo các hình thức lừa đảo liên quan ứng dụng VssID giả mạo. Ảnh: Cục ATTT . |
Bên cạnh mạng xã hội TikTok, đối tượng lừa đảo còn chủ động gọi điện để tiếp cận nạn nhân. Ngày 9/5, anh T.H.T. (ngụ phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận cuộc gọi có đầu số 0924.635.xxx .
Đối tượng tự xưng là cán bộ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, yêu cầu cầu anh T. đồng bộ dữ liệu căn cước công dân. Người gọi nói rằng anh có thể đồng bộ trực tuyến qua ứng dụng VssID mà không cần đến cơ quan.
Do nghi ngờ lừa đảo, anh T. chủ động liên hệ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai để xác minh thông tin. Sau khi kiểm tra, cơ quan cho biết không có cán bộ với đầu số điện thoại như trên.
Trước tình hình lừa đảo diễn biến phức tạp, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng khi gặp những dịch vụ liên quan đến VssID trên mạng xã hội. Chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống, hoặc trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.
Ngoài ra, người dân chỉ nên tải VssID thông qua Play Store (hệ điều hành Android) và App Store (iOS), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ đường link lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trên smartphone.
Giả mạo quỹ PYN Elite để lừa đảo
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage, nhóm chat giả danh các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhằm dụ dỗ nạn nhân gửi tiền.
Theo lực lượng công an, một số đối tượng lừa đảo mạo danh quỹ PYN Elite, kêu gọi người dân đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản. Dưới danh nghĩa chuyên gia hoặc cố vấn cấp cao, chúng tiếp cận và giới thiệu nạn nhân tham gia các khóa học đầu tư.
Nếu có nhu cầu, nạn nhân được thêm vào nhóm chat trên ■■■■■■■■ hoặc ứng dụng khác, với số thành viên đến hàng chục nghìn người.
Cảnh giác hình thức giả mạo quỹ đầu tư PYN Elite để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT . |
Các đối tượng lừa đảo sử dụng phương pháp tinh vi như tạo ứng dụng giả Pyn Smart, tạo website pynelitevn.pro với giao diện giống website gốc, lập các tài khoản ngân hàng dưới danh nghĩa công ty mạo danh PYN Elite để tạo uy tín, lợi dụng sự bất cẩn của người dân.
“Quỹ PYN Elite thu hút vốn 100% từ các nhà đầu tư Phần Lan vào tài khoản ngân hàng tại Phần Lan. Các tài khoản ngân hàng Việt Nam được đặt dưới tên quỹ đều là lừa đảo. Hãy lưu ý không chuyển tiền vào các tài khoản lừa đảo tại Việt Nam.
PYN Elite chỉ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, và không có bất kỳ hình thức kinh doanh hay tiếp thị tại Việt Nam. Tất cả nhóm chat và website bằng tiếng Việt lấy tên của quỹ là giả mạo”, ông Petri Deryng, nhà sáng lập quỹ PYN Elite, cho biết.
Để phòng tránh những hành vi lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác trước những lời mời đầu tư từ người lạ. Cần tìm hiểu kỹ danh tính đối tượng, mức độ chính thống của các dự án đầu tư.
Tuyệt đối không truy cập, tải ứng dụng từ đường link lạ, chỉ nhấn vào đường link xuất hiện trên các trang điện tử, website chính thống.
Nếu gặp trường hợp tương tự, người dân cần chủ động liên hệ cơ quan chức năng để kịp thời điều tra, ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng hình thức khám bệnh từ xa để lừa đảo
Hình thức khám bệnh từ xa dần phổ biến tại Mỹ. Đây là giải pháp sử dụng nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông để kết nối cơ sở y tế với người bệnh nhằm chẩn đoán, tư vấn và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, nhiều kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ giả giọng bằng AI để mạo danh bác sĩ, bệnh viện nhằm chiếm đoạt tài sản của bệnh nhân.
Với sự trợ giúp của AI, chỉ cần sở hữu video của một nhân vật đang nói chuyện, người dùng có thể dễ dàng mô phỏng giọng nói của người đó, tạo ra các đoạn hội thoại với nội dung tùy ý.
Cảnh báo lợi dụng hình thức khám bệnh từ xa để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT . |
Những kẻ lừa đảo liên hệ nạn nhân qua điện thoại hoặc email, tin nhắn trên Facebook để dụ dỗ cung cấp thông tin cá nhân.
Scott MacLean, Giám đốc Thông tin của tổ chức y tế MedStar Health (Mỹ) nhấn mạnh sự gia tăng của hình thức lừa đảo bằng giọng nói AI.
Ông cảnh báo rằng với sự phát triển vượt bậc cùng khả năng tiếp cận dễ dàng các công cụ AI, việc đề cao cảnh giác khi sử dụng dịch vụ trên mạng là rất cần thiết.
Dựa vào một báo cáo hồi tháng 2, MacLean chỉ ra rằng cùng với các vụ lừa đảo qua email, thủ đoạn lừa đảo bằng giọng nói AI tăng gấp 12 lần từ thời điểm ChatGPT ra đời.
Trước số liệu đáng báo động này, các chuyên gia cũng như tổ chức y tế cần nhận thức vấn đề, tìm ra phương hướng giải quyết nhằm giảm thiểu rủi ro từ lừa đảo trực tuyến.
Làm sao để phòng tránh lừa đảo qua mạng?
Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến leo thang, Cục ATTT đưa ra nhiều phương pháp giúp người dân nâng cao khả năng bảo mật, đồng thời phòng tránh những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đầu tiên, cần nắm danh tính của người gọi điện trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân. Dựa vào thông tin do đầu dây bên kia cung cấp, người dân nên chủ động gọi các tổ chức uy tín để xác minh.
Tiếp theo là sử dụng hệ thống bảo mật nhiều lớp. Hiện nay, các nền tảng email, mạng xã hội đều yêu cầu xác minh “chính chủ” bằng nhiều hình thức như số điện thoại, vân tay, mã PIN… Do đó, hãy đảm bảo tài khoản đáp ứng đủ các lớp bảo mật nhằm giảm tối đa khả năng bị tin tặc xâm nhập.
Áp dụng biện pháp phòng tránh giúp giảm thiểu khả năng bị đánh cắp thông tin, lừa đảo qua mạng. Ảnh: Wired . |
Ngoài ra, tuyệt đối không chia sẻ các thông tin như địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng, số CCCD... cho cuộc gọi hay đoạn chat lạ. Nếu buộc phải cung cấp, người dân nên trực tiếp đến các tổ chức, cơ quan để làm thủ tục.
Khi nhận tin nhắn thoại hoặc cuộc gọi từ người lạ, cần chủ động ghi âm. Việc ghi lại cuộc gọi và tin nhắn thoại sẽ hỗ trợ quá trình điều tra, truy vết đối tượng trong trường hợp người dân bị lừa đảo.
Cuối cùng, thường xuyên cập nhật tin tức về lừa đảo trực tuyến. Theo dõi các thông tin và xu hướng lừa đảo trực tuyến qua Cổng không gian mạng quốc gia ( khonggianmang.vn ) để đề phòng, biết cách xử lý khi gặp đối tượng lừa đảo.
https://znews.vn/canh-bao-ung-dung-gia-mao-vssid-post1476385.html